ĐH địa phương sẽ phát triển nếu chính quyền 'tin tưởng, tin dùng, tin yêu'

Vai trò hậu thuẫn, đầu tư của chính quyền địa phương đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn là đặc biệt quan trọng.

Bài học kinh nghiệm từ sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học địa phương qua gần 3 thập kỷ qua cho thấy, nếu nhà trường nào nhận được sự quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt của chính quyền địa phương sẽ có nhiều động lực để phát triển, từng bước trở thành một trường đại học phát triển, có uy tín và vị thế trong các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Ngược lại, nếu không có sự quan tâm sát sao, hỗ trợ kịp thời của chính quyền, các cơ sở giáo dục này rất dễ rơi vào nguy cơ không tiếp tục hoạt động được, thậm chí phải đối mặt với việc sáp nhập với đại học quốc gia, đại học vùng.

Đây là ý kiến thống nhất được đưa ra tại hội thảo khoa học “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc” do Câu lạc bộ các trường đại học địa phương thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức, diễn ra ngày 10/5.

“Tin tưởng, tin dùng và tin yêu” giữa trường đại học địa phương và lãnh đạo tỉnh

Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tân Trào phát biểu tại hội thảo. Ảnh: UHL

Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tân Trào nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của các cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về các vấn đề phát triển của trường đại học địa phương.

Theo vị lãnh đạo, vai trò hậu thuẫn, đầu tư của chính quyền địa phương đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn là đặc biệt quan trọng. Trong đó, để có được các chính sách phát triển đột phá cho cơ sở giáo dục đại học, đòi hỏi người tham mưu phải “đúng tầm”, có hiểu biết đầy đủ về các căn cứ pháp lý liên quan.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn cho rằng, ngay chính ở các cơ quan tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, không phải cơ quan nào cũng có những người hiểu biết đầy đủ về lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.

Bên cạnh việc tham mưu chính sách phát triển, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn cho rằng cần có sự liên lạc, trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo trường và lãnh đạo tỉnh (kể cả Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) để có sự thấu hiểu giữa hai bên, tránh tình trạng “có những chính sách rất đúng nhưng không thực hiện được”.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cũng nhấn mạnh tới mối quan hệ 2 chiều giữa cơ sở giáo dục địa phương với chính quyền quản lý.

Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: UHL

“Trường đại học địa phương muốn phát triển được phải đảm bảo “3 tin” với Ủy ban dân dân tỉnh: “tin tưởng, tin dùng và tin yêu”. Và muốn để có “3 tin” này, cơ sở giáo dục phải khẳng định được mình, làm cho lãnh đạo tỉnh, các cấp các ngành hiểu về trường, cả những khó khăn và thế mạnh…”, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh bày tỏ.

Trong đó, vị lãnh đạo nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của 5 sở, ban ngành trong tham mưu chính sách cho lãnh đạo tỉnh:

“Muốn hiểu được, trước hết qua các sở ban ngành, trong đó có 5 cơ quan chính: Kế - Tài - Nội - Giáo - Khoa (Sở Kế hoạch đầu tư - Sở Tài chính - Sở Nội vụ - Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Khoa học và Công nghệ). Nếu không coi trường như người nhà, không hiểu công việc của trường thì không thể tham mưu chính sách cho lãnh đạo tỉnh được”, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh nhấn mạnh, và cho rằng để thực hiện được cần có lãnh đạo các đơn vị trên tham gia vào hoạt động Hội đồng trường của cơ sở.

Đồng thời, về phía cơ sở giáo dục đại học, lãnh đạo Trường Đại học Hùng Vương cho rằng các trường cần phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong đào tạo nguồn nhân lực, tạo cơ hội học tập cho con em địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

“Trường phải là niềm tự hào của tỉnh, đừng là gánh nặng, cho nên những ngành nào là thế mạnh của của mình, cơ sở giáo dục phải đề xuất để tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo, đơn cử như việc thực hiện đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP”, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh nhấn mạnh.

Những trường đại học vươn mình mạnh mẽ nhờ sự hậu thuẫn vững chắc của chính quyền địa phương

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường đại học địa phương

Tự hào về những kết quả phát triển quan trọng của các trường đại học địa phương, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường đại học địa phương chia sẻ:

So với giai đoạn đầu thành lập, các cơ sở giáo dục đại học địa phương đang vươn mình trỗi dậy, nhiều trường đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ giảng viên, cơ sở vật chất như phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành nghiệp vụ, thư viện ngày càng được đổi mới, khang trang … đủ điều kiện phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Năm học 2023-2024, nhiều trường đại học trong Câu lạc bộ đã có những bước tiến vượt bậc, trong đó có 09 trường góp mặt vào Bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam 2024 như: (1) Trường Đại học Thủ Dầu Một xếp thứ hạng 18, (2) Trường Đại học Hồng Đức xếp thứ hạng 35, (3) Trường Đại học Sài gòn xếp thứ hạng 52, (4) Trường Đại học Thủ đô Hà Nội xếp thứ hạng 56; (5) Trường Đại học Hải Phòng xếp thứ hạng 74; (6) Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xếp thứ hạng 70; (7) Trường Đại học Y khoa Vinh xếp thứ hạng 81, (8) Trường Đại học Trà Vinh xếp thứ hạng 88, (9) trường Đại học Hạ Long xếp thứ hạng 95.

Phó giáo sư Bùi Văn Dũng khẳng định, để đạt được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trực thuộc địa phương còn có sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, các sở ban ngành của địa phương nơi mà các trường trực thuộc.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức

Nhìn từ bức tranh phát triển của chính cơ sở mình, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương là một trong những nhân tố quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển ngày một lớn mạnh của nhà trường.

Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ kí quyết định thành lập vào năm 1997.

Phó giáo sư Đậu Bá Thìn cho biết, ngay từ khi có Quyết định thành lập vào năm 1997 cho đến nay, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xây dựng và ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lí cho nhà trường phát triển.

Một trong những chính sách quan trọng được vị lãnh đạo nhắc đến là chính sách thu hút nguồn nhân lực. Theo đó, từ những ngày đầu thành lập, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành cơ chế để thu hút các giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho Trường Đại học Hồng Đức.

Đi cùng với cơ chế thu hút, đãi ngộ, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng những cơ chế chính sách ưu đãi riêng để khuyến khích giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, phục vụ các nhiệm vụ của nhà trường và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Bên cạnh các cơ chế, chính sách, chế độ, Trường Đại học Hồng Đức cũng đã được tỉnh Thanh Hóa cho phép triển khai thực hiện nhiều đề án tạo cơ sở, động lực để Nhà trường triển khai thực hiện nhiệm vụ và tự tin phát triển.

Ngoài ra, hằng năm, căn cứ vào nhu cầu giáo viên trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định, đặt hàng và cấp kinh phí cho Nhà trường đào tạo sinh viên thuộc khối ngành sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP; giao chỉ tiêu cho nhà trường đào tạo nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP. Trên cơ sở kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm, tỉnh Thanh Hóa thực hiện hỗ trợ cấp kinh phí chi thường xuyên cho Trường Đại học Hồng Đức.

Khuôn viên Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: website nhà trường

“Những cơ chế, chính sách, đề án được tỉnh Thanh Hóa xây dựng và ban hành là cơ sở để nhà trường xây dựng và phát triển, phấn đấu sớm hoàn thành sứ mệnh trở thành trường đại học thông minh, đổi mới sáng tạo như mục tiêu đã đặt ra”, vị lãnh đạo khẳng định.

Với sự quan tâm của chính quyền, Trường Đại học Hồng Đức đã phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

“Khi mới thành lập, nhà trường chỉ có 11 tiến sĩ và 80 thạc sĩ. Tính đến tháng 4/2024, nhà trường có 670 viên chức, người lao động với 418 giảng viên, trong đó có 191 tiến sĩ (28 phó giáo sư), tăng gấp 17,28 lần so với những ngày đầu thành lập.

Sau hơn 26 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Trường Đại học Hồng Đức đang tổ chức đào tạo và cấp bằng cho 7 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 21 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 36 ngành đào tạo kĩ sư, cử nhân đại học, 6 chương trình Bồi dưỡng và cấp chứng chỉ.

Trong giai đoạn 2015 – 2023, viên chức, người lao động nhà trường đã thực hiện 440 đề tài (14 đề tài cấp Quốc gia và tương đương, 45 đề tài cấp Bộ, 55 đề tài cấp tỉnh, 326 đề tài cấp cơ sở) trong số đó có 08 sản phẩm là kết quả nghiên cứu được đăng kí bảo hộ và sở hữu trí tuệ…”, Phó giáo sư Đậu Bá Thìn dẫn một số kết quả phát triển của Trường Đại học Hồng Đức.

Khuôn viên Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Hạ Long cũng là một minh chứng về sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng khi có sự hỗ trợ vững chắc từ phía chính quyền địa phương.

Là trường đại học địa phương “non trẻ” nhất, Trường Đại học Hạ Long đến nay đang bước vào năm thứ 10 thành lập và phát triển, được đánh giá là một trong những trường có tốc độ phát triển nhanh trong số các trường đại học địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết, tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh ngày càng cao. Tỉnh đặc biệt coi trọng thực hiện quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Song song với phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đã và đang tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và dành nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lí và nhà giáo có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Trường Đại học Hạ Long luôn được tỉnh quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện tối đa các nguồn lực để phát triển. Thực hiện chủ trương của tỉnh tập trung về cơ sở 1 tại thành phố Uông Bí, tỉnh đã đầu tư gần 1.000 tỉ để xây dựng Trường. Đến nay, cơ sở vật chất của Trường được đánh giá khang trang, hiện đại, đáp ứng cho quy mô ổn định 10.000 sinh viên.

Hiện Trường Đại học Hạ Long đang trên đà phát triển với quy mô tuyển sinh hằng năm đạt 2.000 sinh viên/ năm. Quy mô đào tạo của trường hiện nay xấp xỉ 7.000 học sinh, sinh viên hệ chính quy.

Năm 2015 khi mới thành lập, Trường Đại học Hạ Long đào tạo 05 ngành đại học, đến năm 2023, nhà trường đã có 03 ngành trình độ thạc sĩ, 17 ngành trình độ đại học.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động của trường có hơn 300 cán bộ giảng viên, trong đó số lượng phó giáo sư và tiến sĩ xấp xỉ 50 người.

Kết quả sau gần 10 năm thành lập, Trường Đại học Hạ Long đã cung cấp cho thị trường lao động tỉnh nhà và khu vực lân cận tổng số 8.050 học sinh, sinh viên tốt nghiệp, trong đó: trình độ đại học là hơn 2.000 sinh viên, trình độ cao đẳng hơn 4.000 sinh viên, trình độ trung cấp trên 1.500 học sinh.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long

Từ thực tiễn hoạt động, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp nhấn mạnh, muốn thực hiện thành công mục tiêu, sứ mệnh của nhà trường, phát triển nhà trường theo sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược đề ra phải có được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ, ủng hộ của Trung ương, của tỉnh, các sở, các ngành, các đoàn thể, sự chung tay vào cuộc và sự đồng thuận của toàn thể cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên.

Mặt khác, phải chú trọng phát huy yếu tố nội lực của nhà trường, vận dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ; nêu cao vai trò chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, viên chức, lao động toàn trường.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-dia-phuong-se-phat-trien-neu-chinh-quyen-tin-tuong-tin-dung-tin-yeu-post242654.gd