ĐHĐCĐ Thủy sản Minh Phú: Dự kiến kể từ tháng 8/2023 trở đi, giá tôm sẽ tăng

Sáng ngày 24/6, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC - UPCoM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú chia sẻ giá thành tôm nuôi ở Ấn Độ rất thấp chỉ 3,4 đến 3,8 USD/kg, tại Ecuador lại còn thấp hơn chỉ 2,2 đến 2,4 USD/kg, còn giá tôm nuôi ở Việt Nam từ 4,8 đến 5 USD/kg, điều này khiến cho Việt Nam nói chung và Thủy sản Minh Phú nói riêng không bán hàng ra được. Vì thế để nâng cao năng lực cạnh tranh cho Thủy sản Minh Phú cũng như ngành tôm Việt Nam không còn con đường nào khác phải giảm giá thành tôm nuôi xuống bằng Ấn Độ, rồi bằng Ecuador.

Để tăng cạnh tranh, Thủy sản Minh Phú đưa ra bốn giải pháp chính bao gồm:

Đầu tiên, Thủy sản Minh Phú cho biết để không trực tiếp cạnh tranh với giá quá thấp của Ecuador thì Công ty phải gia tăng sản xuất và xuất khẩu tôm sú, tôm bạc thẻ và tôm đất, Công ty phải đẩy nhanh, đẩy mạnh gia hóa cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú/tôm bố mẹ bạc thẻ/tôm bố mẹ đất, đây là 3 loại tôm bản địa của Việt Nam mà Ecuador không có, tiến tới nâng thị phần của tôm sú từ 20% lên 50%, tôm bạc thẻ và tôm đất từ 5% lên 20%.

Thứ hai, hợp tác với các Công ty tôm bố mẹ ở Hawaii để gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ thẻ chân trắng ở Việt Nam, nhằm tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của Việt Nam, cũng như có giá thành tôm bố mẹ thấp.

Thứ ba, sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%.

Và cuối cùng, xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuador từ năm 2035.

Về kế hoạch tài chính, năm 2023, Thủy sản Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu 12.789,5 tỷ đồng, bằng 77,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 639,3 tỷ đồng, bằng 76,8% so với thực hiện trong năm 2022.

Điểm đáng lưu ý, trước đó, trong năm 2022, Công ty đã đầu tư và hoàn thiện ba dự án đầu tư lớn của các công ty con gồm Nhà máy tẩm bột mới của Công ty Minh Phú Hậu Giang, Nhà máy chế biến mới của Công ty Minh Phát và Dự án đường ống nước biển ở Kiên Giang của Công ty Công nghệ cao.

Về cổ tức, năm 2022, Thủy sản Minh Phú thông qua kế hoạch chia trả cổ tức với tỷ lệ từ 20% đến 30% lợi nhuận sau thuế hợp nhất chưa phân phối tại thời điểm ngày 31/12/2022, tương ứng từ 411 đồng đến 617 đồng/cổ phiếu và dự kiến thực hiện trong năm 2023. Công ty sẽ ủy quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn tỷ lệ chi trả cụ thể và thời gian cụ thể.

Bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến từ 50% đến 70%.

Phần thảo luận:

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc trả lời tất cả các câu hỏi của cổ đông:

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc trả lời tất cả các câu hỏi của cổ đông

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc trả lời tất cả các câu hỏi của cổ đông

Tình hình vùng nuôi của công ty hiện tại như thế nào?

Đầu năm 2021 và cuối năm 2022, việc nuôi tôm xảy ra dịch bệnh, tôm chậm lớn, ăn hoài mà không lớn, hao dần, chết dần…. Tuy nhiên, sau khi Công ty đã họp bàn, tìm giải pháp, Công ty đã khắc phục, kết quả nuôi đã có tín hiệu tốt, Minh Phú kiên Giang nuôi hơn 70 ngày, tăng trưởng tốt và đang thu tiền; Minh Phú Lộc An, đang xử lý nước, ao nuôi … giữa tháng 7 sẽ thả nuôi.

Tình hình tiêu thụ như thế nào?

Do cuộc chiến tranh Nga và Ukraine, cũng như ảnh hưởng của lạm phát và tăng trưởng kinh tế chậm trên toàn cầu, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, tiêu dùng hàng rẻ tiền. Thêm nữa, sau khi hết dịch năm 2022, các nhà nhập khẩu đã dự đoán tình hình tiêu thụ tốt hơn hậu Covid, Cuối năm 2022, các nhà nhập khẩu tăng nhập khẩu, tuy nhiên do sức tiêu thụ yếu, lượng hàng tiêu thụ không cao, tồn kho của các nhà nhập khẩu còn cao. Đầu năm 2023 lượng hàng bán ra chậm ở các nhà nhập khẩu, họ đã thực hiện giảm giá để giảm tồn kho nhưng tiêu thụ chưa cao, điều này làm tồn kho đầy, càng đầy thêm.

Trong khi đó, giá thành tôm của Ấn Độ và Ecuador thấp, họ đẩy mạnh xuất khẩu, làm cho tôm Việt Nam không bán được.

Mặc dù vậy, vẫn có tín hiệu tích cực cho giai đoạn cuối năm. Trong đó, hiện nay theo dữ liệu thu thập, ước tính lượng ao treo, không nuôi ở Ấn Độ khoảng từ 30% đến 50%; tại Ecuador đang bị EI Nino gây thiệt hại khoảng 30% vùng nuôi, lượng tôm sẽ giảm; tại Việt Nam, do giá tôm thấp nên có khoảng 30% đến 50% ao nuôi đang treo.

Chính vì vậy, lượng nguyên liệu dự kiến sẽ thiếu hụt vào cuối năm, các đơn vị có cơ hội bán và giảm tồn kho. Thêm nữa, cuối năm lễ hội Noel, Tết Nguyên Đán ở châu Á, mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng lên.

Dự kiến kể từ tháng 8/2023 trở đi, giá tôm sẽ tăng, sẽ giải quyết được hàng tồn kho, tình hình kinh doanh của Công ty sẽ tốt hơn từ tháng 8/2023.

Nguyên nhân kết quả kinh doanh suy giảm trong quý đầu năm 2023?

Thực tế, Công ty có hợp đồng với đối tác nhưng các kho ở các nước nhập khẩu đang đầy, các khách hàng không nhập được, họ đề nghị để hàng ở Việt Nam, vì vậy sản lượng xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận giảm. Ngoài ra, dịch bệnh ở vùng nuôi trong quý I/2023; quý II/2023 sẽ còn kém do mới bắt đầu giải quyết được vùng nuôi, mới bắt đầu thả nuôi. Trong đó, ở vùng nuôi Minh Phú Lộc An chưa khắc phục xong, Minh Phú Kiên giang dự kiến sang quý III sẽ bắt đầu thu tốt do đã thả nuôi trở lại.

Từ quý III và quý IV/2023, thị trường dự kiến tốt hơn, Công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng tồn kho, sẽ có lợi nhuận. Công ty vẫn tự tin hoàn thành kế hoạch, Công ty sẽ xem xét tình hình thực tế, sẽ thông tin cho cổ đông trong tháng 8/2023.

Cách giảm giá thành nuôi tôm?

Để giảm giá thành tôm, nguyên liệu chủ yếu về chế biến tôm nuôi, Công ty đã nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh để giảm giá thành tôm nuôi, tôm nuôi từ 4,8 đến 5 USD/kg, cao hơn thị trường Ấn Độ và Ecuador.

Giá thành tôm nguyên liệu ở Việt Nam cao, do tỷ lệ nuôi chỉ đạt dưới 40%. Trong khi đó, ở Ấn Độ, tỷ lệ nuôi thành công là 60-70%, Ecuador trên 90%. Tại sao tỷ lệ nuôi thành công tôm Việt Nam không cao, Việt Nam tiếp cận nuôi tôm sạch bệnh, trong môi trường đầy dãy dịch bệnh, nuôi tôm với quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ nuôi từ 1-3ha, chung hệ thống cấp, thoát nước, tỷ lệ lây bệnh cao (tôm sạch bệnh nhưng thả tôm vào môi trường dịch bệnh)… Chính vì vậy đội giá thành, công ty phải xử lý vấn đề.

Minh Phú sẽ không nuôi theo công nghệ cao, nuôi với mật độ thấp, dòng tôm kháng bệnh, vừa sức tải, mật độ từ 30 đến 50 con trên m2. Trong đó, Khi nuôi mật độ thấp, vừa sức tải môi trường, 100ha, nuôi được 70-80% diện tích mặt nước.

Công ty tự chủ bao nhiêu nguyên liệu, có chênh lệch giữa giá tự nuôi và mua bên ngoài?

Công ty tự chủ 10% nguyên liệu, 90% mua bên ngoài. Quan điểm, mua bên trong hay bên ngoài là một giá, chỉ có phân biệt quản lý chất lượng tốt hơn, nếu chứng nhận tốt được cộng thêm tiền chứng nhận.

Bắt đầu từ tháng 4/2023 trở về trước, Công ty luôn lo, luôn mua tôm với giá cao cho bà con, vì các doanh nghiệp chế biến nghĩ rằng nếu bà con lỗ, không nuôi nữa. Tuy nhiên từ tháng 4/2023 tới nay, phải giảm giá mua, để đảm bảo an toàn cho mình, giảm giá nguyên liệu, điều này bà con gặp khó khăn do giá tôm thấp, Công ty phải cạnh tranh với toàn cầu, nếu giá tôm của Việt Nam cao, các nhà nhập khẩu sẽ mua từ đối thủ Ấn Độ, Ecuador…

Công ty mua giá tôm theo giá thị trường, bà con nuôi tôm phải tự nhìn nhận, cải tiến để cải thiện, hạ giá thành, các công ty chế biến không thể mua cao được mãi.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dhdcd-thuy-san-minh-phu-du-kien-ke-tu-thang-82023-tro-di-gia-tom-se-tang-d192574.html