'Đi một ngày đàng' cùng thư họa người Hoa

Học thư pháp, thư họa, còn non nghề dễ vướng cảm giác tay chân lóng ngóng, thậm chí run lẩy bẩy khi thể hiện trước đám đông, hoặc đánh mất tự tin đến nỗi không thể viết hay vẽ được một nét bút có hồn. Để khắc phục, phải lên đường chinh chiến.

Trong cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, hoạt động nghệ thuật ở hai mảng thư pháp và hội họa phát triển khá mạnh. Các chi hội như thư pháp, thư họa, câu lạc bộ mỹ thuật người Hoa, các lớp học thư pháp của các thư pháp gia tên tuổi, của chi hội thư pháp phối hợp cùng các hội quán tổ chức thường kỳ, tạo nên phong trào rèn luyện thư pháp, vẽ tranh thủy mặc lan rộng, không chỉ giới hạn trong cộng đồng Hoa kiều Chợ Lớn mà ngay cả nhiều người Việt cũng tham dự. Riêng ở bộ môn nghệ thuật thư pháp và thủy mặc của người Hoa, việc học chỉ là một phần của hành trình khổ luyện, bởi để đạt đến năng lực một thư họa gia độc lập, cần rất nhiều va chạm từ kinh nghiệm thực tế.

Nhằm nâng cao năng lực cho những người mới nhập môn, những học trò đang trên đường phát triển, các bậc tiền bối thường tổ chức những buổi giao lưu, cho học trò cọ xát nhiều môi trường khác biệt để tích lũy kinh nghiệm và năng lực cho bản thân. Theo chân Câu lạc bộ Mỹ thuật người Hoa trong một chuyến giao lưu thư họa, cảm nghiệm được nhiều điều.

Có điều kiện là đi

Câu lạc bộ Mỹ thuật người Hoa là đơn vị trực thuộc Hội Mỹ thuật TP.HCM, chủ nhiệm hiện là họa sư - NSND Trương Lộ. Với quy mô nhỏ ở tầm câu lạc bộ, số lượng hơn 20 thành viên gồm cả người Hoa và người Việt, việc duy trì phát triển câu lạc bộ cùng tần suất hoạt động của các thành viên trong nhóm thật sôi nổi, từ những lớp học hàng tuần, cho đến các chuyến đi thực tế, hội trại sáng tác, ký họa, các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, hoạt động gắn với cộng đồng ở những ngày lễ tết như viết liễn đối, viết thư pháp từ thiện… trải đều suốt năm.

Họa sư Trương Lộ kết nối các tứ họa cho tác phẩm thêm hoàn hảo.

Họa sư Trương Lộ kết nối các tứ họa cho tác phẩm thêm hoàn hảo.

Để có được những cuộc triển lãm, những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc người Hoa, hoạt động thiết thực nhất chính là những buổi giao lưu, cọ xát thực tế. Họa sư Trương Lộ cho biết: “Chúng tôi mỗi người đều có công việc riêng, nhưng khi có dịp đi sáng tác hay được mời gặp gỡ giao lưu nghệ thuật là tranh thủ đi liền. Ở góc độ hoạt động của câu lạc bộ, những buổi như thế vừa tạo hứng khởi, vừa để mọi người có dịp mở mang góc nhìn về nghệ thuật của mình. Mỗi chuyến đi đều có ý nghĩa riêng của nó, và cái được của người tham gia là học hỏi rất nhiều. Bản thân tôi cũng thấy mình tiếp thu nhiều chất liệu, vốn sống thú vị qua từng chuyến đi”.

Khi thì nghe cả nhóm đang sáng tác trên núi đâu đó tận Hà Giang, lúc lại thấy rộn ràng nơi miền biển Phan Thiết hay trên cao nguyên Lâm Đồng… Sử dụng trực họa - vẽ trực tiếp hoặc ký họa trực tiếp, những nghệ sĩ - nghệ nhân của Câu lạc bộ Mỹ thuật người Hoa dành nhiều thời gian đối diện với một vùng phong cảnh, kiến trúc, nhân vật, nhịp sống đời thường… mình yêu thích và thể hiện vào tác phẩm, có khi ngồi lăn lê cả ngày trời dưới nắng để hoàn thiện một bức vẽ.

Vẽ tranh hợp tác là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm và kiểm soát bản thân.

Vẽ tranh hợp tác là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm và kiểm soát bản thân.

Họa sĩ Trương Gia Tuấn - một thành viên trẻ hoạt động năng nổ của câu lạc bộ cho biết: “Mình học thủy mặc theo trường phái cổ điển, lấy đó làm cơ bản, đề tài là mai - lan - cúc - trúc… nhưng khi đi vẽ thực tế thì phải vận dụng nhiều kỹ thuật khác nữa, phải vẽ cho giống phong cảnh trước mắt mình, rồi kết hợp thêm kinh nghiệm, bút pháp để bố cục, sắp đặt lại cho bức vẽ toàn mỹ. Nói thì vậy chứ cũng phải mất ba bốn năm theo thầy và các sư huynh đệ đi sáng tác mới quen tay được”.

Luyện tài

Đối cảnh sáng tác, vẽ phong cảnh trước mắt, vẫn thiên về kỹ thuật, kinh nghiệm, trong môn chơi thư pháp, thư họa, còn có một kiểu sáng tác khác thường diễn ra trong các buổi giao lưu nghệ thuật giữa các nhóm với nhau, kể cả trong nước lẫn quốc tế. Vẽ trực họa, đi sáng tác, có thể ví von như hành trình trải nghiệm, cảm thụ thiên nhiên, vui chơi, nhưng khi đi giao lưu, không chỉ là cuộc chơi đơn thuần, thậm chí còn là một “trận chiến” để phân tài về chữ nghĩa, về nét họa được các thành viên thi triển tại chỗ cho mọi người thưởng lãm.

Thư pháp gia Trịnh Huy (trái) và họa sĩ trẻ Trương Gia Tuấn hợp tác vẽ thủy mặc.

Thư pháp gia Trịnh Huy (trái) và họa sĩ trẻ Trương Gia Tuấn hợp tác vẽ thủy mặc.

Vãn xuân, có dịp theo Câu lạc bộ Mỹ thuật người Hoa đi giao lưu cùng đồng nghiệp ở Bình Dương, bên cạnh tên tuổi hàng đầu về thư gia, họa gia Chợ Lớn như Trương Lộ, Huỳnh Tuần Bá, Ô Dân Phát, Lý Bỉnh Toàn, Lưu Hồng Phúc, Trịnh Huy, Trương Cẩm Bình, Âu Dương Nguyệt Diễm, vợ chồng họa sĩ Trịnh Chiêu Thành - Đào Kim Loan, còn có những tên tuổi thuộc thế hệ tiếp sau như Trương Gia Tuấn, Trương Thục Trân, La Hán Vinh… cả Hội trưởng hội thơ cổ Chợ Lớn là Lưu Quốc Hoa cũng tham dự. Đây chính là cơ hội để nhóm giao lưu cả hai bộ môn, thư pháp và thủy mặc.

Trên đường giao lưu, họa sư Trương Lộ cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu thư họa như thế này, vừa để tăng thêm mối thâm tình với đồng nghiệp, bạn bè, với cộng đồng người Hoa khắp trong ngoài nước, cũng là cơ hội cho những bạn trẻ tiếp nối được va chạm thực tế. Ví dụ khi viết thư pháp, phía bạn viết ra một chữ hay một câu, mang đề tài cụ thể, mình phải đáp lễ bằng nội dung tương xứng. Giao lưu thư pháp phải có kiến thức về chữ, nghĩa, về cổ thư, các lời dạy cổ nhân, hoặc đề tài về Phật - Đạo - Nho để trích ra mà đối lại cho tương đồng với đề tài bên bạn thể hiện”. Mỗi lần giao lưu, lại thêm một lần luyện và học là như thế.

Thư pháp gia Âu Dương Nguyệt Diễm giao lưu với nghệ hữu Bình Dương.

Thư pháp gia Âu Dương Nguyệt Diễm giao lưu với nghệ hữu Bình Dương.

Ở mảng hội họa, buổi giao lưu là dịp để các họa sĩ thể hiện biệt tài của mình trong từng họa pháp cụ thể, người giỏi hoa - điểu, người giỏi mai - lan - cúc - trúc, người thì tùng - hạc… mỗi thế mạnh ấy sẽ hợp thành một bức tranh gọi là “tranh hợp tác”, các họa sĩ sẽ tự mình chọn vị trí thể hiện đề tài theo sở trường, người khai bút và kết thúc bức họa thường sẽ là họa gia cứng tay nhất của buổi giao lưu ấy để có thể cân bằng, xử lý những lỗi kỹ thuật, ráp nối liền mạch các bút pháp của cả nhóm lại thành một tác phẩm đồng nhất.

Không khí giao lưu với nghệ hữu Bình Dương diễn ra thật ấm cúng và thân thiện, một bên thư gia thi triển đề tài qua các thể chữ yêu thích, bên thì hai bức họa hợp tác, một với cảnh sơn thủy, tùng vân, thác đổ, một với hoa - điểu, trúc - lan - thạch… được các họa sĩ công - thủ, nương nhau, người sau hỗ trợ người đi trước theo từng bố cục hình họa, đề tài.

Câu lạc bộ thư họa người Hoa trong chuyến giao lưu ở Bình Dương đầu năm 2024.

Câu lạc bộ thư họa người Hoa trong chuyến giao lưu ở Bình Dương đầu năm 2024.

Họa sư Trương Lộ nói: “Tôi luôn khuyến khích học trò và các hội viên mạnh dạn vẽ, đừng để đám đông làm mất khí thế, cứ tự tin vào bút lực, vượt qua cảm giác run tay và ngần ngại của bản thân thì nét mới mạnh, mới khỏe và thêm dày dạn kinh nghiệm. Hễ có giao lưu là tôi khuyến khích anh chị em trẻ, mới vào nghề, cố gắng tham dự. Học dễ chứ va chạm thực tế cơ hội không nhiều”. Đây cũng là cách những người đi trước truyền nhiệt huyết cho thế hệ sau của người Hoa giữ gìn và tiếp nối vốn quý cộng đồng và cả năng lực bản thân.

Một chuyến rong chơi cùng thư họa người Hoa, thực đong đầy ý nghĩa.

Bài và ảnh: Nguyễn Đình

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/di-mot-ngay-dang-cung-thu-hoa-nguoi-hoa-43204.html