Điểm danh những loại ma trong tưởng tượng dân gian

'Ma quỷ dân gian ký' của tác giả Duy Văn mang tới cái nhìn hệ thống về đặc điểm, giai thoại, cách xử trí dân gian, quan điểm khoa học về các hiện tượng được gọi là 'ma quỷ'.

 Sách Ma quỷ dân gian ký. Ảnh: Mộc Uyển.

Sách Ma quỷ dân gian ký. Ảnh: Mộc Uyển.

Ma xó, ma gà, ma đói, ma da, ma giấu, thần giữ của, quỷ nhập tràng… vốn chẳng còn xa lạ trong văn hóa Việt. Hình tượng ma quỷ không chỉ tồn tại nơi làng quê, vào những đêm tối trời với người ưa truyện lạ.

Ma quỷ còn đi vào tác phẩm văn học, thời trung đại có thể kể đến một số tác phẩm như Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo, Việt điện u linh, Thoái thực ký văn…, hiện đại có Ai hát giữa rừng khuya, Thần hổ, Trại Bồ Tùng Linh, Vàng và máu, Vang bóng một thời, Truyện đường rừng, Bóng ma nhà mệ Hoát…

Nhưng chỉ đến khi cuốn sách Ma quỷ dân gian ký (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) của tác giả Duy Văn ra đời, người đọc mới có cái nhìn hệ thống về đặc điểm, giai thoại, cách xử trí dân gian, quan điểm khoa học ngày nay với các hiện tượng ma quỷ tồn tại từ lâu trong xã hội.

Ma quỷ là gì?

Có câu hỏi mà nhiều người vẫn hỏi, và muốn có được câu trả lời thỏa đáng, rằng “ma quỷ chính xác là thứ gì, nguồn gốc của chúng thế nào”. Cuốn sách Ma quỷ dân gian ký đã phần nào giải đáp được thắc mắc này.

Như ma xó là ma nuôi trong nhà, thường ở các góc khuất như cạnh cửa, dưới gian thờ, góc nhà… Ma xó vốn có nguồn gốc từ những người lang thang, phiêu dạt rồi chết đường chết chợ, không được người nhà thờ cúng. Các vong hồn này được các thầy pháp độ hóa chuyển tâm. Nhà nào thu nhận, thờ cúng các vong hồn này cũng coi là việc hành thiện, tích đức, nhờ vậy sẽ thu được thuận lợi trong công việc.

Có nguồn gốc gần giống ma xó, ma đói (tên gọi khác ngạ quỷ, dã quỷ) là những linh hồn không nơi nương tựa, không người thờ cúng hoặc chết vì đói khát bệnh tật. Vì không được bất cứ cõi nào dung nạp, không được cúng kiếng nên lang thang vô định, chịu đói khát. Về diện mạo thì hốc hác, ốm nhom, gầy yếu, hai mắt lồi ra, cằm tóp vào, khuôn mặt tối đen bị che khuất bởi tóc rối lâu ngày. Cơ thể chỉ toàn da xương và gân, không có thịt, nhìn rõ các khoảng xương sườn bị lõm vào.

Còn ma giấu là hiện tượng con người, vật nuôi, đôi khi đồ vật bị mất tích ở nơi xa lạ, không rõ nguyên nhân, đi kèm với đó là nạn nhân mất trí nhớ, có biểu hiện bị thôi miên hoặc được phát hiện trong tình trạng không tỉnh táo.

Riêng với hổ xám ma trành là những người bị hổ ăn thịt, hồn không siêu thoát được, biến thành nô lệ, nghe theo sự điều khiển của hổ. Hồn người giúp hổ tránh bẫy của thợ săn, hóa thành em bé, ông cụ, cô gái đẹp đứng trong rừng để dụ dỗ thêm nhiều con mồi cho hổ.

Với địa hình nhiều ao hồ, sông ngòi chằng chịt như nước Việt thì ma da cũng là một loài ma được nói đến, xuất hiện nhiều trong các câu chuyện thường ngày. Ma da chính xác là linh hồn người chết đuối mang nhiều oán hận không siêu thoát được, phải ở lại dưới đáy sông lạnh lẽo. Ma da muốn đầu thai, hay tìm bầu bạn thường tìm cách kéo người ta xuống nước dìm chết. Về hình dáng ma da có vài nhận định như sau; một là nó có hình dáng đứa trẻ con (vì trẻ con mới hay chết đuối); hai là không có hình dạng cụ thể, mềm nhũn, trơn tuột; ba là có hình dạng người xanh nhớt, trơn tuột như rong rêu dưới đáy sông.

Ma nữ tóc dài (còn gọi ma nữ áo trắng) với mái tóc dài mắc thành võng trên các ngọn cây cao ở sát mé sông hay bìa rừng. Ma vú dài là người con gái chết trong chiến tranh, thường là phụ nữ có con hoặc đang mang thai. Ma thòng lọng là người chết do treo cổ tự tử, hoặc bị giết tạo hiện trường giả treo cổ. Do kết thúc cuộc đời trái với luân hồi nên oan hồn cứ vất vưởng xung quanh khu vực bị giết hay tự sát mà tìm cách ám ảnh, lôi kéo dụ dỗ người dương tự tử như chúng.

Ma mặt mâm (quỷ mặt nia) thưởng xuất hiện với cái đầu to quái đản, dẹp lép như cái mâm cơm kết hợp cùng cơ thể nhỏ phía dưới càng tôn thêm vẻ quái đản. Mục đích của chúng khi xuất hiện nhằm dọa người ta thất thần sợ hãi mà bắt vía ăn hồn.

 Sách có minh họa của Duy Văn. Ảnh: T.B.

Sách có minh họa của Duy Văn. Ảnh: T.B.

Cách xử trí dân gian

Với mỗi loại ma quỷ gặp phải, dân gian sẽ có cách xử trí khác nhau. Như quỷ nhập tràng thường thân nhân người bị quỷ nhập sẽ tìm đến chùa nhờ cao tăng tụng kinh siêu độ để vãn sinh. Khi bị quỷ đuổi phải chạy theo hình vòng tròn, chui xuống gầm bàn gầm ghế để tránh.

Còn dưới góc nhìn khoa học hiện đại thì đây là hiện tượng bình thường. Theo đó cơ thể người vừa chết có thể vẫn còn điệm âm sót lại, luồng điện này khi gặp phải lực hút của luồng điện dương nào đó có thể dẫn đến cảm ứng điện trường. Lực hút giữa hai luồng điện tích âm dương có thể khiến xác chết dịch chuyển. Luồng điện dương có thể đến từ linh miêu hay bất cứ cơ thể sống nào khác với cự li thích hợp.

Còn hiện tượng trùng tang liên táng cách giải trừ thường được áp dụng là nhốt vong, đưa vong lên chùa không cho về quậy phá gia đình. Đồng thời còn cách nữa là rình diệt chim trùng (hung thần trong hình dạng đầu chim, mỏ đỏ, thân người) để nó không tra tấn người chết nữa. Người ta còn dán bùa lên quan tài để cản thần trùng đi về hại người thân.

Lệ quỷ (nữ quỷ áo đỏ) có ba cách xử trí là tìm cách khiến lệ quỷ buông bỏ oán hận; cách nữa là thầy pháp thu nhận lệ quỷ, cho nó đi theo làm công quả, hành thiện tích đức, đến khi đủ công đức thì được đi đầu thai chuyển kiếp; cách cuối thầy pháp sẽ đánh cho lệ quỷ hồn xiêu phách tán (thường dùng cho những con quỷ cứng đầu, không biết hối cải).

Nhưng rốt lại nhiều hiện tượng ma quỷ dân gian dần dần bị ánh sáng của khoa học soi sáng. Người ta nhắc đến chuyện ma là nhắc đến cảnh huống quá vãng khó khăn một thời, với đồng ruộng, bờ bụi, rừng núi. Giờ nhà cửa san sát, bóng điện kéo đến từng ngõ xóm thì hiện tượng ma quái cũng mất dần đi.

Ma quỷ dân gian ký vì thế ra đời với ý nghĩa lưu lại văn hóa dân gian một thời, khi khoa học chưa phát triển và lý giải những hiện tượng có vẻ huyền bí đó.

Mộc Uyển

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-danh-nhung-loai-ma-trong-tuong-tuong-dan-gian-post1412630.html