ĐIỂM MỚI LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG 2024: KHÔNG ĐỂ NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI LÀ CỔ ĐÔNG LỚN NHẤT TẠI CÁC NGÂN HÀNG

Giới thiệu về những điểm mới của Luật các Tổ chức tín dụng số số 32/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho biết, mục tiêu xuyên suốt trong quá trình sửa đổi luật là đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, siết chặt việc lạm dụng, thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Để luật đi vào cuộc sống, trong quá trình triển khai luật, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành liên quan.

Luật các Tổ chức tín dụng số số 32/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, trừ quy định tại Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, mục tiêu xuyên suốt khi xây dựng Luật các Tổ chức tín dụng là hạn chế việc lạm dụng, thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng từ cổ đông lớn và nhóm cổ đông lớn. Do vậy, quá trình cụ thể hóa nguyên tắc này đã được cơ quan soạn thảo thể hiện tại nhiều quy định, trong đó đặt mục tiêu siết chặt kỷ luật kỷ cương trong hoạt động tín dụng. Vì vậy, Luật đã giới hạn cấp tín dụng tối đa cho khách hàng liên quan theo lộ trình 5 năm và giảm dần từ 15% xuống 10%; mở rộng khái niệm "người có liên quan" trong việc xác định sở hữu cổ phần chính thông qua "mối quan hệ về lợi ích" hoặc hoạt động sở hữu; quản trị điều hành nhằm tránh việc chi phối việc cấp tín dụng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn, một điểm mới trong Luật cũng góp phần đảm bảo hạn chế việc lạm dụng, thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng là công khai minh bạch, trong đó yêu cầu công bố, công khai thông tin của các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên đối với người có liên quan lên website ngân hàng. Định kỳ hàng năm, tổ chức tín dụng công bố những thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng.

"Các quy định mới trong luật góp phần đảm bảo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hạn chế tình trạng thao túng. Trong suốt quá trình soạn thảo Luật, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần báo cáo Quốc hội trong đó nhấn mạnh luật đã có các quy định nhưng để triển khai luật đi vào cuộc sống đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành liên quan để đảm bảo các quy định đã có trong luật được thực hiện nghiêm trong thực tiễn. Đặc biệt, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong Luật”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn khẳng định.

Luật các Tổ chức tín dụng quy định tổng giới hạn sở hữu cổ phần của tất cả cổ phần các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng

Luật các Tổ chức tín dụng quy định tổng giới hạn sở hữu cổ phần của tất cả cổ phần các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng

Về lo ngại khi Luật các Tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở thành những cổ đông lớn nhất tại các ngân hàng ở Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn nêu rõ: Khoản 7 Điều 63 Luật các Tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 quy định: Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện, thủ tục nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Quy định tổng giới hạn sở hữu cổ phần của tất cả cổ phần các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng sẽ không quá 30%, như vậy sẽ không quá lo ngại thông qua việc sở hữu này nhà đầu tư nước ngoài sẽ chi phối việc kiểm soát các tổ chức tín dụng.

“Mặc dù chúng ta không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông chiến lược nước ngoài tại ngân hàng nhưng có quy định về tổng tỷ lệ giới hạn; ngoài ra chúng ta cũng có các giới hạn khác cũng được áp dụng để đảm bảo chủ quyền trong kiểm soát hoạt động của ngân hàng, với tỷ lệ đối đa 20%”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85059