Diễn đàn góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều góp ý liên quan đến đất nông nghiệp

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới về đất nông nghiệp. Đây cũng là nội dung được nhiều người trên địa bàn tỉnh quan tâm góp ý trong thời gian qua.

Trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại H.Long Thành gặp khó khăn trong đầu tư các công trình phụ tại trang trại sản xuất. Ảnh: B.Nguyên

Trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại H.Long Thành gặp khó khăn trong đầu tư các công trình phụ tại trang trại sản xuất. Ảnh: B.Nguyên

Trong đó, nội dung thu hút nhiều ý kiến đóng góp gồm: chuyển đổi đất lúa; đất lâm nghiệp; đất ở tại đất nông nghiệp, cần nới quyền cho địa phương chủ động điều chỉnh cục bộ… với mục tiêu hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.

* “Cởi trói” cho chuyển đổi đất lúa

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có đất lúa là nhu cầu của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng, nhằm khai thác tối đa giá trị kinh tế do đất đai đem lại. Vấn đề “nóng” ở nhiều địa phương trong những năm qua là việc gặp khó khăn trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư theo đúng quy định của Luật Đất đai.

Nguyên nhân, quy trình chuyển đổi gặp khó khăn và mất nhiều thời gian khi phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, trong khi quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn của các địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, theo Luật Đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng 10ha đất lúa và 20ha đất rừng trở lên thì các địa phương phải báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ với quy trình trình duyệt mất rất nhiều thời gian khi phải xin ý kiến thẩm định của Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các dự án. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu của Đồng Nai quan tâm góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Huỳnh Việt Cường góp ý, theo điều 22 quy định về giao đất, cho thuê đất (luật cũ là điều 58), việc chuyển đổi mục đích sử dụng trên 10ha đất lúa phải xin ý kiến Trung ương, thủ tục và mọi vấn đề liên quan đều rất lâu. Thực tế, có nhiều dự án việc triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng bị vướng vì quy định này nên không đảm bảo theo kế hoạch. Ông Cường đề nghị bỏ quy định này (thuộc thẩm quyền của Thủ tướng), nên giao hẳn cho tỉnh quyết định, Trung ương chỉ quy định 1 năm được chuyển đổi mục đích sử dụng bao nhiêu ha đất, giao cho tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện đúng như Trung ương giao để thuận lợi hơn trong đầu tư, phát triển các dự án. Ngoài ra, từ ngữ trong luật phải rõ ràng, cụ thể, không nên có nhiều cách hiểu.

Theo đại diện của Công ty CP Đầu tư và kinh doanh golf Long Thành (TP.Biên Hòa), khoản 30, điều 3 về quy định khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển đổi sử dụng đất, không khuyến khích chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa, trừ trường hợp các công trình quan trọng quốc gia liên quan đến lĩnh vực quốc phòng. Việc chuyển đổi đất lúa không phân cấp mà do Trung ương quyết định. Nếu quy định “cứng” như vậy thì chỉ khi nào Quốc hội cho phép mới được chuyển mục đích sử dụng đất lúa, như vậy sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

* Cần quy định rõ về đất nông nghiệp khác

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu của tỉnh góp ý là cần có quy định cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi khi người dân xây dựng các công trình phụ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp.

Đại diện UBND H.Thống Nhất góp ý, ở Đông Nam bộ, đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình có diện tích lớn nên người dân có nhu cầu xây dựng nhà tạm để chứa vật tư, sản phẩm nông nghiệp khi thu hoạch cũng như nghỉ ngơi trực tiếp trong quá trình sản xuất, chứ không phải nhà ở theo đất ở nông thôn. Nên có quy định cụ thể về loại đất này để thuận lợi cho địa phương, nhất là ở cấp cơ sở, cho phép người dân xây dựng loại nhà tạm này để đáp ứng sản xuất nông nghiệp. Nhưng để không bị lạm dụng phát triển thành nhà ở, khu dân cư tự phát, phải quy định cụ thể đây là loại đất gì, tương ứng tỷ lệ bao nhiêu diện tích đất được xây nhà, quy mô mức xây dựng, tránh nhập nhèm giữa xây nhà ở và công trình phụ phục vụ sản xuất.

Ông Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh chỉ ra, một vấn đề thực tiễn tại Đồng Nai thường gặp là quy hoạch làm nông nghiệp, trong phân loại đất có quy định đất làm kho, nhà xưởng… nhưng không nói đến đất ở của người dân trên đất nông nghiệp này. Trong khi thực tế người dân đang ở xen lấn, chồng lấn giữa đất ở và đất nông nghiệp. Luật cần phải nghiên cứu về đất ở trong đất nông nghiệp để người dân có điều kiện thuận lợi sản xuất, sinh hoạt.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202303/dien-dan-gop-y-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-nhieu-gop-y-lien-quan-den-dat-nong-nghiep-3161235/