Điều gì đang xảy ra với dự án năng lượng sạch 3.000 tỷ USD của Mỹ?

Quy mô ngày càng lớn của các dự án năng lượng mặt trời và gió dẫn đến sự phẫn nộ của người dân địa phương ở Mỹ khi chúng được đặt gần hơn khu vực đông dân cư.

Chính phủ liên bang Mỹ đã kích hoạt một cuộc đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng xanh, dự kiến đạt mức cao nhất là 3.000 tỷ USD trong thập niên tới.

Tuy nhiên, con đường tiêu số tiền này gặp phải "gờ giảm tốc" từ những người phản đối như Gerry Coffman.

Cách khoảng một giờ về phía tây nam thành phố Kansas, năm ngoái, Coffman đã từ chối hợp đồng thuê để phát triển năng lượng gió tại trang trại mà gia đình bà sở hữu từ năm 1866.

Vài tháng sau, có người gõ cửa nhà bà với giấy tờ trong tay và đề nghị trả 6.000 USD để treo đường dây truyền tải điện gió. Nếu bà đồng ý cất giữ thiết bị xây dựng, bà sẽ kiếm thêm 4.000 USD. Thế nhưng, Coffman vẫn nói không.

Bà Coffman luân canh ngô và đậu tương, đồng thời có đồng cỏ chăn nuôi gia súc trong trang trại gia đình. Bà không muốn nhìn thấy khu rừng nguyên sinh hay đồng cỏ bị xáo trộn. Coffman cho rằng bản chất công nghiệp của các tuabin gió cao chót vót sẽ khiến hoàn cảnh cộng đồng trở nên tồi tệ hơn.

“Một năm trước, chúng tôi là một khu phố yên tĩnh, dễ chịu”, bà cho biết.

Cuộc tranh luận giữa các hạt ở Mỹ đang diễn ra gay gắt khi những dự án năng lượng mặt trời và gió tăng quy mô, tiến gần hơn đến thành phố và gặp phải sự phản đối ngày càng tăng.

Kết quả, các dự án đang chậm lại, theo Wall Street Journal.

Ngay cả ở những bang có lịch sử xây dựng năng lượng tái tạo lâu đời, các nhà phát triển cũng không biết liệu họ có thể xin được giấy phép địa phương hay không, hoặc sẽ mất bao lâu.

 Bà Coffman lo ngại những tuabin gió cao chót vót sẽ khiến khu vực trở nên tồi tệ hơn. Ảnh: Wall Street Journal.

Bà Coffman lo ngại những tuabin gió cao chót vót sẽ khiến khu vực trở nên tồi tệ hơn. Ảnh: Wall Street Journal.

Phản đối

Tại Kansas, năng lượng gió đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ và cung cấp khoảng 45% lượng điện được tạo ra trong tiểu bang, xếp thứ 3 trên toàn nước Mỹ.

Nhưng ít nhất 5 hạt đông dân hơn ở phía đông Kansas gần đây đã ban hành lệnh hoãn hoặc cấm các dự án mới về năng lượng mặt trời/gió. Cùng với đó, 18 hạt khác đã hạn chế phát triển năng lượng gió để bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ cao.

Theo Hiệp hội Năng lượng Sạch Mỹ, Kansas đã tụt lại phía sau hầu hết tiểu bang trên khía cạnh xây dựng các dự án lớn và công suất năng lượng sạch mới vào năm ngoái.

Thành tựu lập pháp nổi bật của Tổng thống Joe Biden, Đạo luật Giảm lạm phát, nhằm làm cho ngành công nghiệp nhiên liệu của nước Mỹ sạch hơn. Theo Hiệp hội Năng lượng Sạch Mỹ, các công ty đã công bố kế hoạch đầu tư 150 tỷ USD vào năng lượng tái tạo và lưu trữ pin trong 8 tháng sau khi luật được thông qua.

Tuy nhiên, sự phản đối đối với các dự án lại gia tăng vì nhiều lý do.

Càng ngày, nhiều cộng đồng càng lo ngại quy mô mở rộng nhanh chóng của các trang trại năng lượng mặt trời và gió sẽ làm thay đổi tình trạng nơi họ sinh sống.

Nhu cầu thị trường cùng quy mô kinh tế đã đẩy quy mô các trang trại năng lượng mặt trời và gió lên tới hàng trăm ha. Chúng có thể không được đặt trên các lô liền kề nhau mà thay vào đó, trải rộng khắp cộng đồng.

Tại Michigan, một dự án năng lượng mặt trời điển hình từng bao phủ 24,2 ha nhưng hiện tại sẽ chiếm tới hơn 485,6 ha, Sarah Mills, giám đốc dự án cấp cao tại Viện Bền vững Graham của Đại học Michigan, cho biết.

Bà Mills nhận định những dự án này có thể cần phải chiếm diện tích nhỏ hơn để được xã hội chấp nhận.

Các dự án không được phân bổ đồng đều trên khắp Mỹ. Chúng được đặt ở nơi có nhiều gió/ánh nắng mặt trời hoặc nơi các chính sách của tiểu bang yêu cầu bổ sung năng lượng tái tạo.

Các trang trại gió tập trung ở Great Plains, Trung Tây và Texas, trong khi năng lượng mặt trời phát triển phần lớn ở phía Tây, Đông Nam và Đông Bắc Mỹ.

 Một tuabin gió ở Waverly, một thị trấn chỉ có hơn 500 người ở Hạt Coffey, Kansas. Ảnh: Wall Street Journal.

Một tuabin gió ở Waverly, một thị trấn chỉ có hơn 500 người ở Hạt Coffey, Kansas. Ảnh: Wall Street Journal.

Tại Cambria, New York, gần thác Niagara, dự án năng lượng mặt trời rộng hơn 364,2 ha đã được đề xuất xây dựng trên một số lô đất tiếp giáp với khoảng 350 cư dân, giám sát thị trấn Wright Ellis cho biết.

Thị trấn phản đối dự án, nhưng có khả năng không thể ngăn chặn nó.

“Chúng tôi không chống lại năng lượng mặt trời, mà là quy mô công nghiệp”, ông Ellis nói.

"Bước qua xác chúng tôi"

Việc phản đối không thể ngăn chặn nhưng điều đó không có nghĩa là quá trình xây dựng có thể diễn ra nhanh chóng.

Dự án năng lượng mặt trời Cambria lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2017.

Chủ đất John Ohol, 44 tuổi, muốn cho thuê khu vực của mình để làm trang trại năng lượng mặt trời, nhưng lo ngại quá trình bị chậm trễ khi nhà phát triển và thị trấn tranh cãi trước tòa về dự thảo giấy phép.

Gia đình ông có một trang trại bò sữa ở Cambria trong 90 năm, nhưng ông tin rằng năng lượng mặt trời sẽ là nguồn thu nhập an toàn hơn.

Ông Ohol nhận định thật không thực tế khi cộng đồng mong đợi rằng sẽ không có gì được phát triển trên khu đất này.

Nhà phát triển cho biết địa điểm ở Cambria lý tưởng cho năng lượng mặt trời.

“Chạy ngay qua địa điểm dự án chúng tôi đề xuất là 2-3 đường dây truyền tải rất lớn”, Keith Silliman của Cypress Creek Renewables cho biết. “Đó là lý do số một mà chúng tôi muốn ở đây”.

Vào một đêm tháng 2 lạnh giá ở Kansas, cư dân Hạt Douglas, Colorado, lấp kín trên những băng ghế dài bằng gỗ sẫm màu trong tòa án quận và chờ phát biểu.

Cuộc họp tập trung vào giấy phép xây dựng tháp khí tượng và các thiết bị đo lường thời tiết khác cần thiết cho dự án điện gió. Các dự án, từ công ty năng lượng NextEra Energy, đã dẫn đến làn sóng phản đối đến nỗi cuộc họp kéo dài 4 giờ.

“Quý vị có thấy những tổn thương đang gây ra không?”, Debbie Yarnell, người sở hữu một trang trại bò và cừu, hỏi.

 Nhiều chủ đất ở Douglas phản đối các dự án năng lượng tái tạo mà họ cho rằng sẽ gây hại cho doanh nghiệp địa phương, động vật hoang dã. Ảnh: Wall Street Journal.

Nhiều chủ đất ở Douglas phản đối các dự án năng lượng tái tạo mà họ cho rằng sẽ gây hại cho doanh nghiệp địa phương, động vật hoang dã. Ảnh: Wall Street Journal.

NextEra từ chối bình luận về cuộc họp. Alan Anderson, phó chủ tịch phụ trách hoạt động năng lượng quốc gia thuộc công ty luật Polsinelli - đại diện cho NextEra Energy tại cuộc họp ở Kansas. Ông đã đi khắp tiểu bang để tổ chức những cuộc họp như vậy trong 15 năm qua.

Thái độ của người dân bắt đầu thay đổi vào khoảng năm 2015 khi một trong những khách hàng của ông Anderson gọi điện và nói rằng họ bị từ chối xây dựng tháp khí tượng.

“Đó là lần đầu tiên (sự phản đối) trở thành thách thức tấn công liên tục đối với các dự án”, ông Anderson chia sẻ.

Ông cho biết sự thay đổi trên là do các cuộc thảo luận chuyển từ xem năng lượng tái tạo như động lực kinh tế sang tranh luận chính trị, với thông tin sai lệch.

Một số người phản đối không thích ý tưởng xuất khẩu năng lượng sản xuất tại địa phương ra khỏi tiểu bang, hoặc cách chính phủ chọn những công nghệ cụ thể để được hưởng thuế đặc biệt.

Những phản đối khác hữu hình hơn. Các cộng đồng dân cư thường phàn nàn về đèn đỏ nhấp nháy trên đỉnh tuabin vào ban đêm hoặc tiếng ồn ào từ những cánh quạt. Họ cũng nêu lên lo ngại về việc dự án lấy đi đất sản xuất nông nghiệp hay tác động đến động vật hoang dã.

Nhiều người ở Kansas đang chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài trong dự án trên, cũng như các dự án năng lượng gió và mặt trời khác trong tương lai.

Michael Forth đã hỗ trợ thành lập một nhóm phản đối và thu được 1.200 chữ ký kiến nghị từ cộng đồng dân cư sở hữu một khu đất rộng hơn 16.187 ha.

Em gái của Forth, Laurie Shuck, gần đây đã mua một đống biển báo “cấm xâm phạm” để dán xung quanh hàng rào nhằm ngăn chặn đại diện của NextEra đến đề nghị hợp đồng thuê trang trại gió hoặc quyền xây dựng.

Shuck cho biết cô và anh trai sẽ cho thuê đất để xây dựng dự án điện gió chỉ khi “bước qua xác chúng tôi”.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-gi-dang-xay-ra-voi-du-an-nang-luong-sach-3000-ty-usd-cua-my-post1429669.html