Điều gì khiến Nga tái sản xuất động cơ tuabin khí cho T-80?

Không phải T-90 hay T-14 Armata, những chiếc T-80 có từ thời Xô Viết đang thực sự là chiếc xe tăng được binh sĩ Nga hoạt động trên chiến trường Ukraine ưa chuộng.

Military Watch dẫn nguồn tin từ các cơ quan truyền thông nhà nước Nga cho biết, việc sản xuất động cơ tua-bin khí cho xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 đã được Bộ Quốc phòng Nga khởi động lại tại nhà máy kỹ thuật Kaluzhsky Engine - thường được gọi là Kaluga.

Động cơ tua-bin khí đa nhiên liệu GTD-1250 đang được sản xuất với quy mô lớn. Đây là động cơ tiên tiến nhất trong dòng GTD-1000, được thiết kế để cung cấp năng lượng cho biến thể T-80 mới nhất là T-80BVM.

Động cơ GTD-1250 có thể chạy bằng nhiều loại nhiên liệu từ diesel, dầu hỏa, xăng và nhiều hỗn hợp khác nhau, đây là một khả năng được đánh giá cao bởi trong điều kiện chiến đấu sẽ không có sẵn nguồn nhiên liệu phù hợp để cung cấp cho xe tăng.

Thông tin này trùng hợp với chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu tới Nhà máy xe tăng Omsktransmash, nhà máy này từng là nơi sản xuất xe tăng T-80 cho đến giữa những năm 1990 và hiện đang chịu trách nhiệm tân trang và hiện đại hóa chiếc xe này.

Động cơ GTD-1250.

Cơ sở này đã bắt đầu tái trang bị lại cho hàng trăm chiếc T-80 từ kho cất giữ, kể từ khi nổ ra xung đột toàn diện giữa lực lượng Nga và Ukraine vào tháng 2/2022. Vào thời điểm xung đột nổ ra, Quân đội Nga đang ưa chuộng sử dụng T-72 và T-90 do những chiếc xe tăng này có chi phí vận hành rẻ hơn nhiều so với T-80.

Do động cơ tua-bin khí có chi phí cao nên loại động cơ này chỉ được sử dụng trên xe tăng T-80 của Nga và xe tăng M1 Abrams của Mỹ, còn các loại xe tăng khác như T-72 và T-90 sử dụng động cơ diesel rẻ hơn đáng kể cả về sản xuất và bảo trì.

Đây là yếu tố chính khiến Bộ Quốc phòng Nga ưa chuộng hai lớp xe tăng này hơn T-80 trong những năm hậu Chiến tranh Lạnh và là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giảm đáng kể chi tiêu cho ngân sách.

Tuy nhiên, thực tế vận hành T-80 trên chiến trường Ukraine đã khiến Bộ Quốc phòng Nga phải xem lại những đánh giá trước đây, đặc biệt là về hiệu quả chi phí của loại xe tăng này so với các xe tăng khác hiện có của Nga.

Truyền thông nhà nước Nga tuyên bố vào tháng 9/2023 rằng, công việc đã bắt đầu tại nhà máy Omsktransmash để khởi động lại việc sản xuất T-80 sau gần ba thập kỷ gián đoạn. Việc Omsktransmash sản xuất lại T-80 sẽ giúp nhà máy xe tăng Uralvagonzavod có thêm điều kiện để tăng sản lượng sản xuất T-90M và T-14 Armata.

Một số chuyên gia quân sự còn suy đoán rằng, rất có thể sẽ có một biến thể T-80 mới với những cải tiến mạnh mẽ được phát triển, như tháp pháo không người lái và khoang lái được bọc thép tương tự như trên các nguyên mẫu T-14 Armata.

Xe tăng T-80BVM.

Các báo cáo từ tiền tuyến đã chứng minh hiệu suất cao của T-80 và quân đội Nga đã tiếp tục biên chế thêm phiên bản mới nhất T-80BVM cho các đơn vị tuyến đầu ở Ukraine.

Một chỉ huy quân đội Nga chiến đấu trực tiếp với các đơn vị sử dụng xe tăng Leopard của Ukraine, đã nhấn mạnh khả năng cơ động tuyệt vời của T-80 khi so với Leopard khi được truyền thông địa phương phỏng vấn: “Những chiếc Leopard đang chìm trong bùn, chúng liên tục mắc vào bùn lầy. Chúng tôi có thể quan sát từ máy bay không người lái cách chúng được kéo ra khỏi bùn. Xe của chúng tôi có động cơ tua-bin khí, nó không sợ bùn, nó có thể vượt qua địa hình lầy lội dễ dàng. Đây là sự khác biệt cho phép xe tăng của chúng tôi hoạt động trong mọi thời tiết, hỗ trợ bộ binh và vượt qua chiến hào của đối phương dễ dàng”.

Ngoài lợi thế về tính cơ động, động cơ tua-bin khí của T-80BVM còn được đánh giá cao nhờ khả năng khởi động nhanh trong điều kiện cực lạnh, đây là lý do chính để Nga vẫn tiếp tục duy trì hoạt động một số lượng nhỏ lớp xe tăng này kể từ khi Liên Xô tan rã. T-80 có thể hoạt động hiệu quả ở khu vực Bắc Cực, trong khi các loại xe tăng sử dụng động cơ diesel thường mất hơn nửa giờ để khởi động ở nhiệt độ dưới âm 20 độ C.

Lê Hưng (Military Watch)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dieu-gi-khien-nga-tai-san-xuat-dong-co-tuabin-khi-cho-t-80-ar867327.html