Điều gì khiến xuất khẩu LNG của Mỹ giảm trong tháng 5 sau mốc kỷ lục tháng trước?
Mỹ, nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ ba thế giới năm 2022, ghi nhận sản lượng xuất khẩu trong tháng 5 giảm xuống 7,66 triệu tấn từ mức kỷ lục 8,01 triệu tấn trong tháng 4 do việc bảo trì một số nhà máy và các chuyến hàng đến châu Âu giảm xuống do giá thấp, theo Reuters.
Theo dữ liệu theo dõi sơ bộ của Refinitiv Eikon, các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ đã giảm các chuyến hàng đến châu Âu vào tháng trước, và để bù đắp, nhiều LNG hơn được chuyển đến châu Á và châu Mỹ Latinh.
Theo công ty tư vấn Rystad Energy, giá LNG châu Á giao tháng 7 đã hồi phục trở lại sau mức giảm trước đó, khiến LNG của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với các thương nhân và các công ty dầu mỏ lớn có thể tiếp cận thị trường giao ngay.
Nhưng ở châu Âu, thị trường chính cho LNG của Mỹ, giá tương lai tại Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu của Hà Lan (TTF-Dutch Title Transfer Facility) đã giảm, Rystad lưu ý, tạo cơ hội cho người mua từ các khu vực khác mua số LNG giao ngay này của Mỹ.
Xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu đã giảm từ 71% tổng lượng xuất khẩu trong tháng 4 xuống còn 60,5% trong tháng 5, trong khi xuất khẩu sang châu Á tăng lên 14% tổng số lô hàng trong tháng trước từ 12% trong tháng 4. Dữ liệu cũng cho thấy xuất khẩu LNG của Mỹ đến Mỹ Latinh đã tăng lên 11% trong tháng 5, từ mức 6% trong tháng 4.
Sự gia tăng khối lượng sang Mỹ Latinh diễn ra khi có nhu cầu lớn hơn theo mùa đối với khí đốt tự nhiên để phát điện và điều hòa không khí. Một số vùng của Mỹ Latinh cũng cần thêm LNG để sưởi ấm khi các quốc gia này bước vào mùa đông.
Trong khi đó, bảo trì theo lịch trình tại cơ sở Cameron LNG 2 của Sempra vào cuối tháng 4 đã làm giảm nguồn cung khoảng 300.000 tấn, khi đến 22/5 nhà máy mới khởi động lại. Việc bảo trì tại cơ sở LNG Corpus Christi của Cheniere Energy dự kiến hoàn thành vào ngày 18/5, nhưng nhà máy chỉ vận hành với công suất tiêu thụ 1,3 tỷ feet khối mỗi ngày tính đến ngày 20/5, so với mức thông thường là khoảng 2 tỷ feet khối.