Điều trị chấn thương cột sống bằng phương pháp bắt vít qua da qua cuống đốt sống

Chấn thương cột sống là một vấn đề bệnh lý nguy hiểm có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào. Người bệnh có nguy cơ cao đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe như: mất vững cột sống, rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn đại tiểu tiện, liệt toàn thân, liệt nửa người, liệt thân dưới...

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật bắt vít qua da qua cuống đốt sống. Ảnh: BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật bắt vít qua da qua cuống đốt sống. Ảnh: BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc

Có nhiều nguyên nhân gây ra chấn thương cột sống, phổ biến nhất là chấn thương đột ngột trong sinh hoạt, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương thể thao.

Tùy vào trường hợp và mức độ chấn thương, người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội khoa, phẫu thuật, tập phục hồi chức năng hoặc phối hợp các phương pháp để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Bắt vít qua da qua cuống đốt sống dưới hướng dẫn của máy X-quang là một kỹ thuật phẫu thuật hiện đại, ít xâm lấn, không phải bộc lộ rộng bóc tách cân cơ vào đốt sống, tránh tổn thương cân cơ, giảm lượng máu bị mất, đem lại hiệu quả điều trị cao, rút ngắn thời gian nằm viện so với phương pháp phẫu thuật mở truyền thống.

Vừa qua, bà N.T.Q (57 tuổi) bị ngã và nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc trong tình trạng đau lưng nhiều. Qua thăm khám lâm sàng kết hợp với kết quả chụp cắt lớp vi tính, bà Q được chẩn đoán vỡ xẹp thân đốt sống D12 mất vững. Sau hội chẩn, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh đã quyết định phẫu thuật cố định cột sống cho người bệnh bằng phương pháp bắt vít qua da qua cuống đốt sống.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật cột sống do BSCKI Đinh Văn Hải, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh cùng kíp mổ thực hiện đã diễn ra thành công. Chỉ 2 ngày sau mổ người bệnh đã có thể đi lại và được chỉ định ra viện sau 5 ngày.

BS Đinh Văn Hải cho biết: “Bắt vít qua da qua cuống cố định cột sống là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn. Với phương pháp mổ truyền thống thì phải mở rộng da bóc tách cân cơ, bộc lộ đốt sống để bắt vít, nhưng với phương pháp này thì có thể bắt vít qua da qua cuống cột sống mà không cần bộc lộ vết mổ. Trong quá trình phẫu thuật có sử dụng máy X-quang để xác định vị trí bắt vít. Kỹ thuật này có thể áp dụng trong những trường hợp phẫu thuật cần bắt vít cột sống thắt lưng tùy mức độ như: Vỡ xẹp đốt sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, trượt đốt sống… Phương pháp có ưu điểm là tối thiểu hóa xâm lấn cơ thể người bệnh, giảm nguy cơ tai biến, hiệu quả điều trị cao, rút ngắn thời gian nằm viện”.

Qua đây, BS Hải khuyến cáo: khi bị chấn thương cột sống, người bệnh cần được đưa đến cơ sở chuyên khoa phẫu thuật thần kinh để thăm khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt với các trường hợp có tổn thương thần kinh, cần lưu ý thời gian “vàng” để khám chữa bệnh là trước 4 tiếng từ lúc chấn thương và người bệnh cần được vận chuyển nằm trên cáng cứng để luôn giữ cơ thể tư thế thẳng.

Bảo Long

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dieu-tri-chan-thuong-cot-song-bang-phuong-phap-bat-vit-qua-da-qua-cuong-dot-song-366452.html