Đỉnh cao của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông
Ngày này 49 năm về trước, ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng oanh liệt của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Có được thắng lợi vĩ đại ấy, dân tộc ta đã trải qua những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, đã kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất của con người và văn hóa Việt Nam; đồng thời, thắng lợi đó còn là kết tinh của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông của cả một dân tộc anh hùng.
1. Ý chí thống nhất dân tộc được thể hiện từ truyền thuyết thuở vua Hùng dựng nước, câu chuyện cùng chung bọc trứng “đồng bào”, chuyện 99 con voi chầu về một hướng để nhắc nhở những ai muốn đổi lòng nhìn theo hướng khác.
Trải cùng dặm dài của lịch sử, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông đã thấm nhuần trong tư tưởng mỗi con người Việt Nam, được nuôi dưỡng và truyền lại qua bao thế hệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Chính tinh thần đoàn kết toàn dân tộc ấy là cội nguồn của mọi chiến thắng, là sức mạnh nội sinh để nhân dân Việt Nam làm nên một mùa Xuân đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với đặc điểm lớn và bao trùm nhất là đất nước bị chia làm hai miền Bắc - Nam. Nhưng Việt Nam là một cơ thể thống nhất, từ đất liền ra hải đảo, không thể tách rời. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Và: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, nên “31 triệu đồng bào hai miền Nam - Bắc là 31 triệu chiến sĩ diệt Mỹ”.
Với ý nghĩa đó, Chiến thắng 30-4-1975 mãi đi vào lịch sử dân tộc, khẳng định tầm vóc vĩ đại, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình của cả dân tộc, đánh dấu bước ngoặt quyết định đưa nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đối với thế giới, đó là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành đấu tranh giải phóng khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.
Nguồn gốc của Chiến thắng 30-4-1975 là sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo. Dựa vững trên nền tảng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta đã đưa ra những quyết định sáng suốt và chính xác, trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình thế giới và trong nước, tương quan lực lượng giữa ta và địch để xác định đúng thời cơ lịch sử, hạ quyết tâm chiến lược mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh bại hoàn toàn đội quân của chính quyền Sài Gòn, giành thắng lợi triệt để trong thời gian ngắn nhất.
Việc đưa ra những quyết định mang tính lịch sử thể hiện tài thao lược, thông minh, sáng tạo tuyệt vời của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Đường lối, chủ trương của Đảng phản ánh ý chí, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông của cả dân tộc, là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Suốt gần năm thập kỷ qua, các thế hệ người Việt Nam và nhân loại tiến bộ ngày càng cảm nhận sâu sắc hơn trên mọi phương diện về ý nghĩa to lớn, giá trị lịch sử và thời đại của Chiến thắng 30-4-1975; ngày càng thấm thía hơn về những mất mát, hy sinh mà nhân dân ta, dân tộc ta đã phải trả để có được chiến thắng và càng thêm tự hào về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Dân tộc, Nhân dân và Quân đội anh hùng.
Nhân dân thế giới hết lời ca ngợi chiến thắng của nhân dân Việt Nam, coi đó là thắng lợi vĩ đại của “chính nghĩa, lòng nhân đạo và chủ nghĩa anh hùng”; là chiến thắng của “chủ nghĩa anh hùng vô song; là chiến thắng tạo nên dư chấn rung động địa cầu”. Đồng thời, cũng nhấn mạnh về “ảnh hưởng to lớn đến khu vực trên thế giới trong tương lai”; “gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù”; chứng minh “thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt”. Thắng lợi đó chứng tỏ không một sức mạnh nào có thể “khuất phục được một dân tộc anh hùng”; đó là thắng lợi “mãi mãi ghi vào sử sách”…
2. Khẳng định giá trị, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Chiến thắng 30-4-1975, chúng ta đồng thời đấu tranh phê phán mọi luận điệu xuyên tạc về chiến thắng vĩ đại này. Bởi đó là những thiên kiến lệch lạc, những ác ý thâm độc của các thế lực thù địch và cả những ngộ nhận, mơ hồ trong sự nhìn nhận, đánh giá lịch sử thiếu khách quan. Những luận điệu sai trái đó không phải xuất phát từ thiện chí hòa hợp, hòa giải dân tộc, mà chỉ là những âm mưu, thủ đoạn để khoét sâu hận thù, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.
Thực tiễn đã minh chứng, nhân tố quan trọng làm nên Chiến thắng 30-4-1975 là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của toàn dân. Phát huy truyền thống quý báu đó, ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tinh thần và nỗ lực cao nhất là tiếp tục huy động tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm xóa bỏ mọi mặc cảm, địch thù, thực hiện nhất quán chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc nhằm tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng, phát triển đất nước. Đây là vấn đề ngay từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi đồng bào Nam Bộ (ngày 31-5-1946) đã chỉ rõ: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc”.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, với chính sách hòa hợp dân tộc hợp lòng dân của Đảng và Chính phủ, sau ngày 30-4-1975, vết thương chiến tranh ngày một khô lành, đất nước ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều người Việt Nam trên khắp thế giới hướng về Tổ quốc. Từ hội nghị gặp mặt thân mật các kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Dậu năm 1993 để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đến năm 2008, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan và một số địa phương tổ chức Chương trình Xuân Quê hương. Đây là sự kiện có quy mô lớn, thu hút sự tham dự của đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê hương đón Tết, được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chờ đón mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Việc tổ chức tốt Chương trình Xuân Quê hương hằng năm cho thấy chính sách nhất quán về hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, qua đó quy tụ sức mạnh của mọi người Việt Nam trên toàn thế giới nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân trong cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là nơi đáng sống. Có nhiều người nước ngoài đã đến định cư và làm việc tại Việt Nam. Nhiều Việt kiều đã về nước hòa nhập cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Cho dù khó khăn, trở ngại còn nhiều, nhưng với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự đoàn kết của toàn dân, những khó khăn dần được khắc chế, thuận lợi từng bước được khai thông, chỉ số phát triển Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Chào mừng kỷ niệm Chiến thắng 30-4-1975 là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thêm tự hào về thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là đỉnh cao của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông, là sự kiện để “Đất nước trọn niềm vui” sau 21 năm chia cắt. Những thành quả Việt Nam đạt được sau gần nửa thế kỷ là minh chứng rõ nét nhất của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và Dân tộc Việt Nam anh hùng, phát huy tinh thần Chiến thắng 30-4-1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa như lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024).