Đoàn công tác của tỉnh khảo sát một số di tích lịch sử-văn hóa tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Từ ngày 14/3 đến ngày 16/3, Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình do đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã có chương trình nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Thừa Thiên Huế về việc trùng tu, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; kinh nghiệm phát triển du lịch; kinh nghiệm xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản cố đô gắn với thúc đẩy các cơ chế, chính sách đặc thù.

Đoàn công tác tham quan Đại nội Huế.

Đoàn công tác tham quan Đại nội Huế.

Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo Thành ủy Ninh Bình, Huyện ủy Hoa Lư; Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.

Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại một số di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn thành phố Huế.

Đoàn đã đến dâng hương tại Lăng Gia Long và Lăng Minh Mạng.

Lăng Gia Long là nơi an nghỉ của Gia Long hoàng đế, vị vua sáng lập triều Nguyễn, thuộc địa phận xã Hương Thọ, thành phố Huế, cách kinh thành Huế khoảng 20 km về hướng Tây. Lăng vua Gia Long là một di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993.

Lăng Minh Mạng nằm trên ngọn núi Cẩm Kê, cách thành phố Huế khoảng 14 km, nơi hợp nguồn tạo thành sông Hương. Lăng được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 1840 và được Vua Thiệu Trị tiếp tục xây dựng hoàn tất vào năm 1843. Lăng gồm 40 công trình lớn nhỏ, với kiến trúc truyền thống cổ xưa, mang đậm bản sắc Nho giáo.

Đoàn công tác tham quan Lăng Minh Mạng.

Tiếp đó, Đoàn đã đến tham quan Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng-một bảo tàng nghệ thuật đương đại tư nhân quy mô, hiện đại và độc đáo nhất của khu vực miền Trung. Lê Bá Đảng là một tên tuổi của nghệ thuật thế giới hiện đại, được ngưỡng mộ và tôn vinh với danh xưng "họa sư bậc thầy của hai thế giới Đông-Tây".

Đoàn công tác tham quan Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng.

Trong suốt nửa thập kỷ cuối của thế kỷ XX, các tác phẩm nghệ thuật của ông đã được triển lãm ở nhiều nước trên thế giới và hiện diện trong rất nhiều bộ sưu tập cá nhân, đặc biệt ở Mỹ, Nhật Bản và Pháp. Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng không chỉ trưng bày các tác phẩm của cố họa sĩ mà còn là không gian gặp gỡ, trao đổi của những người yêu nghệ thuật cũng như nơi tổ chức các sự kiện triển lãm văn hóa…

Đoàn tham quan Công viên văn hóa thành phố Huế.

Đoàn cũng đã đến tham quan Công viên văn hóa thành phố Huế thuộc công trình hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan cho thành phố Huế. Đây cũng là địa điểm vui chơi, giải trí đại chúng, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Công viên được thiết kế hòa quyện với thiên nhiên cây cỏ, với cảnh sắc sông Hương đã tạo nên một không gian thấm đẫm tính Huế, tô điểm cho Huế một chiếc áo dài thướt tha bên dòng sông thơ.

Đoàn đến tham quan Đại nội Huế, là một trong các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1993. Toàn cảnh Đại Nội Huế còn lưu giữ nhiều dấu ấn đặc sắc của phong kiến triều đình nhà Nguyễn hàng trăm năm. Đại Nội Huế chính là nơi sinh hoạt và diễn ra các hoạt động của vua chúa Nguyễn cùng triều đình phong kiến cuối cùng của nước ta. Đại Nội Huế có thể xem là một công trình có quy mô đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay.

Tại các điểm tham quan, khảo sát, Đoàn công tác của tỉnh đã tìm hiểu những kinh nghiệm, giải pháp quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, xây dựng cảnh quan thiên nhiên hài hòa với các di tích lịch sử văn hóa, phục vụ phát triển du lịch bền vững, hướng tới xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo trong tương lai.

Trong chương trình công tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn công tác của tỉnh tiếp tục có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kinh nghiệm trùng tu, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; kinh nghiệm phát triển du lịch; kinh nghiệm xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản cố đô gắn với thúc đẩy các cơ chế, chính sách đặc thù.

Báo Ninh Bình tiếp tục cập nhật những thông tin của Đoàn công tác.

Tin, ảnh: Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doan-cong-tac-cua-tinh-khao-sat-mot-so-di-tich-lich-su-van/d20240315190114479.htm