Đoàn ĐBQH nhiều địa phương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra khoảng vài ngày, một số Đoàn ĐBQH các địa phương đã tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để tổng hợp, báo cáo và cho ý kiến đến kỳ họp Quốc hội lần này.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tiếp thu ý kiến của cử tri. Ảnh: Báo Điện Biên

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tiếp thu ý kiến của cử tri. Ảnh: Báo Điện Biên

Nên có chính sách thu hồi, đền bù thỏa đáng cho người dân đang được cấp quyền sử dụng đất nơi có di sản, di tích

Cụ thể như, ngày 14/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc, lấy ý kiến cử tri tham gia vào các dự thảo Luật, trong đó có Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Theo đó, cử tri tỉnh này đề nghị bổ sung vào mục d, khoản 4, điều 7 cụm từ "Hỗ trợ phát triển các loại hình mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, điện ảnh khai thác đề tài về lịch sử của dân tộc, địa phương, đất nước".

Đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, tại khoản 4, điều 51 và khoản 4, điều 56 quy định "Chứng chỉ, giấy chứng nhận hành nghề có hiệu lực trong thời hạn 05 năm". Tuy nhiên, cần xem xét điều chỉnh lại thời gian tối thiểu, vì phụ thuộc vào thời hạn của các chứng chỉ điều kiện liên quan đến xây dựng, nếu không quy định còn thời gian tối thiểu thì các chứng chỉ liên quan đến xây dựng còn hạn rất ít ngày sẽ khó khăn trong việc cấp phép.

Cũng trong ngày 14/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến đối với dự án luật trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - Lê Thị Song An chủ trì hội nghị.

Về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu đề xuất nên có chính sách thu hồi, đền bù thỏa đáng cho người dân đang được cấp quyền sử dụng đất nơi có di sản, di tích, nhằm giúp cơ quan chức năng có thể thực hiện tốt việc bảo quản, đầu tư khai thác di tích, di sản và bảo đảm quyền lợi của người dân. Vấn đề về nguồn tài chính khi phân cấp, phân quyền quản lý di tích, di sản cũng được đề cập tới.

Bổ sung quy định về khoảng cách tối thiểu đảm bảo an toàn cho di tích

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong ngày 14/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng về một số dự án Luật, trong đó có Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Góp ý vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên Đào Mạnh Huân đề nghị xem xét bổ sung quy định về khoảng cách tối thiểu đảm bảo an toàn cho di tích để làm cơ sở hướng dẫn trong quá trình lập, thẩm định, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội (Điều 28).

Ông Đào Mạnh Huân đề nghị bổ sung thẩm quyền chấp nhận việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật đối với di tích thuộc danh mục kiểm kê, cụ thể chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích thuộc danh mục kiểm kê (Điều 30); xem xét bổ sung quy định về việc giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích cho người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, di sản thế giới năm trên địa bàn từ 2 địa phương trở lên (Điều 31)...

Trước đó, vào chiều 13/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu nhất trí cho rằng, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ khắc phục những hạn chế sau 15 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009, thể chế hóa những vấn đề thực tiễn phát sinh chưa được luật quy định.

Bên cạnh đó, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung của dự thảo Luật, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản; cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Khảo sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý di sản văn hóa

Cũng trong dịp này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái do ông Nguyễn Quốc Luận - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã có cuộc khảo sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa giai đoạn 2010 - 2023 trên địa bàn huyện Văn Chấn.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Văn Chấn cho biết: Tính đến hết năm 2023, huyện Văn Chấn có tổng số 188 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có 11 di tích đã được xếp hạng. Về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa giai đoạn 2010 - 2023, huyện đã tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh quan trọng, đặc biệt là Di tích lịch sử văn hóa Đèo Lũng Lô, Đình Bằng Là.

Việc tổ chức lễ hội truyền thống cũng được duy trì theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Huyện cũng đã làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá những giá trị của di tích, những nét văn hóa đặc trưng và các đặc sản, sản vật của địa phương tới du khách...

Tại buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái và huyện Văn Chấn đã thảo luận về những khó khăn trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa giai đoạn 2010 - 2023 trên địa bàn, như: kinh phí trong công tác bảo tồn, phục hồi di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh và hỗ trợ kinh phí để tu bổ, phục hồi di tích khác, đặc biệt là di tích lịch sử cách mạng, di tích lưu niệm sự kiện, bảo tồn, phục dựng những di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một...

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận đề nghị UBND huyện tiếp tục làm tốt công tác phục hồi và bảo tồn các di sản; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là di tích lịch sử -văn hóa, quan tâm đến công tác quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa.

Trước đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa trên địa bàn huyện Văn Yên và huyện Trấn Yên.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương, 102 điều, tăng 02 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Tại dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, chính sách, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Theo đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh (di sản tư liệu) và bổ sung đối tượng áp dụng (cộng đồng); bổ sung các quy định về đầu tư, xây dựng, cải tạo công trình trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; các điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…; kế thừa có bổ sung các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Ngoài ra, dự thảo Luật đã lựa chọn luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật như điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia… làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.

Bảo Trân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/doan-dbqh-nhieu-dia-phuong-to-chuc-hoi-nghi-lay-y-kien-ve-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-20240516114611567.htm