ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Ngày 22/1, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định đã tiến hành Chương trình giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh tại UBND tỉnh.

Các đồng chí: Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định; Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì buổi làm việc. Dự hội nghị có các đồng chí ĐBQH, lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Cục Thuế tỉnh và UBND huyện Ý Yên...

Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại buổi làm việc.

Đây là buổi làm việc cuối cùng của Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định trong Chương trình giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nam Định". Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện các buổi làm việc với các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Cục Thuế tỉnh về chuyên đề này…

Nghị quyết số 43/2022/QH15 bao gồm các chính sách tài khóa miễn, giảm thuế, chính sách đầu tư phát triển (y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng); hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động đang ở trọ, tăng mức bảo lãnh của Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ vốn vay; điều hành chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển KT-XH và áp dụng các chính sách phát triển hạ tầng viễn thông, internet, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu kết luận buổi làm việc.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã giúp tình hình KT-XH của tỉnh phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Trong năm 2022, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ đã tạo điều kiện quan trọng để phục hồi và phát triển KT-XH với một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng cao như: Tổng sản phẩm GRDP tăng 9,07%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD... Trong năm 2023, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá: Tổng sản phẩm GRDP tăng 10,19% (là mức tăng cao nhất từ trước đến nay); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD... Dưới tác động của chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực: Năm 2022 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 59 dự án với tổng vốn đăng ký là trên 31,773 nghìn tỷ đồng và 57,8 triệu USD, toàn tỉnh có 11.375 doanh nghiệp và 874 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký trên 104.953 tỷ đồng; năm 2023 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 59 dự án với tổng số vốn đăng ký là 2.411,6 tỷ đồng và 331,6 triệu USD, toàn tỉnh có 12.478 doanh nghiệp và 920 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký khoảng 115.487 tỷ đồng... Tỉnh đã khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, thông qua kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.032,3 tỷ đồng để triển khai 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh (xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh; xây mới, cải tạo 66 trạm y tế cấp xã; xây dựng, nâng cấp, cải tạo các cơ sở trợ giúp xã hội tỉnh; xây dựng, cải tạo, nâng cấp Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định; xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng)... Về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đối với dự án quan trọng quốc gia Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1 (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn) thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn huyện Ý Yên khoảng 5,1km) UBND huyện Ý Yên đã chỉ đạo, quán triệt Hội đồng giải phóng mặt bằng, UBND các xã Yên Bằng, Yên Hồng, Yên Khang thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định pháp luật.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe các sở, ngành, đơn vị báo cáo, giải trình, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã phát biểu làm rõ, giải thích một số vấn đề Đoàn ĐBQH quan tâm về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương qua đó đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong các năm 2022, 2023; đồng thời nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian tới.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=84265