ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH LẤY Ý KIẾN THAM GIA VÀO 2 DỰ THẢO LUẬT
Sáng 13/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tham vấn, lấy ý kiến vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì hội nghị.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang xây dựng có 12 chương, 117 điều, sửa đổi toàn diện Luật Khoáng sản năm 2010. Dự thảo kế thừa đầy đủ các chính sách, quy định đang phát huy hiệu quả của Luật hiện hành. Bên cạnh đó, sửa đổi một số nội dung bất cập, vướng mắc. Trong khi đó, Luật Thuế giá trị gia tăng đã có hiệu lực từ 1/1/2009, qua sửa đổi bổ sung 3 lần. Dự thảo lần này gồm 4 chương, 16 điều, có nhiều điểm mới phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế...
Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu nội dung của các dự thảo Luật, các đại biểu đã thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng với Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, dựa trên thực tế hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh, quản lý thuế tại Quảng Ninh thời gian qua. Cụ thể, đối với dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản (sửa đổi), các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề: Đơn giản hóa thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản; quy định về tính tiền cấp quyền khai thác; quy định về điều tra cơ bản địa chất; các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương; điều chỉnh, bổ sung và làm rõ các quy định về hoạt động thu hồi khoáng sản, thăm dò khai thác, vùng cấm hoạt động khai thác khoáng sản, công tác xây dựng cơ bản mỏ, đóng cửa mỏ…
Ví dụ như điểm b khoản 1 Điều 69 về thu hồi giấy phép khai thác có quy định: "Sau 12 tháng, kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản chưa tiến hành hoạt động khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật". Đại điện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị chỉnh sửa thành "12 tháng từ ngày địa phương hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng". Bởi lẽ trong thực tế sau khi được cấp giấy phép khai thác, cần phải tiến hành thực hiện rất nhiều thủ tục pháp lý mới đủ điều kiện để đưa mỏ vào khai thác. Do đó, việc tổ chức khai thác sau 12 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực là khó khả thi.
Đối với dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu tập trung vào các quy định về đối tượng không chịu thuế, kê khai khấu trừ thuế, quy định bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với nhiều dịch vụ xuất khẩu; trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao ý kiến phát biểu, đóng góp của các đại biểu. Những ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ góp phần quan trọng để Quốc hội sửa đổi các dự án Luật đảm bảo được sự thống nhất, hợp hiến, hợp pháp. Đoàn sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị để báo cáo Quốc hội trong thời gian tới.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=86816