Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Quân khu 3: Xung kích, tình nguyện về vùng gian khó để cống hiến sức trẻ

Những năm qua, bằng sức trẻ, lòng nhiệt tình, các đội viên trí thức trẻ tình nguyện thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KTQP) 327, Quân khu 3 đã không quản ngại khó khăn phối hợp cùng với tổ chức đoàn ở địa phương đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trên tuyến biên giới của tỉnh Quảng Ninh để tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo các thôn, bản vùng biên giới và để lại những ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Khát khao cống hiến sức trẻ

Với lý tưởng cao đẹp, tư tưởng sẵn sàng dấn thân và khát khao cống hiến nên ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Cao Văn Sằn (dân tộc Tày), ở xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) đã nộp đơn dự tuyển tham gia lực lượng trí thức trẻ tình nguyện, trúng tuyển và được phân công công tác tại Lâm trường 155, Đoàn KTQP 327, Quân khu 3, anh có nhiều thuận lợi, bởi mảnh đất biên cương này chính là quê hương nơi anh sinh ra và lớn lên, am hiểu phong tục tập quán, biết tiếng đồng bào nên Cao Văn Sằn dễ dàng tiếp cận, chia sẻ với người dân.

“Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi cùng đồng đội triển khai thực hiện các chương trình, mô hình thiết thực giúp đỡ bà con. Với kiến thức được học ở nhà trường về nông lâm, tôi trực tiếp giúp đỡ, tư vấn hỗ trợ nhiều hộ gia đình ở khu vực biên giới phát triển kinh tế nuôi trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo”, anh Cao Văn Sằn chia sẻ.

 Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 155, Đoàn KTQP 327, Quân khu 3 làm công tác dân vận giúp dân xây dựng đường giao thông liên thôn, bản.

Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 155, Đoàn KTQP 327, Quân khu 3 làm công tác dân vận giúp dân xây dựng đường giao thông liên thôn, bản.

Còn với em Phạm Hải An, sinh năm 1998, quê ở xã Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) lại có lý tưởng, khát vọng của riêng mình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và tiếp tục học Cao học tại Đại học Mỏ địa chất Hà Nội, em được tuyển dụng vào làm việc cho một công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel); công việc ổn định, thu nhập tương đối cao nhưng Hải An vẫn mong muốn được cống hiến và trải nghiệm trong môi trường quân ngũ, nhất là cống hiến sức trẻ ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Hải An trải lòng: “Tôi luôn mong muốn được mang những kiến thức mà mình đã học trên ghế nhà trường để giúp đỡ đồng bào. Về sinh hoạt và công tác ở vùng biên cương hơn 1 năm, tôi thấy đời sống kinh tế của bà con còn nghèo, đường sá đi lại khó khăn. Hiện nay, tôi cùng các đội viên trí thức trẻ tình nguyện đang hỗ trợ và hướng dẫn người dân phát triển mô hình trồng chè hoa vàng và 20 hộ dân chăn nuôi bò ở 2 xã Bắc Sơn và Hải Sơn (TP Móng Cái)”.

Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156 phối hợp tư vấn, thăm, khám và cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156 phối hợp tư vấn, thăm, khám và cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Cao Văn Sằn và Phạm Hải An là hai trong số hàng chục đội viên trí thức trẻ tình nguyện hiện đang công tác tại Đoàn KTQP 327, tình nguyện và khát khao cống hiến sức trẻ của mình nơi phên giậu Tổ quốc, giúp đời sống của đồng bào ở vùng dự án ngày càng no ấm, khởi sắc.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đặng Công Chiến, Phó chính ủy, Trưởng ban quản lý Dự án 174 Đoàn KTQP 327, Quân khu 3 cho biết: “Hằng năm, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện phối hợp chặt chẽ với Huyện đoàn Hải Hà, Bình Liêu và Thành đoàn Móng Cái, chi đoàn cơ sở các xã, các nhà trường, Đồn biên phòng trên địa bàn tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân với chủ đề “Tuổi trẻ với mùa xuân nơi biên giới”, “Tuổi trẻ với biển, đảo của Tổ quốc” như: Chương trình lửa trại “Gói bánh chưng, gói trọn yêu thương” gói hàng trăm chiếc bánh chưng tặng người nghèo trên địa bàn ăn Tết; trao tặng hàng trăm lá cờ Tổ quốc cho các hộ dân ở thôn, bản giáp biên giới… ngoài ra, trí thức trẻ tình nguyện tích cực tham gia ủng hộ chương trình đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô do địa phương phát động, ủng hộ các quỹ phúc lợi trên địa bàn với số tiền hàng chục triệu đồng".

Bám cơ sở, thực hiện “4 cùng với dân”

Một ngày đầu tháng Bảy, chúng tôi có dịp cùng cán bộ, đoàn viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KTQP 327 thực hiện “Chiến dịch hè tình nguyện năm 2023”. Sau những ngày mưa tầm tã, con đường đến các thôn, bản ở xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) trở lên lầy lội, trơn trượt khó đi hơn nhưng các đội viên trí thức trẻ tình nguyện vẫn khắc phục khó khăn, với quyết tâm đến được gần với người dân để trực tiếp tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, sinh hoạt hợp vệ sinh.

Em Bùi Thượng Phúc, đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156 chia sẻ: “Nhận thức của một số đồng bào dân tộc còn hạn chế, nếu không có phương pháp tuyên truyền phù hợp thì hiệu quả không cao; thậm chí đồng bào còn đuổi và không cho mình vào nhà. Vì vậy, để bà con hiểu và thực hiện tốt thì phải hướng dẫn cụ thể; thấy hiệu quả thì bà con sẽ nghe, tin tưởng bộ đội và các đội viên trí thức trẻ tình nguyện”.

Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 155 tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính cho học sinh Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh).

Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 155 tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính cho học sinh Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh).

Là một trong số các hộ dân thường xuyên được đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156 xuống tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện mô hình nông lâm kết hợp VCR (vườn, cây, rừng), ông Doòng Chống Quay, ở khu dân cư Trình Tường (bản Pắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) cho biết: “Các cháu đội viên trí thức trẻ tình nguyện rất nhiệt tình, trách nhiệm; thường xuyên xuống hỗ trợ, giúp đỡ gia đình tôi các phương pháp, kỹ thuật trồng cây; hiện nay các thành viên trong gia đình đều nắm được kỹ thuật. Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng quy mô, diện tích trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi các giống gia cầm như gà, vịt”.

Thực hiện chủ trương 3 bám (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách) và phương châm 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), những năm qua, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện đã cùng với cán bộ, nhân viên Đoàn KTQP 327 tổ chức nhiều đợt phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không tin theo các tà đạo trái pháp luật; xây dựng các điểm dân cư, làng, bản văn hóa; thực hiện công tác chính sách xã hội, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; đưa y tế về thôn, bản, chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; tuyên truyền, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh phòng bệnh; thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”,… góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước.

Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42 hướng dẫn đồng bào cách chăm sóc bò giống.

Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42 hướng dẫn đồng bào cách chăm sóc bò giống.

Chia sẻ những kinh nghiệm khi tiến hành công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Trung tá Phạm Văn Thao, Phó giám đốc, Phân đội trưởng Phân đội trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156 (Đoàn KTQP 327) cho biết: “Quá trình bám nắm cơ sở, thực hiện “4 cùng” với bà con, Đảng ủy, chỉ huy Lâm trường yêu cầu mỗi đội viên trí thức trẻ tình nguyện phải gần gũi, thường xuyên lắng nghe, nắm rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, mong muốn chính đáng của bà con; đồng thời tìm hiểu những cái khó khăn, vướng mắc của đồng bào; trên cơ sở đó kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy lâm trường và cấp ủy, chính quyền địa phương có những chủ trương, biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm từng bước tháo gỡ, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con trong vùng dự án”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/doan-kinh-te-quoc-phong-327-quan-khu-3-xung-kich-tinh-nguyen-ve-vung-gian-kho-de-cong-hien-suc-tre-736878