Doanh nghiệp chờ hướng dẫn từ cấp tỉnh

Theo quy định, trước 31.3.2025, các doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm kê phát thải khí nhà kính phải nộp báo cáo gửi UBND tỉnh để thẩm định, tức chỉ còn hơn một năm nữa. Song, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ đang rất vướng vì mới có hướng dẫn ở cấp thông tư, chưa có hướng dẫn cụ thể từ cấp tỉnh.

3/5 lĩnh vực đã ban hành thông tư hướng dẫn

Chiều 30.1, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và Phát triển doanh nghiệp (QCC) tổ chức hội thảo Tuyên truyền phổ biến kiến thức, tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc năm 2024.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Kim Anh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học QCC cho biết, tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam là một trong các quốc gia đã tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. So với Báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định 2020 (NDC 2020), NDC cập nhật 2022 đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8%; và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% (so với kịch bản phát triển thông thường BAU).

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Triển khai quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các mục tiêu hướng tới giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu và Quyết định số 2626/2022-BTNMT công bố danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính.

Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg nêu rõ 5 lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm: ngành công thương; giao thông vận tải, ngành xây dựng; ngành tài nguyên và môi trường; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, với khoảng 1.900 doanh nghiệp. Đến nay, đã có 3 bộ ban hành thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường (lĩnh vực quản lý chất thải), Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (lĩnh vực lâm nghiệp).

Khẩn trương ban hành hướng dẫn cho doanh nghiệp

Theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính trước ngày 31.3.2023 và đến năm 2024, các đơn vị cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31.3.2025. Các doanh nghiệp có tên trong danh mục phải chủ động rà soát, cung cấp các thông tin về tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, cập nhật danh mục.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã triển khai lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Tuy vậy, theo ông Hoàng Minh Trang, Trưởng ban Giải pháp công nghệ và môi trường QCC, rất nhiều doanh nghiệp đang rất vướng, chưa biết làm thế nào dù thời hạn phải nộp báo cáo chỉ còn hơn một năm nữa. Nguyên nhân bởi hiện nay, vẫn còn 2 bộ là Xây dựng và Giao thông Vận tải chưa ban hành thông tư hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính. Ngay với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chưa có hướng dẫn đối với nông nghiệp và chăn nuôi, trong khi phát thải chăn nuôi là vấn đề lớn. Vì vậy, các bộ cần nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn làm cơ sở cho các địa phương và doanh nghiệp triển khai.

Cũng theo ông Trang, mặc dù Chính phủ, các bộ liên quan đã rất quyết liệt, song ở cấp địa phương lại chưa có hướng dẫn thực hiện thông tư. “Nếu doanh nghiệp có sẵn nguồn nhân lực hiểu biết về tín chỉ carbon, kiểm kê khí nhà kính thì họ chủ động lập báo cáo, song nhiều doanh nghiệp không có nguồn nhân lực này nên họ rất trông chờ hướng dẫn của UBND cấp tỉnh. Vì thế, các tỉnh cũng cần sớm ban hành hướng dẫn cho doanh nghiệp, để tạo thông suốt trong hệ thống chính sách”, ông Trang đề xuất.

Các chuyên gia chỉ rõ, kiểm kê khí nhà kính là lĩnh vực còn khá mới ở nước ta, nguồn nhân lực vì thế cũng hạn chế. Do đó, Nhà nước cần có chương trình đào tạo cấp quốc tế về thẩm định kiểm kê khí nhà kính để tạo thuận lợi hơn cho quá trình triển khai thực hiện.

Điều đáng ngại nữa được các chuyên gia chỉ ra là nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được tính cấp bách của vấn đề, khi chỉ còn hơn một năm nữa phải nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính lên UBND cấp tỉnh thẩm định. Do đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn.

Ông Nguyễn Đình Phượng, Chủ tịch Hội đồng sáng lập, tác giả Dự án Thương mại dịch vụ xanh, Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển ứng dụng NYP bổ sung, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu quy trình sản xuất, giúp quản lý mức tiêu hao năng lượng, qua đó giảm phát sinh khí thải. Công nghệ cũng giúp doanh nghiệp kiểm kê phát thải khí nhà kính. “Công nghệ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ môi trường”, ông Phượng nhấn mạnh.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/doanh-nghiep-cho-huong-dan-tu-cap-tinh-i359235/