Doanh nghiệp Đức ngày càng lo ngại về tình hình kinh doanh và nền kinh tế

Chỉ số môi trường kinh doanh tại nước này tiếp tục giảm, cho thấy tâm trạng của các doanh nghiệp nước này ngày càng xấu đi.

Chỉ số môi trường kinh doanh tại nước này tiếp tục giảm, cho thấy tâm trạng của các doanh nghiệp nước này ngày càng xấu đi. Ảnh: TTXVN phát

Chỉ số môi trường kinh doanh tại nước này tiếp tục giảm, cho thấy tâm trạng của các doanh nghiệp nước này ngày càng xấu đi. Ảnh: TTXVN phát

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho biết chỉ số môi trường kinh doanh tại nước này tiếp tục giảm, cho thấy tâm trạng của các doanh nghiệp nước này ngày càng xấu đi.

Theo báo cáo, chỉ số môi trường kinh doanh Ifo giảm từ mức 88,6 điểm trong tháng Sáu xuống mức 87,3 điểm trong tháng Bảy. Đây là lần giảm thứ ba liên tiếp của chỉ số kinh tế quan trọng này. Đặc biệt, các doanh nghiệp tiếp tục thể hiện sự không hài lòng với hoạt động kinh doanh hiện tại, tình hình nền kinh tế Đức ngày càng khó khăn hơn.

Viện Ifo cho biết trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số môi trường kinh doanh giảm. Các doanh nghiệp đánh giá cả tình hình hiện tại cũng như triển vọng thời gian tới đều rất khó khăn, đơn đặt hàng mới ngày càng ít hơn. Chỉ số công suất sản xuất giảm xuống 83, đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 2 năm chỉ số này ở dưới mức trung bình dài hạn (83,6).

Trong các lĩnh vực dịch vụ và thương mại, chỉ số Ifo đều giảm. Các nhà cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp thương mại đều không hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại. Trong lĩnh vực xây dựng, chỉ số môi trường kinh doanh thậm chí giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2010. Triển vọng trong những tháng tới cũng bi quan hơn.

Ở một góc độ khác, theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 25/8, nền kinh tế Đức đang trong trạng thái đình trệ khi tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 0% trong quý 2/2023 so với quý 1 trước đó.

Trong lĩnh vực tài chính, theo Destatis, thâm hụt ngân sách của Đức trong nửa đầu năm 2023 là 42,1 tỷ euro, chiếm 2,1% GDP. Mức thâm hụt này là do chênh lệch giữa tổng nguồn thu ngân sách (917,2 tỷ euro) và chi tiêu công (959,3 tỷ euro). So với nửa đầu năm 2022, mức chi tiêu tăng mạnh 7,7%, trong khi nguồn thu chỉ tăng 3,5%.

Destatis cho biết thâm hụt tài chính của chính phủ liên bang Đức chiếm tỷ trọng lớn nhất (39,3 tỷ euro) trong thâm hụt ngân sách. Chi tiêu của chính phủ tăng mạnh chủ yếu liên quan đến các gói cứu trợ cho người dân và nền kinh tế nhằm ứng phó với lạm phát cao và giá năng lượng cao./.

Vũ Tùng (P/v TTXVN tại Đức)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-duc-ngay-cang-lo-ngai-ve-tinh-hinh-kinh-doanh-va-nen-kinh-te/304326.html