Doanh nghiệp nhập khẩu Malaysia lo lắng khi đồng ringgit rơi xuống mức thấp nhất 26 năm

Trong tuần này, đồng ringgit (RM) của Malaysia giảm giá xuống mức thấp nhất 26 năm so với đô la Mỹ. Sự giảm giá của đồng ringgit giúp các công ty xuất khẩu và ngành du lịch của Malaysia được hưởng lợi. Tuy nhiên, điều này sẽ gây tốn kém hơn cho các công ty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, chi phí sinh hoạt của người dân đang tăng lên khi đồng tiền mất giá.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói đồng ringgit giảm giá gây lo ngại nhưng vẫn đang ở trong tầm kiểm soát. Ảnh: The Coverage

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói đồng ringgit giảm giá gây lo ngại nhưng vẫn đang ở trong tầm kiểm soát. Ảnh: The Coverage

Sức ép chính trị gia tăng khi đồng tiền mất giá

Hôm 20-2, đồng RM giảm giá xuống mức 4,8885 RM ăn một đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Đồng tiền của Malaysia giảm hơn 4% trong năm nay, một phần do hoạt động xuất khẩu kém và lãi suất của Mỹ vẫn ở mức cao.

Giới phân tích cảnh báo, nếu đồng tiền của Malaysia giảm sâu hơn nữa, Thủ tướng Anwar Ibrahim sẽ đối mặt với các hậu quả chính trị khi người dân cho rằng chính phủ ông thiếu hành động để giải quyết vấn đề. Kể từ năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim cũng đối mặt với sự chỉ trích từ các thành viên phe đối lập cho rằng ông thất bại trong việc quản lý nền kinh tế đất nước.

Tiến sĩ James Chin, chuyên gia chính trị của Đại học Tasmania (Úc), cảnh báo, nếu đồng RM giảm xuống mức 5 RM đổi 1 đô la Mỹ, điều này có thể gây “căng thẳng chính trị thực sự”.

“Một khi tỷ giá giảm xuống mức 5 RM đổi 1 đô la Mỹ, rất nhiều người dân sẽ mất niềm tin không chỉ vào chính phủ của ông Anwar Ibrahim mà còn vào khả năng điều hành nền kinh tế của ông”, tiến sĩ Chin nói.

“Malaysia là một quốc gia thương mại nên mọi thứ nước này nhập khẩu sẽ đắt hơn nhiều (khi đồng RM giảm giá). Chi phí sinh hoạt ở Malaysia đang ở mức cao và tăng trưởng tiền lương đang trì trệ. Đối với tầng lớp lao động, chi phí sinh hoạt tăng sẽ thực sự ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ”, ông giải thích.

Tiến sĩ Oh Ei Sun, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Quan hệ quốc tế Singapore, cho rằng chi phí cao của hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm, do đồng RM giảm giá sẽ khiến chi phí sinh hoạt hàng ngày của người dân Malaysia đắt đỏ hơn.

Tuy nhiên, tiến sĩ Shankaran Nambiar, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu kinh tế Malaysia (MIER), cho rằng sự bất ổn chính trị trong nước do đồng RM giảm giá khó xảy ra. Điều là này do do liên minh cầm quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim hiện nắm giữ đa số ghế ở quốc hội Malayasia.

Tiến sĩ Nambiar cũng lưu ý, chính phủ Malaysia đã nỗ lực thực hiện nhiều cải cách kinh tế, chẳng hạn như phát triển cơ sở hạ tầng và các biện pháp kích thích tài khóa, dự kiến sẽ tạo ra kết quả trong những tháng tới.

Ông giải thích thêm, các yếu tố bên ngoài khiến đồng RM trượt dốc bao gồm tình trạng nền kinh tế toàn cầu “chưa mạnh mẽ như mong đợi”, hiệu suất tương đối kém của ngành sản xuất trong nước cũng như các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ lo lắng

Sự giảm giá của đồng RM đang khiến các nhà sản xuất và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Malaysia lo lắng rủi ro chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng lên đáng kể.

Theo Tan Sri Soh Thian Lai, Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia (FMN), trong khi các nhà sản xuất địa phương giành được các hợp đồng quan trọng để sản xuất bán dẫn và xe điện cao cấp, đồng RM suy yếu đặt ra thách thức do chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng. Đồng tiền Malayasia mất giá cũng làm trì trệ hoạt động đầu tư thiết bị sản xuất và các sáng kiến nâng cấp công nghiệp.

Để giảm thiểu những tác động này, người đứng đầu FMN khuyến nghị giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong thương mại và tăng cường sử dụng đồng RM.

Ông nói: “Các công ty đang khám phá việc sử dụng các loại tiền tệ thay thế cho xuất nhập khẩu, với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu, tiếp theo là đồng euro và đồng yen của Nhật Bản”, ông Tan Sri Soh Thian Lai nói.

Tuy nhiên, ông lưu ý, các nhà sản xuất trong nước bị ràng buộc vào loại tiền mà người mua hàng và nhà cung cấp nước ngoài yêu cầu. Ông cho biết, các thỏa thuận của Malaysia với Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan nhằm khuyến khích nhiều giao dịch thương mại và đầu tư hơn bằng đồng RM là bước đi đúng hướng.

Theo Ding Hong Sing, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia, chính phủ phải cần đưa ra các chính sách rõ ràng về cách bù đắp tác động của đồng RM suy yếu. “Vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt là sự phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu nhập khẩu được mua bằng đô la Mỹ. Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với chi phí nhập khẩu cao hơn và tỷ suất lợi nhuận giảm xuống”, ông nói.

Tuy nhiên, Ding cho biết, đồng RM giảm giá đang thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, với mức tăng trưởng 8,7% trong tháng 1 năm nay. Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là chính phủ phải tích cực quảng bá các sản phẩm do doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia sản xuất trên thị trường quốc tế.

Ông nói: “Cần làm điều này vì chúng ta đang đối mặt với sự cạnh tranh từ hàng xuất khẩu của các nước như Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc”. Ông nói thêm, chính phủ cũng có thể giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm.

Không phản ánh triển vọng tích cực của nền kinh tế

Về phần mình, hôm 23-2, Thủ tướng Anwar Ibrahim thừa nhận đồng RM giảm giá gây lo ngại nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát. Ông tin rằng, tăng trưởng của Malaysia có thể ổn định hơn so với các nước láng giềng nhờ đầu tư nước ngoài ở mức cao cũng như lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều đang giảm. Ông nói không nên so sánh sự mất giá của đồng RM hiện nay so với thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 khi lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp của Malaysia suy giảm, đồng thời nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi nước này.

Ông khẳng định, chính phủ không phớt lờ hoặc xem nhẹ tình trạng giảm giá của đồng RM. Ông nói thêm, Ngân hàng hàng trung ương Malaysia (BNM) đã được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ đồng RM. Và về phía chính phủ, ông Anwar nhấn mạnh, các bộ ngành liên quan đang họp hàng ngày để giải quyết vấn đề tỷ giá của đồng RM.

BNM cho rằng đồng RM giảm giá mạnh chủ yếu là do các yếu tố bên ngoài. Thống đốc BNM, Abdul Rasheed Ghaffour, cho biết, với xuất khẩu cải thiện, du lịch phục hồi, đầu tư tăng và cam kết cải cách cơ cấu của chính phủ, hầu hết các nhà phân tích đều dự báo đồng RM sẽ tăng giá trong năm nay. Năm ngoái, chính phủ Malaysia phê duyệt lượng đầu tư cao kỷ lục 329,5 tỉ RM (gần 69 tỉ đô la Mỹ) liên quan đến hơn 5.000 dự án, trong đó, đầu tư nước ngoài chiếm 57,2%.

S&P Global Ratings dự báo đồng RM sẽ tăng giá 9% vào cuối năm nay và cho rằng đồng tiền yếu không gây rủi ro cho triển vọng xếp hạng tín dụng của Malaysia vì nước này có dự trữ ngoại hối đầy đủ và thặng dư tài khoản vãng lai ổn định.

Bộ trưởng Thương mại Malaysia Zafrul Abdul Aziz. khẳng định, các mục tiêu thương mại và đầu tư của Malyasia trong năm 2024 vẫn có thể đạt bất chấp đồng tiền giảm giá. Dữ liệu công bố tuần trước cho thấy GDP của quốc gia Đông Nam Á này tăng 3,7% vào năm 2023, thấp hơn mức dự báo 3,8% của chính phủ Malaysia và giảm mạnh từ mức cao nhất trong 22 năm là 8,7% vào năm 2022. BNM dự kiến tăng trưởng kinh tế của đất nước sẽ đạt 4-5% trong năm 2024.

CNA, Bloomberg, Borneo Bulletin

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nhap-khau-malaysia-lo-lang-khi-dong-ringgit-roi-xuong-muc-thap-nhat-26-nam/