Doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ nguồn lực chuyển sang kinh tế tuần hoàn

Tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế lớn đã có mô hình kinh tế tuần hoàn, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không có đủ nguồn lực chuyển sang kinh tế tuần hoàn. Các chuyên gia cho rằng trước hết, cần rà soát quy định pháp luật liên quan, nếu phát hiện quy định nào không tạo thuận lợi hoặc cản trở kinh tế tuần hoàn thì bãi bỏ ngay.

 Lễ ra mắt cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" và tọa đàm về những giải pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Lễ ra mắt cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" và tọa đàm về những giải pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Tại tọa đàm những giải pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng nay (21/9), TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí, nhấn mạnh phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã chỉ rõ "khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất".

Các nội dung về kinh tế tuần hoàn được thể chế hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 20220 và Nghị định số 08/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020.

Đặc biệt, Đề án "Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 đã xác định, cần "tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội".

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Anh Tuấn, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, xu hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn ở nước ta ngày càng thể hiện rõ và đã xuất hiện những mô hình thực tiễn sinh động.

Tuy nhiên, để kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế - chính sách và có các giải pháp căn cốt hơn nữa để thúc đẩy phát triển và lan tỏa rộng rãi mô hình kinh tế này.

Về kiến nghị chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói rằng không có đạo luật nào riêng về kinh tế tuần hoàn mà các cơ chế chính sách sẽ nằm nhiều ở các quy định khác, các chính sách đầu tư khác. Cá nhân ông cho rằng, trước hết cần rà soát quy định pháp luật liên quan, nếu phát hiện quy định nào không tạo thuận lợi hoặc cản trở kinh tế tuần hoàn thì bãi bỏ ngay.

"Đây có thể là giải pháp quan trọng. Trước khi có chính sách ưu đãi, thúc đẩy thì rà soát các quy định cản trở đã là hành động thiết thực. Điểm thứ 2 hiện nay là nhiều quy chuẩn. Vì vậy, nếu rà soát tiêu chuẩn sản phẩm, việc quá chi tiết, cứng nhắc sẽ làm doanh nghiệp khó thay đổi, sáng tạo để phù hợp kinh tế tuần hoàn. Nên rà soát để làm sao có quy định những gì có hại doanh nghiệp không được làm còn lại doanh nghiệp có thể tự chủ", Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất.

GS.TSKH.Nguyễn Mại nhận định kinh tế tuần hoàn không phải vấn của riêng Việt Nam mà chung của thế giới. Tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế lớn đã có mô hình kinh tế tuần hoàn, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không có đủ nguồn lực chuyển sang kinh tế tuần hoàn.

"Do vậy cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, cần điều tra, khảo sát lý do những doanh nghiệp muốn chuyển sang kinh tế tuần hoàn nhưng quá trình lại chậm và khó khăn. Còn đối với người dân, họ cũng đã có ý thức tự giác trong việc bảo vệ môi trường, tái chế nhựa.. Tuy vậy, số lượng người dân hiểu về kinh tế tuần hoàn rất hạn chế. Vì vậy, các cấp ban ngành cần tham gia tuyên truyền nâng cao quan điểm, nhận thức cho người dân về kinh tế tuần hoàn", GS.TSKH.Nguyễn Mại bày tỏ.

Ngày 21/9, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong". Đây là một sáng kiến và nỗ lực tiếp theo nhằm phổ biến kiến thức, khuyến nghị chính sách và tạo đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" dày 540 trang khổ lớn, xuất bản song ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh, đăng tải nhiều bài viết, công trình nghiên cứu của các tác giả là các nhà quản lý, các chuyên gia có uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các tác giả như GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ĐTNN; PGS.TS. Phạm Văn Lợi, Viện trưởng, Viện Khoa học Môi trường, Bộ TN&MT; Ths. Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW; PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT; ông David David Riddle, Tổng giá đốc điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát… đã phân tích sâu những vấn đề cơ bản về kinh tế tuần hoàn, xu hướng và đòi hỏi bức thiết phát triển kinh tế tuần hoàn, chỉ ra thực trạng, cơ hội và thách thức phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn của các nước và mô hình kinh tế tuần hoàn của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, qua đó đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở nước ta.

Lệ Chi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-khong-du-nguon-luc-chuyen-sang-kinh-te-tuan-hoan-20180504224289151.htm