Doanh nghiệp nông nghiệp cần làm gì để hút 'vốn xanh'?

Nhìn từ việc PAN Group hay gạo A An nhận được các cam kết hỗ trợ tài chính xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế, để thấy đó cũng là động lực cho các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam trong việc hút dòng 'vốn xanh'. Điều quan trọng là họ cần thỏa mãn các điều kiện về tín dụng xanh và nên xem đây vừa là cơ hội để chỉnh sửa, đổi mới quy trình theo yêu cầu 'xanh' và vừa thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong thượng tuần tháng 12/2023, CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group - một doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp) cho biết là họ đã ký biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhằm hợp tác triển khai các giải pháp và dịch vụ tài chính ESG.

Động lực tiếp cận tài chính xanh

Theo đó, phía Standard Chartered sẽ hỗ trợ PAN Group trong việc tiếp cận các giải pháp và dịch vụ tài chính dựa trên các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp (“ESG”) nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp bền vững. Chẳng hạn như phát triển dây chuyền sản xuất hạt điều, thúc đẩy sản phẩm nuôi trồng thủy sản có giá trị gia tăng, và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Các DN làm nông nghiệp nên biến áp lực hút “vốn xanh” thành việc đổi mới quy trình sản xuất để vừa nâng cao vị thế DN và vừa có được các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững.

Tương ứng, các dự án trong chương trình hỗ trợ này cần đáp ứng các tiêu chí và tuân thủ khung tài chính bền vững, cũng như nguyên tắc cho vay xanh hoặc nguyên tắc trái phiếu xanh.

Nhìn vào sự hợp tác giữa một tổ chức tài chính với các dự án nông nghiệp xanh thông qua các giải pháp tài chính ESG của PAN Group để thấy đó cũng là động lực cho các doanh nghiệp (DN) làm nông nghiệp ở Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường tài chính xanh, hay còn gọi nôm na là dòng “vốn xanh”, từ đó đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải, trung hòa carbon đã được Chính phủ cam kết mạnh mẽ.

Như hồi trung tuần tháng 11/2023, IFC, một tổ chức tài chính là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), đã ký kết một thỏa thuận với CTCP Lương thực A An (chủ thương hiệu gạo A An) - thành viên của CTCP Tập đoàn Tân Long, một DN kinh doanh nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam, để giúp phát triển chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, phát thải thấp, chất lượng cao và bền vững.

Thông qua việc hỗ trợ này, cũng có thể được xem là dòng “vốn xanh” sẽ giúp cho hàng nghìn nông dân trồng lúa và nhà máy xay xát lúa gạo áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm, giảm tỷ lệ hư hại và thất thoát, và thực hành các biện pháp trồng lúa phát thải thấp hơn. Nhờ đó, chi phí sản xuất có thể giảm tới 15% và tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch giảm xuống một nửa, dưới 8% vào năm 2030.

Ông Riccardo Puliti, Phó Chủ tịch IFC Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, nói rằng việc nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua cải thiện sản xuất, giảm thất thoát và nâng cao tính an toàn, chất lượng và bền vững sẽ là yếu tố quan trọng để giúp ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Theo Puliti, bằng cách hỗ trợ nguồn tài chính xanh cho các DN nông nghiệp của Việt Nam phát triển các hệ thống lương thực thực phẩm xanh hơn, năng suất cao hơn và thích ứng với biến đổi khí hậu, sẽ không chỉ giúp củng cố chuỗi cung ứng lương thực của Việt Nam mà còn góp phần giảm phát thải từ nông nghiệp, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cơ hội chỉnh sửa, đổi mới quy trình

Từ việc hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế như vậy, có thể thấy cơ hội của các DN làm nông nghiệp ở Việt Nam tiếp cận các dòng “vốn xanh” là rất quan trọng. Nhất là khi cả nước hiện có khoảng trên 50.000 DN đầu tư vào nông nghiệp.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, lĩnh vực nông nghiệp xanh là một trong năm lĩnh vực ở Việt Nam nên ưu tiên nguồn vốn tín dụng xanh.

Bởi vì đây là lĩnh vực có tương tác với môi trường và tài nguyên thiên nhiên, có tiềm năng đóng góp tích cực vào việc hấp thụ khí nhà kính và bảo vệ môi trường bền vững hơn.

Không chỉ vậy, thị trường tín chỉ carbon cũng được xem là cơ hội thu hút dòng “vốn xanh” cho các DN nông nghiệp. Ông Jean Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch phụ trách chính sách Eurocham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam), cho rằng là một quốc gia có gần 15 triệu ha rừng, ngành lâm nghiệp Việt Nam có thể tạo ra doanh thu từ thị trường tín chỉ carbon.

Như lưu ý của ông Bouflet, để phát triển thị trường carbon, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi tín dụng, bù đắp. Cũng cần nâng cao nhận thức và đào tạo nâng cao năng lực cho các DN để chuẩn bị tốt cho thị trường tín chỉ carbon.

Còn theo Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của CTCP thực phẩm Sao Ta (một DN ở ngành hàng thủy sản), Chính phủ nên sớm có cơ chế, chính sách hình thành thị trường tín chỉ carbon cũng như cơ chế, chính sách biến kho hàng tiềm tàng với gần 15 triệu hecta rừng thành hàng hóa có quản lý chặt chẽ và minh bạch. Đây là cái “kho” vô cùng lớn cất chứa các chứng chỉ carbon.

Ông Lực cho rằng khi mở cái “kho” này tiêu thụ hàng hóa bên trong sẽ thu về khoản tiền không nhỏ. Nguồn thu này góp phần phục hồi, phát triển rừng, nhưng đồng thời đây cũng là nền tảng xây dựng con đường thêm vững chắc kết nối với thị trường EU và các thị trường lớn khác sau này.

Ngoài ra, để thu hút “vốn xanh” ngay từ các ngân hàng TMCP trong nước, các DN nông nghiệp cũng cần “đọc” được “khẩu vị” của các ngân hàng này. Đó là các gói tín dụng xanh của các ngân hàng thường mạnh dạn dành cho những DN làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đi theo chuỗi.

Hơn thế nữa, để thỏa mãn các điều kiện về tín dụng xanh thì các DN làm nông nghiệp cũng nên xem đây là cơ hội để chỉnh sửa đổi mới quy trình nhằm tương thích theo yêu cầu “xanh” của các tổ chức tài chính.

Theo giới chuyên gia, các DN nên biến áp lực hút “vốn xanh” thành việc đổi mới quy trình sản xuất nông nghiệp để vừa giúp nâng cao vị thế DN cũng như có được các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhất là khi việc đổi mới quy trình không chỉ cho phép các DN nắm bắt và áp dụng kiến thức hoặc bí quyết mới vào các quy trình sản xuất nông nghiệp hiện có, mà còn thúc đẩy cho lĩnh vực nông nghiệp xanh ở Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-nong-nghiep-can-lam-gi-de-hut-von-xanh-1097010.html