Doanh nghiệp Việt đua nước rút trên thị trường giao nhận

Thương mại điện tử bùng nổ trong vài năm qua đã làm cho thị trường dịch vụ chuyển phát, giao hàng trở nên sôi động. Đây cũng là lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước có cơ hội và lợi thế để phát triển trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt của thương mại trực tuyến.

Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh của Viettel Post. Ảnh: DNCC

Đầu tư công nghệ để giảm giá thành và thời gian giao hàng

Thay vì sử dụng nhân lực để chia chọn hàng hóa, nhằm nâng cao năng suất, vào giữa tháng một này, Viettel Post đã đưa 200 robot vào hoạt động để phân loại, chia chọn hàng trăm nghìn bưu phẩm trước khi chúng được vận chuyển đến tay khách hàng. Các robot này nằm trong tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh được doanh nghiệp này đầu tư tại khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội.

Đây là tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam. Viettel Post sử dụng công nghệ robot hiện đại tương tự như nhiều đơn vị lớn trên thế giới như China Post, Amazon… sử dụng để chia chọn các loại hàng hóa.

Tổ hợp này có hơn 40 cổng xuất/nhập hàng, gần 1.200 cổng chia và có công suất xử lý lên đến 1.400.000 bưu phẩm/ngày, tăng 40% so với trước đây, giúp nâng mức chịu tải toàn hệ thống Viettel Post lên 4.000.000 bưu phẩm/ngày – tương đương đáp ứng 50% dung lượng thương mại điện tử tại Việt Nam. Việc đưa vào vận hành tổ hợp này giúp rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình của Viettel Post từ 8-10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng. Nhờ tự động hóa, tổ hợp cũng giúp tối ưu 60% chi phí nhân sự.

Cung cấp thông tin tại lễ khai trương tổ hợp trên, ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post kỳ vọng thời gian tới mức tăng trưởng hằng năm lĩnh vực chuyển phát của công ty này sẽ tăng 3-4 lần. Mục tiêu 5 năm tới, doanh số gấp 10 lần so với năm 2023.

Việc đưa vào vận hành tổ hợp chia chọn trên là một trong những nỗ lực đầu tư của Viettel Post để trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường chuyển phát, giao nhận. Theo Vietnam Report, top 5 công ty uy tín ngành chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối tại Việt Nam năm 2023 gồm: Viettel Post, Vietnam Post, Hợp Nhất (HNC), Netco Post, 247Express.

Trước Viettel Post, SPX, đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận cho các nền tảng TMĐT và nhà bán hàng, doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến trong tháng 9-2023 cũng đưa vào hoạt động một trung tâm phân loại hàng hóa tự động tại Bắc Ninh với diện tích lớn lên đến 100.000m2. Đây được coi là trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất của công ty này trong khu vực, với sự tự động hóa cao, có khả năng xử lý đến 2,5 triệu bưu kiện hàng hóa mỗi ngày sau giai đoạn 1 và dự kiến đạt 5 triệu bưu kiện mỗi ngày ở giai đoạn 2.

Tại buổi lễ khánh thành trung tâm phân loại hàng tự động của SPX, bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX Express (đơn vị vận chuyển thuộc Shopee), cho biết, trung tâm phân loại mới này giúp gia tăng tốc độ và độ chính xác trong quá trình xử lý và phân loại hàng hóa, các bưu kiện được chia chọn một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó, cải thiện tốc độ giao vận và nâng cao hiệu suất hoạt động.

Vietnam Post cũng là đơn vị đã triển khai giải pháp phân loại hàng tự động từ hai năm nay. Ngoài ra, cuối năm 2023 Vietnam Post và ADELA còn triển khai trạm giao nhận thông minh. Theo đó, Vietnam Post cung cấp giải pháp tủ phát hàng tự động Post Smart, hình thành hệ thống rạm giao nhận thông minh – đóng vai trò như một “trợ lý trung gian” thay người nhận nhận hàng và lưu trữ an toàn trong khoảng thời gian đợi lấy hàng. Đây là phương thức giao, nhận hàng hóa theo phương thức phù hợp hơn với thời đại công nghệ số.

Thông qua hệ thống các trạm giao nhận thông minh của Bưu điện Việt Nam tại sảnh chung cư, tòa nhà văn phòng, các khu vực công cộng và bưu cục của Vietnam Post, người dân, khách hàng trên địa bàn có thể nhận, gửi hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện, an toàn 24/7 mà không phụ thuộc vào lịch hoạt động của bưu cục hay thời gian giao hàng của bưu tá/shipper.

Trong những trường hợp không thể nhận hàng, người nhận có thể yêu cầu bưu tá/shipper gửi hàng vào trạm giao nhận thông minh – bằng cách nhập số điện thoại người nhận tại màn hình cảm ứng, ô tủ sẽ tự động mở để bưu tá/shipper cất hàng. Đồng thời người nhận sẽ nhận được tin nhắn SMS thông báo mã số mở ô tủ chứa hàng. Người nhận chỉ cần nhập mã, thực hiện thanh toán trực tuyến để nhận hàng. Mức phí được áp dụng là 3.400 đồng cho 12 giờ lưu trữ tại tủ.

Bằng cách này, người nhận sẽ hoàn toàn chủ động động trong việc sắp xếp thời gian lấy hàng sao cho thuận tiện nhất với lịch trình cá nhân và không lo ngại các bất cập như lấy nhầm, thất lạc, mất đơn hàng như việc nhờ lễ tân/bảo vệ tại chung cư, tòa nhà văn phòng… nhận hộ khi không thể nhận hàng trực tiếp.

Trạm giao nhận thông minh cũng là “trợ thủ đắc lực” giúp bưu tá/shipper nâng cao tỉ lệ giao hàng thành công, giảm thiểu trình trạng giao lại đơn hàng nhiều lần, đảm bảo tiến độ giao hàng và chủ động hơn về mặt thời gian, từ đó nâng cao hiệu suất giao hàng.

Còn ý kiến trái chiều về giá cước chuyển phát, giao nhận

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Vụ Bưu Chính được tổ chức vào giữa tháng một này, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết, năm 2023, doanh thu lĩnh vực bưu chính ước đạt gần 59.000 tỉ đồng, ước tính đóng góp hơn 29.400 tỉ đồng vào GDP; sản lượng bưu chính chuyển phát ước đạt hơn 2.400 triệu bưu gửi.

Đến cuối năm 2023, tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính là 720, số điểm phục vụ bưu chính khoảng 23.700. Năm 2023, Việt Nam đã tăng 1 hạng theo xếp hạng chỉ số phát triển bưu chính, từ nhóm 5 lên nhóm 6.

Cùng với sự phát triển của thị trường chuyển phát giao nhận, vài năm gần đây số lượng các doanh nghiệp tham gia thị trường này càng nhiều, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp startups. Doanh thu dịch vụ bưu chính tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2019 – 2023, trung bình trên 20%/năm. Tính đến hết năm 2023, thị trường bưu chính có số doanh nghiệp tham gia gấp hơn 2 lần so với năm 2017.

Để cạnh tranh, thu hút khách hàng, trụ lại thị trường, không thể thiếu cuộc “đua” về giảm giá. Tại diễn đàn doanh nghiệp bưu chính năm 2023 lần đầu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuối năm 2023 vấn đề cạnh tranh về giá cước vận chuyển và liệu có nên quy định về giá sàn hay không đã được đặt ra.

Tại diễn đàn trên, ông Nguyễn Đắc Luân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính cho hay với sự tham gia của hơn 700 doanh nghiệp bưu chính tại Việt Nam đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt dẫn đến việc giảm giá thường xuyên – khuyến mại với giá giảm sâu để cạnh tranh thu hút khách. Đồng thời, pháp luật chưa quy định khung giá thấp nhất cho hoạt động bưu chính, trong đó có hoạt động chuyển phát cho thương mại điện tử.

Giá cước dịch vụ bưu chính trên thị trường của một số doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thấp hơn giá thành của các doanh nghiệp bưu chính có mạng lưới lớn trong nước. Việc mất cân bằng về giá dịch vụ giữa doanh nghiệp bưu chính trong nước và nước ngoài gây ra không ít hệ lụy, trong đó có thể kể đến nguy cơ thị phần bưu chính trong nước sẽ bị thâu tóm. Sự bắt tay của các sàn thương mại điện tử và các hãng chuyển phát nước ngoài có thể dẫn đến nguy cơ thị trường bị thống lĩnh cả về mặt hàng hóa lẫn dịch vụ hậu cần.

Cũng tại diễn đàn trên, bà Hà Thị Hòa, Trưởng ban Dịch vụ Bưu chính của Vietnam Post cũng cho biết, đang có sự cạnh tranh không lành mạnh về giá cước vận chuyển thương mại điện tử trong lĩnh vực bưu chính. Theo đó, chính sách giá của một số doanh nghiệp bưu chính có yếu tố nước ngoài thấp hơn giá thành của các doanh nghiệp nội địa như Vietnam Post, ViettelPost. Điều này khiến doanh nghiệp trong nước phải liên tục giảm giá cước và khiến cho tỉ suất lợi nhuận của ngành này rất thấp, chỉ khoảng 3%.

Bà Hòa cho hay trước bối cảnh trên, Vietnam Post liên tục triển khai các chiến dịch rà soát, tổ chức sản xuất nâng cao chất lượng. Đồng thời, cũng thường xuyên rà soát, tổ chức sản xuất, tối ưu nguồn lực, cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm mang lại giá trị tốt nhất cho các khách hàng.

Đại diện cho một doanh nghiệp nước ngoài, có tham khảo chính sách quản lý từ các thị trường khác nhau, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Ninjavan cho rằng, để tạo nên tính bền vững lâu dài của giao hàng trong thương mại điện tử, cần xác lập cơ chế giá sàn để giúp ngăn chặn cuộc chiến về giá giành thị phần.

Trái ngược quan điểm với các ý kiến nêu trên, cũng tại diễn đàn, đại diện J&T Express cho biết, đây là vấn đề cần phải cân nhắc, bởi liệu việc này có bảo vệ được người tiêu dùng hay không. Hiện nay, cơ cấu giá thành vận chuyển trong lĩnh vực thương mại điện tử đang giảm rất nhanh 10-20%/năm, thậm chí Trung Quốc giảm 30%/năm, vì vậy, đưa ra giá sàn thì rất có thể sẽ không theo kịp so với tốc độ giảm giá thành của thị trường.

Cùng chung quan điểm trên, ông Lê Thanh Hoài, giám đốc điều hành của SuperShip cũng cho rằng, nếu quy định về giá thấp nhất sẽ vi phạm nội dung về luật cạnh tranh. Do đó nên để thị trường quyết định đơn vị nào tốt hơn, tối ưu hơn thì người dùng sẽ chọn.

Còn người đại diện Giao Hàng Nhanh tại diễn đàn đó cũng bày tỏ lo ngại việc áp dụng giá sàn sẽ rất khó cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Bởi những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường muốn có khách hàng thì phải có mức giá tốt.

Phân tích kĩ hơn, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Logistics, Lazada Việt Nam, cho rằng, nếu như ở các lĩnh vực khác nhanh, rẻ và tốt ít khi đi cùng nhau, thì trong thương mại điện tử phải thực hiện được việc này. Chính vì thế, cần tối ưu hóa giá thành thông qua quy trình vận hành, sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại như áp dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo để tối ưu hiệu suất… Khi doanh nghiệp tối ưu vận hành sẽ tạo ra ưu thế cạnh tranh về giá, đây là điều mà các doanh nghiệp vận chuyển cần hướng tới.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX Express cũng cho rằng, trong ngành Logistics thì chỉ có 2 vấn đề là chất lượng dịch vụ và chi phí. Hai thứ này cần đi đôi với nhau.

Trước các quan điểm trái chiều nêu trên, ông Ngô Đức Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho rằng giá dịch vụ hợp lý cho người tiêu dùng luôn được khuyến khích. Câu chuyện cạnh tranh về giá không bao giờ tốt. Song việc quy định giá sàn chưa chắc khả thi và nhiều nước trên thế giới hiện nay đang để thị trường tự phát triển.

Robot tự động được doanh nghiệp chuyển , giao nhận triển khai để tăng năng suất. Ảnh: DNCC

Kỳ vọng vào sự điều chỉnh khung chính sách

Theo bà Hà Thị Hòa, Vietnam Post, một trong những vướng mắc hiện nay trong lĩnh vực bưu chính đó là chưa có hệ thống quy phạm pháp luật quản lý đồng bộ, toàn diện hoạt động chuyển phát, vận chuyển hàng hóa. Các quy phạm pháp luật về bưu chính rải rác nhiều bộ ngành chưa theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử. Điều này dẫn đến việc quy định luật pháp chưa theo kịp và tồn tại nhiều lỗ hổng về pháp lý. Luật Bưu chính ra đời từ năm 2010 từ lức thương mại điện tử chưa phát triển.

Ông Nguyễn Đắc Luân cũng cho biết, hiện nay, chưa có hệ thống quy phạm pháp luật quản lý đồng bộ, toàn diện hoạt động chuyển phát, vận chuyển hàng hóa, hoạt động thương mại điện tử. Các quy phạm pháp luật đang nằm rải rác tại văn bản khác nhau của các bộ, ban, ngành. Cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét và xây dựng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bưu chính. Đặc biệt là cần có văn bản riêng quản lý hoạt động kinh doanh và hậu cần cho thương mại điện tử.

Giải đáp các kiến nghị trên tại diễn đàn, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết, trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành sửa đổi Luật Bưu chính và sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp.

Tại hội nghị tổng kết 2023 của Vụ Bưu Chính, bà Trần Thị Nhị Thủy Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho rằng hiện Luật Bưu chính năm 2010 không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của lĩnh vực này. Do đó Vụ Bưu chính cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các nội dung công việc liên quan đến lập đề nghị, trình xem xét ban hành Luật Bưu chính (sửa đổi) trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại hội nghị trên, ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Vụ Bưu chính phải xác định việc xây dựng Luật Bưu chính (sửa đổi) là ưu tiên hàng đầu trong năm nay và phải làm sớm, với thời hạn tháng 2-2024 phải báo cáo Bộ trưởng về nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, ông Phương còn lưu ý Vụ Bưu chính một số việc như: sớm công bố kết quả đánh giá, xếp hạng chất lượng doanh nghiệp bưu chính năm 2023; phối hợp chặt chẽ cùng Thanh tra Bộ giải quyết dứt điểm câu chuyện giấy phép bưu chính bị sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, cần triển khai sớm Cổng thông tin và dữ liệu bưu chính…

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-viet-dua-nuoc-rut-tren-thi-truong-giao-nhan/