Độc đáo ấn Rồng gốm dát vàng lấy cảm hứng từ ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo'

Những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024, những người thợ gốm tài hoa làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) lại miệt mài bên xưởng gốm, tỉ mỉ chế tác ra những sản phẩm độc đáo mang hình tượng rồng, linh vật của năm Giáp Thìn.

Đặc biệt trong đó là phiên bản ấn Rồng gốm dát vàng, được lấy cảm hứng từ bảo vật ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Đã hơn 40 năm gắn bó với nghề làm gốm sứ, nghệ nhân Phạm Việt Khoa (60 tuổi) cho biết, để tạo ra sản phẩm ấn rồng hoàn chỉnh vô cùng kỳ công, từ khâu dựng bản thiết kế theo ý tưởng, sau đó đến tạo khuôn từng phần nhỏ, đúc khuôn các chi tiết, chỉnh sửa, lắp ghép các bộ phận của ấn, đắp rồng, tráng men, nung lần một, vẽ dát vàng và sau đó chuyển đến nung lần 2.

Nghệ nhân Phạm Việt Khoa tỉ mẩn khắc họa từng đường nét chi tiết để tạo nên một tác phẩm ấn rồng hoàn chỉnh

Nghệ nhân Phạm Việt Khoa tỉ mẩn khắc họa từng đường nét chi tiết để tạo nên một tác phẩm ấn rồng hoàn chỉnh

Bằng những công cụ thô sơ, người thợ thủ công Bát Tràng thể hiện nét tài hoa khi khắc họa từng đường nét chi tiết một cách tinh tế, tỉ mỉ qua khâu tạo hình bằng đất sét. Sau khi hoàn thiện công đoạn này, các nghệ nhân sẽ sử dụng vàng pha dạng lòng để vẽ cặn kẽ từng đường nét trên sản phẩm. Tiếp đó, ấn rồng sẽ được đưa vào lò nung từ 6-8 tiếng để đạt được độ sắc sảo, đẹp mắt.

Với ông Khoa, tạo hình từ đất sét là công đoạn khó và quan trọng nhất, bởi để tạo ra sản phẩm có hình dáng đúng theo mẫu yêu cầu đòi hỏi nhiều yếu tố. Nghệ nhân không chỉ cần có tay nghề cao, mà phải thật cẩn thẩn và chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ. Một sản phẩm ấn rộng sau khi hoàn thiện phải có độ sáng đều của vàng, không có vết cháy và nét vẽ phải liền mạch. Trên 3 mặt sản phẩm có 3 chữ An - Thuận - Phát, mặt còn lại được điêu khắc cá chép hóa rồng, mang ý nghĩa phát triển, vượt qua mọi khó khăn và thu hút vận may, tài lộc về mình.

Tạo hình từ đất sét là công đoạn khó và quan trọng nhất bởi nghệ nhân không chỉ cần có tay nghề cao, mà còn phải thật cẩn thận, chỉn chu từng chi tiết nhỏ

Tạo hình từ đất sét là công đoạn khó và quan trọng nhất bởi nghệ nhân không chỉ cần có tay nghề cao, mà còn phải thật cẩn thận, chỉn chu từng chi tiết nhỏ

Cùng tại cơ sơ sản xuất nơi ông Khoa làm việc, chị Nguyễn Thị Thơ (30 tuổi), cho biết, mỗi ngày, cơ sở sẽ cho ra lò khoảng 20 sản phẩm thô trước khi đem đi nung. Thời gian thực hiện từng công đoạn tạo ra ấn rồng là khác nhau, và không phải chiếc ấn nào ra đời cũng ngay lập tức đạt tiêu chuẩn. Nếu chẳng may có những chiếc bị lỗi, đội ngũ nghệ nhân sẽ phải bỏ công sức miệt mài ngày đêm làm lại. Và chỉ những chiếc ấn nào không bị nứt chân, màu men lên đẹp mới chuyển sang công đoạn "họa vàng".

Phó Chủ Tịch Hiệp hội Gốm sứ Gia tộc Việt Nam Nguyễn Văn Lực, người lên ý tưởng và đặt hàng các nghệ nhân Bát Tràng thực hiện "Kỳ linh Giáp Thìn" cho biết, nhiều năm gần đây, xu hướng tìm và chọn mua các mua các mẫu tượng linh vật để trưng bày trong nhà vào dịp Tết Nguyên Đán được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhiều người mua cho rằng, tượng hay các đồ trang trí in hình linh vật không những giúp không gian bày trí sang trọng, đẹp mắt mà theo phong thủy còn mang đến tài lộc, may mắn. Chính bởi vậy, anh Lực và các nghệ nhân đã nghiên cứu trong vòng 3 tháng, chế tác ra tác phẩm được lấy cảm hứng từ ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn, một bảo vật của Việt Nam.

Tác phẩm "Kỳ linh Giáp Thìn" được lấy cảm hứng từ ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn, một bảo vật của Việt Nam.

Tác phẩm "Kỳ linh Giáp Thìn" được lấy cảm hứng từ ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn, một bảo vật của Việt Nam.

Hình tượng rồng trên ấn được khơi nguồn sáng tạo từ rồng thời Lê ngự tại Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long - một trong những hình tượng rồng thuần Việt đẹp và gần gũi với con người Việt Nam. Năm nay cũng là năm đầu tiên, đội ngũ của anh Lực thử nghiệm công nghệ họa vàng trên ấn rồng để vừa tạo được độ sang quý, vừa giữ được độ bền cho sản phẩm.

Hiện tại, "Kỳ linh Giáp Thìn" luôn trong tình trạng "cháy hàng", mỗi sản phẩm bán ra đều có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Giá thành mỗi sản phẩm linh vật rồng được chào bán với mức giá 8.000.000 - 12.000.000 đồng (tùy theo phiên bản, màu sắc).

Tin và ảnh: Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/doc-dao-an-rong-gom-dat-vang-lay-cam-hung-tu-an-vang-hoang-de-chi-bao-i357761/