Độc đáo làng nghề tạc tượng hơn 600 năm tuổi

Làng Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) có lịch sử hình thành và phát triển trên 600 năm. Làng nghề được duy trì qua bao thăng trầm nhờ phương thức 'cha truyền, con nối' và 'cầm tay, chỉ việc'.

Ông Nguyễn Văn Tươm và một sản phẩm tượng gỗ của mình. Ảnh: P.Thanh.

Ông Nguyễn Văn Tươm và một sản phẩm tượng gỗ của mình. Ảnh: P.Thanh.

Những người “thổi” hồn vào gỗ

Ông Phạm Văn Ngọc - Chủ tịch UBND xã Đồng Minh cho biết: Nghề truyền thống tạc tượng bắt đầu hình thành từ khoảng cuối thế kỷ XIV tại làng Bảo Hà. Thời kỳ phong kiến, làng tạc tượng Bảo Hà sản sinh ra nhiều tài năng, được triều đình trọng dụng.

Trải qua thăng trầm lịch sử, có thời kỳ người thợ làng Bảo Hà phải lang thang phiêu bạt kiếm sống. Nghề tạc tượng đã có lúc bị mai một. Đến cuối thế kỷ 20, nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước nên làng nghề tạc tượng dần được khôi phục. Những người thợ lại có dịp trổ tài chạm khắc gỗ, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật để đời. Nổi tiếng nhất là cụ Đào Trọng Đạm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân tạc tượng.

Năm 2007, làng nghề Bảo Hà đã được UBND TP Hải Phòng công nhận là “Làng nghề điêu khắc gỗ, sơn mài Bảo Hà”. Với tổng số 973 hộ, 3.560 nhân khẩu, nghề tạc tượng tạo việc làm ổn định và thu nhập khá cho 81 hộ chuyên với 128 lao động và 110 hộ không chuyên với 116 lao động.

Bằng sự thông minh, nhạy bén, người thợ làng Bảo Hà không chỉ tạo nên những tác phẩm theo lối cổ truyền, giữ nguyên hồn cốt thuần Việt mà còn sáng tạo mảng tạc tượng truyền thần, được nhiều người khen ngợi, tán thưởng.

Gắn bó với nghề tạc tượng hơn nửa đời người, ông Nguyễn Văn Tươm (64 tuổi, nghệ nhân làng Bảo Hà) còn nhớ như in những ngày theo học lớp đào tạo nghề do cụ Đào Trọng Đạm trực tiếp chỉ dạy. “Nhìn các thao tác tạc tượng tưởng chừng đơn giản, nhưng thực chất, để tạo nên một tác phẩm chân thật, gần gũi với đời sống đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu, tính sáng tạo và kiên trì rèn luyện tay nghề. Tạc tượng đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ, nếu không kiên trì thì rất khó” - ông Tươm chia sẻ.

Khi nhận đơn đặt hàng, người thợ phải suy nghĩ, phác thảo tư thế, kích thước, kiểu dáng theo yêu cầu của khách hàng. Khâu quan trọng đầu tiên trong quy trình tạc tượng là lựa chọn gỗ tốt, có độ bền cao. Trong các loại gỗ, người thợ làng Bảo Hà rất thích gỗ mít bởi độ mềm mại, không cong vênh, ít mối mọt, giá thành rẻ và có thể chuyển từ màu vàng sáng sang màu đỏ sẫm theo thời gian. Đặc biệt, loại gỗ này còn có mùi thơm nhẹ tự nhiên, tạo thêm nét độc đáo cho các sản phẩm.

Lựa chọn được loại gỗ ưng ý, người thợ bắt tay vào các công đoạn đẽo, gọt tỉ mỉ từng phần rồi chắp ghép các bộ phận của tượng lại với nhau. Một trong những vật dụng không thể thiếu, được ví như sinh mệnh của người thợ là những chiếc đục. Trung bình, một người thợ phải có ít nhất 15 chiếc đục, thường xuyên được mài dũa cẩn thận để duy trì độ sắc bén, vì như vậy mới có thể thực hiện được các chi tiết nhỏ nhất trên tượng.

Tượng được đục đẽo thành hình hài, chuyển qua công đoạn sơn vẽ. Sau khi khò cho cháy hết những dằm gỗ thừa, làm nhẵn bề mặt bằng giấy ráp, tượng tiếp tục được phủ lên các lớp thếp bạc, lọng sơn và vẽ các chi tiết đặc biệt. Nước sơn chuẩn là loại sơn ta, được làm từ chất nhựa tiết ra từ cây sơn và pha trộn với bột màu tự nhiên.

Các sản phẩm tượng tại làng Bảo Hà khá đa dạng về mặt chủng loại, từ tượng Phật, tượng Thánh đến tượng nhân vật trong các vở chèo cổ, tượng con rối... Từ những khúc gỗ tưởng chừng như vô tri nhưng qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ Bảo Hà, những bức tượng trở nên có hồn cốt, mang khí chất và tính cách của từng nhân vật cần thể hiện.

Với tiềm năng sẵn có, từ năm 2005, làng nghề tạc tượng Bảo Hà trở thành một trong những điểm đến của “Chương trình du khảo đồng quê” của Hải Phòng. Ngoài nâng cao thu nhập, phát triển du lịch địa phương, chương trình còn góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống một cách hiệu quả.

Khó khăn tìm lớp kế cận

Ông Phạm Văn Ngọc cho biết, do là nghề truyền thống, việc đào tạo nghề tạc tượng chỉ theo hình thức “cha truyền, con nối” và “cầm tay, chỉ việc”. Phần lớn, người thợ không được đào tạo cơ bản. Nhận thức của họ về mỹ thuật, kỹ thuật, tiếp thị, thị trường... còn nhiều hạn chế. Công cụ sản xuất lạc hậu. Hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều bộ phận lớp trẻ không thiết tha với nghề của cha ông để lại, các lao động chủ yếu là người trung niên và cao tuổi. Làng nghề Bảo Hà chưa được tổ chức chặt chẽ, chưa có Ban quản lý, chưa có người đại diện.

Trước thách thức, để giữ gìn và phát huy truyền thống, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển làng nghề: Khuyến khích các hộ gia đình tham gia các cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài; phối hợp với các đơn vị như Liên minh Hợp tác xã, Trung tâm dạy nghề đào tạo nghề cho thế hệ lớp trẻ, nâng cao tay nghề người thợ.

Hiện, các hộ dân đang sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tại địa phương được vay vốn ngân hàng lãi suất thấp và không cần thế chấp. Tuy nhiên, vốn vay tối đa chỉ được 100 triệu đồng, trả trong vòng 5 năm. Nguyện vọng lớn nhất của các hộ dân là được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay hơn nữa để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ông Ngọc trăn trở: “Địa phương cũng đặt ra kế hoạch xây dựng khu sản xuất nghề nông thôn tập trung nhưng việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, về cơ chế thực hiện”.

H.Ngọc - P.Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doc-dao-lang-nghe-tac-tuong-hon-600-nam-tuoi-10279987.html