Đội hình chiến đấu tương lai của quân đội Mỹ

Nhằm chuẩn bị cho kịch bản chiến trường tương lai, quân đội Mỹ đang thử nghiệm xây dựng một lực lượng hỗn hợp giữa con người và máy móc.

Trong ngôi làng vắng vẻ, một máy bay không người lái (UAV) Ghost-X của công ty sản xuất quốc phòng Mỹ Anduril Industries tiếp cận những tòa nhà bằng gạch nung, chỉ tạo ra những âm thanh vo ve rất nhỏ từ cánh quạt. Nó dừng lại một lúc trước khi bay lên cao hơn và biến mất trong những đám mây. Một chiếc tương tự cũng theo sau. Với hình dáng chẳng khác nào trực thăng đồ chơi, song những UAV này lại là “đôi mắt” của một đơn vị bộ binh ẩn nấp trên các ngọn núi xung quanh, sẵn sàng tái chiếm ngôi làng hiện bị đối phương kiểm soát.

 Binh sĩ Mỹ được sự hỗ trợ của phương tiện mặt đất không người lái và chó robot tại cuộc diễn tập Project Convergence. Ảnh: Defense News

Binh sĩ Mỹ được sự hỗ trợ của phương tiện mặt đất không người lái và chó robot tại cuộc diễn tập Project Convergence. Ảnh: Defense News

Chưa dừng lại ở đó, một số thiết bị vũ trang được triển khai đồng loạt từ trên không và dưới mặt đất. Trong đó, chiếc UAV 8 cánh quạt vũ trang quần thảo trên bầu trời rồi thả 3 quả đạn cối treo ở dưới bụng xuống mái nhà, xong tiếp tục tung vài con robot trinh sát cỡ nhỏ Throwbot của hãng ReconRobotics xuống mặt đất nhằm bí mật len lỏi các ngõ ngách để cung cấp thông tin về địa hình, đối tượng. Cùng lúc, các phương tiện mặt đất không người lái (UGV) trang bị súng máy liên tục nã đạn để yểm trợ cho binh sĩ tiến vào làng. Đồng thời, một chú chó robot bước ra từ đám khói dày đặc, đóng vai trò như camera quan sát giúp người lính ở vòng ngoài có thể theo dõi trận chiến theo thời gian thực.

Thoạt nhìn, có vẻ đây là những phân cảnh của một bộ phim "bom tấn" Hollywood đang được thực hiện tại trường quay, song hoàn toàn không phải. Defense News nhấn mạnh, đó là hình ảnh trong cuộc diễn tập quy mô lớn Project Convergence (tạm dịch: Dự án Hội tụ) của lục quân Mỹ vừa diễn ra tại Trung tâm huấn luyện quốc gia ở Fort Irwin, bang California. Với hơn 240 sản phẩm công nghệ được triển khai, bao gồm nhiều thiết bị đến từ các nước đồng minh, cuộc diễn tập nhằm thử nghiệm hoạt động phối hợp tác chiến giữa con người và máy móc, qua đó tiến tới xây dựng đội hình hỗn hợp trong tương lai. “Thời gian tới, máy móc sẽ được tích hợp sâu rộng vào lực lượng của lục quân Mỹ, giúp giảm rủi ro đối với binh sĩ”, Defense News dẫn lời tướng James Rainey, người đứng đầu Bộ tư lệnh phụ trách kế hoạch tác chiến tương lai của lục quân Mỹ cho biết.

Trước đó, bản đề xuất ngân sách cho tài khóa 2025 của lục quân Mỹ đã lần đầu tiên yêu cầu được cấp kinh phí thực hiện kế hoạch xây dựng các lực lượng hỗn hợp giữa con người và robot (H-MIF). Giai đoạn đầu tiên dự kiến tiêu tốn khoảng 33 triệu USD, nhằm chế tạo mô hình thử nghiệm cũng như cho phép đánh giá mức độ hiệu quả của các sản phẩm đó trong diễn tập thực tế, bước đầu tạo ra năng lực phối hợp nhuần nhuyễn với máy móc và thiết bị quân sự cho những đội hình bộ binh hay thiết giáp trong biên chế lục quân Mỹ. Và cuộc diễn tập Project Convergence là một phần của nỗ lực trên.

Dù vậy, giới chuyên gia quân sự Mỹ lưu ý một số thách thức mà quân đội nước này phải đối mặt trong hiện thực hóa tham vọng xây dựng lực lượng hỗn hợp giữa con người và robot, bao gồm mức độ phát triển công nghệ, nguy cơ tấn công mạng, quy trình mua sắm lỗi thời, năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa... Dựa vào những đánh giá này, nhà phân tích Benjamin Jensen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho biết, ông lạc quan về kế hoạch trên, song cho rằng quá trình đó có thể kéo dài nhiều năm nữa trước khi đội hình chiến đấu mới được hoàn tất và triển khai. Lúc ấy, robot sẽ đảm nhiệm các vị trí nguy hiểm nhất trên chiến trường thay vì những binh nhì mới được huấn luyện cơ bản.

Các cuộc xung đột gần đây cho thấy, máy móc và công nghệ được ứng dụng trong chiến đấu ngày càng nhiều và từng bước khẳng định vai trò quan trọng của chúng bên cạnh lực lượng bộ binh. Với xu thế đó, nhiều loại thiết bị tự hành có thể tác chiến trên các môi trường khác nhau đang được một số cường quốc tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển và đưa vào biên chế như: UAV, UGV, phương tiện không người lái dưới nước (AUV)... nhằm giảm tổn thất sinh mạng binh sĩ, tăng khả năng và hiệu quả chiến đấu trên chiến trường. Ngoài chức năng trinh sát, giám sát, tìm kiếm, chỉ thị mục tiêu, những khí tài này còn thực hiện các chức năng tiến công, làm mồi nhử, nghi binh, gây nhiễu.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/doi-hinh-chien-dau-tuong-lai-cua-quan-doi-my-776996