Đổi mới hoạt động đo lường, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 'Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'. Căn cứ các quy định, chỉ đạo, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu triển khai nhiều giải pháp, góp phần hỗ trợ bảo đảm đo lường, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Nhiều kết quả tích cực
Xác định tầm quan trọng của công tác bảo đảm đo lường cho DN, ngày 30/8/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 409/KH-UBND (Kế hoạch số 409) để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu chung của kế hoạch là phát triển hạ tầng đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, thống nhất, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình bảo đảm đo lường...
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở KH&CN đã ban hành kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 409 của tỉnh. Sau gần 3 năm, nhiều nội dung, mục tiêu nêu trong kế hoạch được Sở KH&CN, trực tiếp là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng triển khai có hiệu quả. Nổi bật là hỗ trợ DN bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Từ năm 2021 đến nay, 5 DN được tham gia chương trình hỗ trợ bảo đảm đo lường (trong đó, 3 DN áp dụng hệ thống quản lý phòng thí nghiệm và 1 DN kinh doanh xăng dầu áp dụng hệ thống ISO 9001). Hàng trăm lượt cán bộ của DN được tập huấn về phương pháp đo; hướng dẫn sử dụng cân định lượng, thực hiện phép đo xăng dầu; bảo đảm đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn...
Tính riêng năm 2023, Sở KH&CN lựa chọn hai DN đủ điều kiện tham gia chương trình bảo đảm đo lường. Đó là Công ty cổ phần Tập đoàn FEC (TP Bắc Giang) và Công ty TNHH Nấm dược liệu Adenco (Lạng Giang). Cơ quan chuyên môn hỗ trợ các DN phân tích hoạt động đo lường tại khâu cung cấp dịch vụ, sản xuất, kiểm định đo; xác định định mức kỹ thuật, hao hụt; tổ chức các lớp đào tạo đội ngũ hiệu chuẩn và thử nghiệm…
Ông Lương Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nấm dược liệu Adenco cho biết, Công ty chuyên sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Năm 2023, Công ty đăng ký với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham gia chương trình bảo đảm đo lường trong DN. Theo đó, cán bộ, nhân viên Công ty được đào tạo, tập huấn các kiến thức cơ bản về phương tiện đo, quản lý đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, sử dụng cân định lượng. Quy trình kiểm tra quy cách nhãn hàng, độ ẩm nấm và cân cũng được rà soát, bổ sung. Qua đây giúp hỗ trợ DN phát triển tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Hằng năm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng còn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP lựa chọn các chợ trên địa bàn để kiểm định cân lưu động cho tiểu thương. Năm 2022 và 2023, cơ quan chức năng phối hợp kiểm định lưu động hơn 6,6 nghìn cân tại các chợ trên địa bàn 10 huyện, thị xã, TP. Kết quả, hơn 99% số cân đạt yêu cầu; số cân không đạt tiêu chuẩn được thay thế. Cùng đó duy trì kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường đối với các cơ sở kinh doanh kính mắt có sử dụng phương tiện đo nhóm 2.
Quan tâm tuyên truyền, hỗ trợ
Ông Hoàng Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông tin, bên cạnh kết quả đạt được, số lượng DN tham gia chương trình bảo đảm đo lường còn ít; một bộ phận lãnh đạo DN, cơ sở kinh doanh chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Đội ngũ triển khai Đề án ở T.Ư và địa phương còn thiếu về số lượng và kinh nghiệm. Văn bản pháp luật chưa quy định cơ chế tài chính, định mức kinh phí hỗ trợ; hiện nội dung hỗ trợ đang thực hiện theo cơ chế vận dụng hoặc áp dụng theo hình thức đề tài khoa học nhưng nhiều thủ tục, giấy tờ khiến DN ngại tham gia.
Thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về đo lường cho các DN, nhất là DN trong danh mục ngành, lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, kinh doanh điện; khai thác, chế biến, cung cấp xăng dầu; sản xuất, kinh doanh sắt, thép, kim loại màu…). Hoạt động tuyên truyền được lồng ghép vào sự kiện Ngày KH&CN Việt Nam (18/5); Ngày Đo lường thế giới (20/5); thông qua các hội nghị, hội thảo…
Mới đây, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về đo lường cho hơn 400 đại biểu là cán bộ chuyên môn phụ trách hoạt động KH&CN, lãnh đạo UBND cấp xã và công chức phụ trách lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công thương, tài chính kế toán tại các địa phương.
Trong năm nay, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ khảo sát 25 DN trên địa bàn, từ đó đánh giá, lựa chọn ba đơn vị đủ điều kiện tham gia chương trình bảo đảm đo lường; phối hợp tư vấn DN xây dựng chương trình theo khung hướng dẫn của Bộ KH&CN. Đồng thời chủ trì, phối hợp kiểm tra tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Ông Triệu Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết thêm, Sở KH&CN tiếp tục cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo ở T.Ư để bồi dưỡng kỹ năng, trình độ, là cầu nối chuyển giao thông tin, kiến thức về lĩnh vực đo lường tại địa phương. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan cấp trên rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho việc áp dụng chương trình bảo đảm đo lường trong DN.
Bài, ảnh: Mạc Yến