Đối phó với tình trạng rau xanh tăng giá, công nhân tự tăng gia sản xuất

Sau Tết, không chỉ thực phẩm như cá, thịt mà ngay cả rau xanh cũng tăng giá điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, chi phí sinh hoạt của công nhân lao động. Nhiều người khi đi chợ đã phải 'cân đo đong đếm' từng mớ rau, lạng thịt để đảm bảo cân đối giữa mức lương và chi tiêu cho cuộc sống. Nói nôm na, sau khi tan ca, họ là kế toán của chính mình để giải bài toán chi tiêu.

Giá thực phẩm tăng, công nhân “cân đo đong đếm” từng mớ rau, lạng thịt. (Ảnh Mai Quý)

Giá thực phẩm tăng, công nhân “cân đo đong đếm” từng mớ rau, lạng thịt. (Ảnh Mai Quý)

Từ tính toán giảm bớt khẩu phần ăn

Theo ghi nhận, sau Tết, tại các khu chợ tạm quanh khu vực có đông công nhân lao động sinh sống, giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng chóng mặt, đặc biệt là rau xanh. Qua khảo sát, hiện nay, giá tất cả các loại rau xanh đều tăng gấp đôi, gấp ba so với thời điểm trong năm: Rau cải tăng từ 5.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ; rau muống tăng từ 5.000 đồng/mớ lên 15.000 đồng/mớ; súp lơ từ 10.000 đồng – 12.000 đồng/cây lên 20.000 đồng – 25.000 đồng/cây; rau cần từ 8.000 đồng/mớ lên 17.000 đồng/mớ; rau mùng tơi trong năm có giá trung bình 5.000 đồng – 6.000 đồng/mớ thì sau Tết tăng lên 12.000 đồng – 15.000 đồng/mớ…

Nhiều công nhân đi chợ phải đắn đo, cân nhắc mua từng mớ rau, lạng thịt bởi đồng lương hạn hẹp, chỉ cần quá tay một chút sẽ thâm hụt vào các khoản chi tiêu khác. Chị Bùi Thị Linh, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ, bình thường mỗi khi đi làm về tôi thường ghé qua chợ mua thực phẩm về nấu ăn cho gia đình. Trung bình, mỗi bữa cơm của hai vợ chồng chi phí khoảng 50.000 đồng – 60.000 đồng có thể ăn uống thoải mái với các món rau, canh, thịt hoặc cá, trứng. Nhưng đợt gần đây, thực phẩm tăng giá quá cao, tôi đi chợ mà cứ đắn đo mãi nên mua gì cho hợp lý. Nếu vẫn muốn đủ thì mỗi món chỉ được một ít vì lượng mua giảm đi.

Những ngày này, mỗi lần đi chợ, chị Vũ Thị Nguyệt, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa đều lắc đầu ngán ngẩm bởi giá thực phẩm quá cao. Theo lời chị Nguyệt, thực phẩm sau Tết đắt hơn so với trong năm, giá rau xanh tăng gấp đôi, gấp ba so với bình thường. Ví như một mớ rau muống trong năm chỉ khoảng 4.000 đồng – 5.000 đồng/mớ thì sau Tết các cửa hàng bán với giá 12.000 đồng – 15.000 đồng.

“Nếu như trước đây, mỗi mớ rau tôi chỉ ăn trong một bữa thì giờ phải chia đôi. Mong rằng thực phẩm sẽ sớm ổn định giá và phù hợp với đồng lương công nhân chứ cứ đà này tiền lương kiếm được không đủ trả tiền nhà, tiền sinh hoạt” – chị Nguyệt bày tỏ.

Đến nhận “tiếp viện” từ quê

Trước tình hình thực phẩm tăng giá, để tiết kiệm chi phí, nhiều công nhân lao động đã kêu gọi “tiếp viện” từ quê. Chị Nguyễn Thu Hương, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Phú Nghĩa chia sẻ, ở quê, ông bà trồng được rau sạch và nuôi được con ngan, con gà và trên này lại có sẵn tủ lạnh nên để tiết kiệm chi tiêu và đảm bảo an toàn cho bữa ăn của gia đình tôi đã nhờ ông bà gửi thực phẩm ở quê lên. Hàng tuần, chỉ cần chịu khó chạy ra bến xe nhận đồ là cả tuần chúng tôi có thực phẩm an toàn để sử dụng và lại tiếp kiệm được một khoản chi phí đáng kể.

Ảnh minh họa: Mai Quý

Ảnh minh họa: Mai Quý

Để đối phó với tình trạng rau xanh tăng giá, nhiều công nhân đã chủ động mua các giống rau và tận dụng những khoảng đất trống nơi mình thuê trọ để trồng rau. Chị Nguyễn Thúy Mai, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ: “Hiện tôi đang ở tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, nhận thấy trong khuôn viên của khu nhà ở có nhiều ô đất trống nên tôi cùng một vài người khác đã cải tạo đất và mua các giống rau về gieo trồng, chăm sóc. Có rau xanh dùng, chúng tôi tiết kiệm được một khoản chi phí kha khá, nhất là trong thời điểm rau xanh ở ngoài chợ còn bán đắt hơn cả thịt, cá”.

Giá cả thực phẩm tăng cao, nhiều công nhân bày tỏ lo lắng các tiểu thương sẽ trục lợi bằng cách buôn bán những loại thực phẩm không an toàn. Anh Vũ Văn Nam, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long bày tỏ: “Nếu trong thời điểm thực phẩm đắt đỏ như thế này mà những người bán hàng lại làm ăn gian dối, bán thực phẩm không đảm bảo an toàn thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng tôi là rất cao.

Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp để bình ổn giá và đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ thực phẩm. Ngoài ra, công nhân lao động chúng tôi cũng mong muốn sẽ được hỗ trợ để mua những thực phẩm an toàn, giá cả ưu đãi, được cung ứng hàng hóa ngay tại nơi ở hoặc nơi làm việc để thuận tiện cho việc mua sắm, nhất là với những công nhân thường xuyên làm ca, kíp”.

Được biết, nhằm nỗ lực đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã ký kết nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp về chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã cam kết bán hàng chất lượng với giá ưu đãi cho người lao động. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã đề nghị các cấp công đoàn phối hợp với ngành Công Thương, các doanh nghiệp tổ chức các “Phiên chợ công nhân”, “Gian hàng giảm giá”, “Chợ lưu động”, xây dựng mô hình “Siêu thị công đoàn” với hàng hóa sản xuất trong nước ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân…

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doi-pho-voi-tinh-trang-rau-xanh-tang-gia-cong-nhan-tu-tang-gia-san-xuat-103695.html