Đối tác quen với lợi ích mới
Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Iran Hassan Rouhani là sự kiện với ý nghĩa và phạm vi tác động vượt ra ngoài khuôn khổ mối quan hệ song phương này.
Mỗi hoạt động đối ngoại của Iran trong bối cảnh tình hình chung hiện tại đều được nhìn nhận trong mối liên hệ với mối quan hệ giữa Iran và các đối tác Phương Tây, đặc biệt là Mỹ và EU, với số phận của thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA), với cách thức mà Iran áp dụng để đối phó với những biện pháp của Mỹ và EU trừng phạt Iran.
Mỹ căng thẳng với Iran và đối địch Iran trong khi Mỹ và Nhật Bản là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của nhau. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump có mối quan hệ cá nhân thân thiết với nhau, quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản kể từ khi ông Trump lên cầm quyền ở Mỹ rất ổn thỏa và tốt đẹp, cho nên việc ông Abe đón tiếp ông Rouhani tới thăm vào thời điểm hiện tại chắc chắn đã được tham vấn và trao đổi với Mỹ từ trước đây.
Trong năm 2019, Mỹ gia tăng căng thẳng và đối địch với Iran đến mức chưa từng thấy từ trước tới nay, nhưng hai bên đều chủ ý không để xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp hay chiến tranh với nhau, mới đây lại còn đạt được thỏa thuận về trao đổi tù nhân. Cho nên có thể thấy chuyến công du Nhật Bản này của ông Rouhani là biểu hiện thêm nữa về giảm căng thẳng và đối địch giữa Mỹ và Iran.
Nó đương nhiên là dấu mốc và dấu ấn mới trong mối quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Iran. Đây là lần thứ 3 ông Abe và ông Rouhani gặp nhau trong năm nay. Ông Abe là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản tới thăm Iran kể từ năm 1978, tức là trước cả cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran và hai người gặp nhau bên lề Đại hội đồng LHQ vừa rồi ở Mỹ.
Ông Rouhani là Tổng thống Iran thứ 2 thăm Nhật Bản - sau chuyến đi Nhật Bản năm 2000 của Tổng thống Iran Mohammad Khatami. Cả từ cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 đến nay, Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại khá ổn định và êm thấm với Iran.
Nhật Bản vốn nhập khẩu nhiều dầu lửa của Iran nhưng ngừng nhập từ khi phía Mỹ trừng phạt cả những đối tác thứ 3 hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại với Iran. Cũng vì áp lực của Mỹ mà Nhật Bản phong tỏa tài sản của Iran ở Nhật Bản. Qua đó có thể thấy Nhật Bản có tiềm năng nhưng cũng bị hạn chế trong quan hệ hợp tác với Iran.
Qua đó cũng còn có thể thấy nhân tố tác động quyết định giúp cho Nhật Bản và Iran vẫn thúc đẩy được quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại trong bối cảnh Nhật Bản phải lựa ý Mỹ và Mỹ thù địch Iran là gạn đục khơi trong, cái gì có thể làm được thì vẫn kiên định quyết tâm làm và bên này không đẩy bên kia vào tình thế khó xử. Cho nên khi gặp nhau ở Tokyo, ông Abe và ông Rouhani có bàn thảo đến JCPOA và tài sản của Iran ở Nhật Bản nhưng cả hai nội dung này đều không được dành ưu tiên cao trên chương trình nghị sự.
Mục đích của cả hai bên là thúc đẩy hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại như có thể được và tận lợi triệt để từ mối quan hệ đối tác lâu nay. Hai bên đều theo đuổi lợi ích mới với việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác quen cũ này. Nhật Bản nhằm hai mục tiêu chính. Thứ nhất là gây dựng vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có tham vọng này và thực hiện nó đến nay với kết quả hạn chế. Các thành viên khác của EU không có đủ uy tín đối với cả Mỹ lẫn Iran để làm việc ấy.
Nhật Bản tuy ở xa và không đóng vai trò gì trong JCPOA, nhưng lại có tiền đề thuận lợi hơn Pháp hay EU rất nhiều để đảm trách vai trò kia. Đấy là một cách giúp Nhật Bản thực hiện tham vọng gây dựng và tăng cường vai trò chính trị thế giới. Thứ hai là duy trì và tìm kiếm cơ hội cho thúc đẩy quan hệ song phương với Iran sao cho không bị tổn hại ở thời Mỹ và Phương Tây đối địch Iran và luôn sẵn sàng cho thời mối quan hệ kia trở lại bình thường.
Mục tiêu của ông Rouhani là tranh thủ Nhật Bản và ràng buộc đối tác này vào quan hệ hợp tác với Iran, phân hóa Nhật Bản với Mỹ và EU, gây đối trọng và tạo cảm nhận là Mỹ và Phương Tây không thể cô lập Iran cũng như đối tác chính của Iran không phải chỉ có là EU. Một bên tìm kiếm đối tác, một phía duy trì cơ hội hợp tác cho tương lai và cả hai sử dụng lẫn nhau để có được vị thế và vai trò lớn hơn trong chính trị thế giới.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/doi-tac-quen-voi-loi-ich-moi-360689.html