Đối thoại chủ nhật: Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào Đà Nẵng

Để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã tham mưu, kiến nghị thành phố nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Văn Tỵ, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn TP Đà Nẵng từ đầu năm 2023 đến nay?

Đồng chí Trần Văn Tỵ: Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn TP Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã cấp chấp thuận chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,4 triệu USD; 10 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.194,7 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã thu hút được 522 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung-giai đoạn 1 và các khu công nghiệp; trong đó có 397 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 31.919,8 tỷ đồng; 125 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1.901,4 triệu USD. Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc tại các dự án kinh doanh, sản xuất trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung-giai đoạn 1 và các khu công nghiệp là 60.051 lao động, trong đó hầu hết tập trung tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố với 58.572 lao động (chiếm 97,5%).

Đồng chí Trần Văn Tỵ

Đồng chí Trần Văn Tỵ

PV: Hiện nay, các doanh nghiệp còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Văn Tỵ: Tình hình thế giới bất ổn, lạm phát tại nhiều nước đã ảnh hưởng đến thị trường xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm, đơn đặt hàng của doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Hiện nay, nhìn chung các doanh nghiệp đang gặp những khó khăn, vướng mắc chủ yếu: Thiếu đơn hàng hoặc không có đơn hàng dẫn tới tiêu thụ sản phẩm chậm, hàng tồn kho nhiều; tình hình lãi suất cho vay vẫn còn cao, giá cả nguyên vật liệu cao kéo chi phí sản xuất cao.

PV: Thưa đồng chí, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng có những giải pháp gì?

Đồng chí Trần Văn Tỵ: Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Các thông tin liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư... được công khai, cập nhật trên trang thông tin điện tử của Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng để doanh nghiệp dễ tiếp cận. Chúng tôi tiếp tục chủ động nắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn thành phố; tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai, nhất là những dự án có quy mô lớn để đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất dự án, tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng, tạo ra những giá trị mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành công nghiệp thành phố.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HÒA

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HÒA

Cùng với đó, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tiếp tục tăng cường tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm; tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư, đối tác tiềm năng, nhà đầu tư lớn, kết hợp tổ chức xúc tiến thông qua các hoạt động trực tuyến, tiếp xúc với nhà đầu tư qua các nền tảng làm việc trực tuyến, tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến để tiếp cận những nhà đầu tư tiềm năng, gửi thông tin và hỗ trợ, cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết về môi trường đầu tư của TP Đà Nẵng...

Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là tận dụng tối đa nguồn lực để tổ chức hoạt động xúc tiến có quy mô, hiệu quả tại các thị trường trọng điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ chính các doanh nghiệp đã đầu tư vào TP Đà Nẵng như: Công ty Cổ phần Long Hậu, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) để phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp, tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng. Ban Quản lý cũng khẩn trương triển khai các thủ tục để sớm lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp mới (Khu công nghiệp Hòa Cầm-giai đoạn 2, Hòa Ninh) và mở rộng khu công nghệ cao Đà Nẵng để tạo nguồn quỹ đất đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN VĂN CHUNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-tao-moi-truong-thuan-loi-thu-hut-dau-tu-vao-da-nang-744008