Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận chú trọng công tác vận động quần chúng

BHG - Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, đồng thời, xác định công tác tuyên truyền, vận động là một trong những nội dung quan trọng nhằm huy động sức mạnh của người dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới. Những năm qua, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận (Quản Bạ) đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng (VĐQC). Qua đó, người dân vùng biên không chỉ nâng cao nhận thức về pháp luật, thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà còn tích cực tham gia bảo vệ biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận kiểm tra tình hình cải tạo vườn tạp của gia đình chị Thào Thị Hoa, thôn Phín Ủng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận kiểm tra tình hình cải tạo vườn tạp của gia đình chị Thào Thị Hoa, thôn Phín Ủng.

Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận quản lý, bảo vệ 20,984 km đường biên, với 33 cột mốc thuộc 2 xã biên giới Nghĩa Thuận và Bát Đại Sơn với 18 thôn, trong đó có 8 thôn giáp biên. Thượng tá Trần Xuân Đởn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn đã cụ thể hóa nhiều nội dung công tác VĐQC theo chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc thù địa bàn. Trong đó, đơn vị chú trọng thực hiện nghiêm việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và tiến hành đồng bộ các biện pháp biên phòng, nâng cao hiệu quả các mặt công tác, nhất là vai trò của lực lượng VĐQC để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đồng thời, thường xuyên coi trọng công tác bám, nắm địa bàn, phát huy hiệu quả mạng lưới thông tin ở cơ sở nhằm kịp thời cơ động xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn.

Năm 2022, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận đã thực hiện tốt việc tuyên truyền 3 văn kiện pháp lý biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc, Luật Biên phòng Việt Nam, các văn bản liên quan đến hoạt động tội phạm hình sự, vi phạm hành chính và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người dân khu vực biên giới được 36 buổi, thu hút trên 3.000 lượt người nghe. Đặc biệt, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đứng chân tuyên truyền đậm nét về Nghị quyết số 27 và Chỉ thị 09 của tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn năm 2022-2025, định hướng đến năm 2030 đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn giúp đỡ 9 hộ thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở. Đơn vị cũng thường xuyên cử lực lượng phối hợp với chính quyền 2 xã tuyên truyền, vận động và giúp đỡ ngày công các hộ gia đình thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể: Tổ chức 20 buổi với 112 cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn giúp 10 hộ được phân công phụ trách cải tạo vườn tạp, hiện các hộ cơ bản đã thu hoạch và có thu nhập ổn định. Một số hộ có thu nhập từ 500 nghìn - 1 triệu đồng/tuần như gia đình anh Mai Minh Lâm, thôn Na Lình.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng duy trì và thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình, việc làm giúp dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Nông thôn mới như: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”. Trong đó, các mô hình, phong trào: “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng, “BĐBP chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được duy trì tốt và phát huy hiệu quả. Đến nay, có nhiều cháu là con nuôi Đồn Biên phòng được đơn vị nuôi dưỡng, hỗ trợ đạt thành tích học tập tốt và được khen thưởng, tuyên dương; một số cháu đã hoàn thành chương trình học phổ thông và thi tốt nghiệp ra trường năm học 2021-2022. Hiện đơn vị vẫn đang tiếp tục giúp đỡ 2 cháu theo “Chương trình nâng bước tới trường” và nuôi dưỡng 1 cháu là con nuôi Đồn Biên phòng theo quy định.

Mặt khác, để công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đạt hiệu quả, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận đã cử đảng viên phụ trách các hộ gia đình, tham gia sinh hoạt chi bộ tại cơ sở. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng và hoạt động của các đồng chí cán bộ tăng cường xã và các đảng viên dự sinh hoạt chi bộ thôn. Tăng cường trao đổi, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ tự quản an ninh, trật tự của các thôn và các hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ... Đây là cơ sở để đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các giải pháp xây dựng hệ thống chính trị và phát triển KT-XH của địa phương.

Có thể nói, công tác VĐQC đã giúp đưa hình ảnh người lính quân hàm xanh đến gần nhất với người dân. Từ những buổi hỗ trợ nhân dân lao động đến những buổi tuyên truyền pháp luật đều in đậm hình ảnh của người lính biên phòng. Họ không chỉ là người cầm súng mà họ còn là những thầy thuốc, thầy giáo, là tuyên truyền viên pháp luật, là những nông dân lao động sản xuất cùng với bà con nhân dân. Nhờ đó, tình quân dân thêm gắn bó, khăng khít, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo. Qua đó phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ biên giới, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, giữ vững từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh: My Ly

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/an-ninh-quoc-phong/202302/don-bien-phong-nghia-thuan-chu-trong-cong-tac-van-dong-quan-chung-6f65788/