Đơn vị tình báo Bộ Phi Ưng của Iraq

Bộ Phi Ưng là tên của đơn vị tình báo đáng sợ và cũng được kính trọng nhất ở Iraq. Bằng cách nắm quyền kiểm soát nó, giờ đây lãnh đạo nước này đã tiếp cận được các thông tin về hết thảy các phe phái vũ trang của người Shia.

Tranh giành quyền lực

Bộ Phi Ưng, đơn vị tình báo tinh nhuệ này được ca ngợi là mạng lưới gián điệp nguy hiểm nhất Iraq, và các điệp viên từng được cả CIA và MI.6 đào tạo. Vậy nhưng chỉ bằng một cú đột phá, Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đã thay đổi vai trò lãnh đạo và giành lấy phần thưởng từ tay các đối thủ Shia của mình, đảm bảo tổ chức này mang lại cho ông thông tin và quyền lực khiến cho các đối thủ phải lo lắng.

Kể từ khi nhậm chức tân Thủ tướng Iraq vào tháng 5/2020, cựu giám đốc tình báo Iraq từng có thời gian dài vật lộn nhằm kiểm soát nhiều cơ quan quân đội và an ninh đất nước, phần lớn trong số đó đặt dưới quyền kiểm soát của các phe phái vũ trang và chính trị do Iran hậu thuẫn. Bộ Phi Ưng (được liên kết với Cơ quan điều tra và tình báo liên bang của Iraq) có chương trình đào tạo và trang bị thuộc loại tốt nhất trong khu vực Trung Đông. Nắm quyền kiểm soát có nghĩa là Thủ tướng Kadhimi giờ đây sẽ giám sát được hệ thống gián điệp hiệu quả thứ hai đang hoạt động ở Iraq, “nơi các nguồn lực công nghệ và con người đôi khi bị khai thác và nhắm mục tiêu vào việc trừ khử các đối thủ chính trị và thường dân trong nhiều năm qua”, dẫn lời các quan chức an ninh và chính trị gia Iraq được truyền thông quốc tế giấu tên.

Thủ tướng Masrour Barzani của Chính quyền khu vực người Kurd (KRG) đã gặp Abdul Karim Abd Fadhil (tên khác Ali al-Basri), cựu Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Iraq. Ảnh nguồn: Gov.krd.

Thủ tướng Masrour Barzani của Chính quyền khu vực người Kurd (KRG) đã gặp Abdul Karim Abd Fadhil (tên khác Ali al-Basri), cựu Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Iraq. Ảnh nguồn: Gov.krd.

Cuộc cải tổ bắt đầu từ một bi kịch. Ngày 21/1/2021, hai kẻ đánh bom tự sát đã cho nổ tung tại Quảng trường Tayaran ngay giữa thủ đô Baghdad làm chết 32 dân thường và khiến 110 người khác bị thương. Không đầy 24 giờ sau đó, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố chịu trách nhiệm. Suốt nhiều năm kể từ sau vụ khủng bố đầu tiên ở Baghdad đã gây ra làn sóng phẫn nộ và yêu cầu trách nhiệm điều tra. Nguồn tình báo cho thấy nhiều cuộc tấn công đã được lên kế hoạch ở Baghdad, nhưng cũng ở Basra và các thành phố có đông người Shia sinh sống.

Với tư cách là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, ông Kadhimi dường như đã hành động quyết liệt nhằm giảm thiểu thiệt hại và xử lý các sai phạm bằng cách sa thải 5 chỉ huy quân đội và an ninh liên bang cấp cao. Trong số những người bị sa thải có Abdul Karim Abd Fadhil (còn có tên gọi khác là Ali al-Basri, hoặc “bậc thầy gián điệp” - như cách các đồng đội gọi ông) là giám đốc của Bộ Phi Ưng và cũng là một trong các đồng sáng lập ra nó.

Trong tất cả các vụ việc sa thải nhân sự thì vụ Basri là cú sang chấn lớn nhất. Các đồng minh và đối thủ của Thủ tướng Kadhimi đều coi Basri là sự nhục nhã và bất ngờ. Họ cho rằng có lẽ ngài Thủ tướng đang dàn xếp tỷ số, bằng cách sử dụng vụ đánh bom ở Quảng trường Tayaran để loại bỏ một người mà hầu hết các chính trị gia Shia coi là thành công và phi chính trị. Tuy vậy đặc điểm này lại khác xa so với những gì mà bản thân ông Kadhimi đã thể hiện khi trình bày lý do của mình trước Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) hàng tiếng đồng hồ sau vụ đánh bom.

Một thành viên của NSC xin được giấu tên, tiết lộ với giới truyền thông: “Ngài Kadhimi tuyên bố rõ ràng rằng các cơ quan tình báo nước ngoài đều biết rõ việc Basri đang làm, nhưng chính phủ Iraq không biết Basri hành động thế nào”. Nguồn tin cho biết ông Basri chưa hề gửi báo cáo của mình cho Bộ trưởng Nội vụ đương nhiệm cũng như Thứ trưởng Nội vụ về tình báo - những người được cho là chịu trách nhiệm trực tiếp đối với Basri, cũng như hai ông đều đánh giá tiêu cực về công việc của Basri.

Những chiến binh IS bị bịt mắt và còng tay, họ bị kết án tử hình và chờ thi hành án. Ảnh nguồn: AFP.

Những chiến binh IS bị bịt mắt và còng tay, họ bị kết án tử hình và chờ thi hành án. Ảnh nguồn: AFP.

Bộ Phi Ưng xuất hiện

Vị thế và khả năng độc đáo của Bộ Phi Ưng đã xuất hiện từ trong những sự hỗn loạn từ năm 2009 ở Iraq. Ngược về thời điểm đó, tình hình an ninh liên tục xấu đi. Al-Qaeda và các nhóm vũ trang khác nhau đã thực hiện những cuộc tấn công chết người hầu như là hàng ngày trong, ngoài Baghdad, giết hại hàng tá người mỗi lần. Các cơ quan an ninh Iraq thường bị áp đảo. Chịu gánh nặng tham nhũng tài chính và hành chính, sự chia rẽ giáo phái và chính trị, và việc thiếu kinh nghiệm khiến họ bị tụt lại vài bước với các thủ phạm mà mình đang truy đuổi. Họ cũng bị xâm nhập bởi các nhóm vũ trang Sunni và Shia, những chỉ huy an ninh từng phục vụ tại thời điểm đó đã bị triệu hồi. Do có quá nhiều cơ quan an ninh và tư pháp tham gia hành động nên khiến cho mọi giải pháp và chống rò rỉ tin tức của các cơ quan an ninh Iraq rơi vào ngõ cụt.

Mặc dù có nhiều ý tưởng đưa ra nhưng không cái nào vượt qua rào cản, mãi cho đến năm 2011, khi Thủ tướng lúc đó là ông Nouri al-Maliki, người được cho là có “tư duy thông minh” đã quyết định thành lập một tổ chức tình báo với quyền hành pháp rộng rãi nhằm cho phép truy lùng các nghi phạm, điều tra, bắt giữ hoặc trừ khử mà không cần tham khảo bất kỳ cơ quan an ninh hay tư pháp nào. Tổ chức sau đó được gọi là Bộ Phi Ưng. Một quan chức an ninh quen thuộc với tổ chức này ngay từ những ngày đầu thành lập, cho biết: “Chúng tôi gọi nó là Cơ quan tác chiến đặc biệt (SOA) trực thuộc Tổng cục Tình báo của Bộ Nội vụ. Nó giống như một chính thể điều hành cung cấp dịch vụ cơ yếu”. Trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của mình, ông Maliki đã giữ Bộ Phi Ưng xa tầm với của các Bộ trưởng An ninh.

Thay vào đó, cá nhân ông đã thuyết phục người bạn cũ cũng là đồng đội trong đảng Dawa Hồi giáo là Abu Ali al-Basri trở thành người đứng đầu đơn vị tình báo. Basri nằm trong số 12 quan chức Iraq thành lập nên Bộ Phi Ưng, cùng hợp tác với các cơ quan tình báo Mỹ, Anh. Ban đầu, quân số của đơn vị này dao động từ 100 đến 160 người, đến năm 2021 đã vọt lên 1.800 người, tức gấp 10% Cơ quan điều tra liên bang và tình báo Iraq (IFIA). Đơn vị tình báo có ngân sách đặc biệt, 1 thẩm phán đặc biệt cùng 1 cơ sở giam giữ đặc biệt đặt tại sân bay quân sự al-Muthanna (giữa Baghdad). Nhiệm vụ và cấu trúc của đơn vị này là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ, nó sở hữu các công nghệ theo dõi, trinh sát và gián điệp mới nhất.

Cuốn sách hé lộ những tình tiết chưa được công bố về Bộ Phi Ưng. Ảnh nguồn: penguinrandomhouse.

Cuốn sách hé lộ những tình tiết chưa được công bố về Bộ Phi Ưng. Ảnh nguồn: penguinrandomhouse.

Hành tung bí hiểm

Một cựu quan chức Iraq đề nghị giấu tên, khẳng định: “Không có cơ quan an ninh nào ở Iraq vượt mặt Bộ Phi Ưng trong hoạt động tình báo. Nó là một trong những cơ quan nguy hiểm và quan trọng nhất ở Iraq. Một tổ chức chuyên biệt tinh nhuệ trong các lĩnh vực chống khủng bố và tội phạm có tổ chức suốt 10 năm. Họ có nhiều trang thiết bị, chuyên môn cao và một mạng lưới các nguồn lực nhằm đảm bảo thực hiện thành công trong việc tiêu diệt bất kỳ nhân vật hay các lực lượng vũ trang hoặc chính trị trong nước”. Suốt 4 năm thành lập đầu tiên, chỉ vài người biết được tin về Bộ Phi Ưng. Nhiệm vụ của đơn vị đặt trong vòng bí mật và giới hạn trong các hoạt động chống khủng bố cùng các nhóm vũ trang Sunni, cùng mối liên hệ trực tiếp giữa đơn vị tình báo với văn phòng Thủ tướng Maliki.

Trong thời kỳ nổi lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), cái tên Bộ Phi Ưng cũng nổi lên theo. Tháng 2/2014, cái tên này lần đầu tiên được nhắc đến trên truyền thông khi Bộ Nội vụ Iraq loan tin họ đã ngăn chặn một vụ tấn công liều chết nhắm vào một nhà tù dành cho trẻ vị thành niên ở Tobji (Tây Baghdad). 10 tháng sau, nhờ nguồn tình báo của Bộ Phi Ưng mà dẫn đến một cuộc không kích hạ sát 14 chiến binh thân cận với thủ lĩnh IS khi đó là Abu Bakr al-Baghdadi. Bản thân Baghdadi bị thương trong vụ tấn công. Theo dữ liệu chính thức, hàng tá chiến binh và thủ lĩnh IS đã bị Bộ Phi Ưng tiêu diệt, đó là do nguồn tình báo chính xác của họ. Cần biết rằng lúc Bộ Phi Ưng được hình thành, nhân sự của nó được chọn lựa hết sức kỹ càng.

Tuy vậy, không ai trong số các thủ lĩnh này bày tỏ lòng trung thành rõ ràng nhằm nhận viện trợ liên tục từ các lực lượng phương Tây, và sau đó là nhận hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật một cách gián tiếp từ Iran trong nhiều năm qua.

Biểu tượng khét tiếng của Cơ quan tình báo Iraq - Bộ Phi Ưng.Ảnh nguồn: X (Twitter).

Biểu tượng khét tiếng của Cơ quan tình báo Iraq - Bộ Phi Ưng.Ảnh nguồn: X (Twitter).

CIA và MI.6 đã tiến hành các cuộc điều tra sâu và từ chối bất kỳ ai có mối quan hệ dù là ít nổi bật với Iran hoặc các phe phái vũ trang do Iran hậu thuẫn (ngay cả những người đã từng đến thăm Iran vì lý do tôn giáo hoặc y tế). Về bản chất bàn tay của Bộ Phi Ưng khá sạch sẽ, tuy nhiên đơn vị này chưa từng truy đuổi bất kỳ phe phái vũ trang Shia nào thân với Iran. Việc hợp tác với các phe phái do Iran chống lưng cũng là một trong những cáo buộc chống lại Basri - thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia Iraq.

Một quan chức an ninh cấp cao tỏ sự phân vân: “Basri không làm việc với họ (các phe phái), song điều này không có nghĩa là theo thời gian, ông ta không rò rỉ thông tin cho người khác, hoặc che đậy dấu vết của họ”. Thực tế và qua các nguồn tin cho thấy Iran có thể tiếp cận nhân sự và nguồn lực của Bộ Phi Ưng mà không để lòi đuôi.

Ngoài việc sa thải Basri, Thủ tướng Kadhimi còn hạ lệnh cho Bộ Phi Ưng phải tái liên kết với văn phòng Tổng tư lệnh, hạn chế các hoạt động trong việc truy đuổi IS và phối hợp đầy đủ với các cơ quan an ninh còn lại. Có 2 quan chức an ninh cấp cao, 1 cựu quan chức an ninh cấp cao và 2 chính trị nổi tiếng người Shia bật mí rằng các nguồn lực và nhân lực của Bộ Phi Ưng đã được dùng để truy đuổi các nhà hoạt động trong những cuộc biểu tình chống chính phủ hồi tháng 10/2019, cụ thể là ở các tỉnh miền Trung và miền Nam Iraq.

Họ khẳng định một số sĩ quan của Bộ Phi Ưng đã hợp tác với một số các phe phái vũ trang do Iran hậu thuẫn để thực hiện bắt và tống tiền một số nhà hoạt động ở Basra và Karbala. Họ tuyên bố chính Thủ tướng Nouri al-Maliki là “người đầu tiên sử dụng Bộ Phi Ưng để chống lại các đối thủ chính trị của ông ấy” (bao gồm Tariq al-Hashemi, cựu Phó tổng thống, người bị cáo buộc có dính líu đến các vụ khủng bố và ra trát bắt giữ ông vào tháng 12/2011). Tariq al-Hashemi bị kết án tử hình vắng mặt.

Bộ Phi Ưng chỉ là một phần di sản của Thủ tướng Maliki chống lại các đối thủ chính trị kể từ năm 2018. Theo các quan chức này thì Liên minh Fatah do Iran hậu thuẫn và khối Sairoon của giáo sĩ Shia, Muqtada al-Sadr, trong cuộc cạnh tranh nảy lửa nhằm thâu tóm càng nhiều đòn bẩy nhà nước càng tốt. Trong khi đó Thủ tướng Kadhimi có vẻ đang chơi trò chiến thuật.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/don-vi-tinh-bao-bo-phi-ung-cua-iraq-i724319/