Đồng bằng sông Cửu Long trong cơn khát dai dẳng mùa khô: Khát nước giữa… miền sông nước (Bài 1)

Mùa hạn, mặn năm nay đến muộn hơn mọi năm, kết hợp nắng gắt kéo dài khiến kênh, rạch cạn nước, ruộng đồng nứt nẻ, đường sá sụt lún, nhà dân đổ sập, cây trồng chết héo,... Hàng chục ngàn hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long mùa này phải trắng đêm hứng nước hoặc đội nắng mang can đi nhận nước hỗ trợ.Phóng viên Báo Long An đã có chuyến ghi nhận thực tế, khởi hành từ đầu tháng 4, kết thúc đầu tháng 5 tại các địa phương là 'điểm nóng', đã công bố tình trạng khẩn cấp gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Long An và các tỉnh khác như Sóc Trăng, Bến Tre để ghi lại câu chuyện của nông dân giữa mùa khát cháy.

Bài 1: Khát nước giữa… miền sông nước

Kênh, rạch cạn khô, nước máy nhỏ giọt, nước ngọt phải mua với giá cao nhất 300.000 đồng mỗi mét khối; mùa này, hơn 77.000 hộ dân ở miền Tây phải cầm cự sống qua ngày từ vòi nước công cộng lẫn xe bồn từ thiện của các nhà hảo tâm.

Trắng đêm canh nước như canh… trộm

2 giờ sáng, ông Lê Văn Tùng cùng vợ thức dậy trong căn nhà cấp 4 sát sông Ông Hiếu, ấp Tân Thành, xã Tân Tập, Cần Giuộc, tỉnh Long An. Suốt 3 tháng nay, chuyện đầu tiên họ làm trong ngày mới là ra phía hiên nhà canh mở vòi nước. Như mọi ngày, nước máy vẫn chảy nhỏ giọt, đến 7 giờ sáng thì ngưng hẳn.

“Mỗi ngày, từ khuya tới sáng hứng được khoảng nửa mét khối nước” - lão nông 63 tuổi nói. Ông Tùng đã sống gần cả đời người ở Tân Thành, nơi sâu xa nhất của miền hạ Cần Giuộc. Đây là địa phương nằm sát sông Soài Rạp, mỗi bận mùa khô đều chịu tình trạng thiếu nước dai dẳng, nhưng kể cả mùa khô hạn lịch sử các năm 2016 và 2020, lão nông bảo rằng chưa có năm nào khắc nghiệt như năm nay.

Chỉ tay về phía sông Ông Hiếu, ông bảo dù chỉ cách cửa sông Soài Rạp hơn 1km nhưng những năm trước, lòng sông có khô mấy cũng vẫn còn nước ngọt, người dân trong vùng có thể múc lên lắng lọc xài đỡ. Mùa khô năm nay, nước trên sông lớn mặn hơn 9 phần nghìn, sông Ông Hiếu cũng bị nước mặn xâm nhập không thể tắm giặt. Từ Tân Thành đến Tân Quí, Tân Đại (xã Tân Tập) mùa này cây cỏ héo úa, ao, hồ cạn khô, kênh, mương nội đồng trơ đáy, ghe xuồng nằm chơ vơ quanh mặt đất nứt nẻ.

Kênh Sườn chạy qua xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cạn khô, mặt đất nứt nẻ do hạn, mặn kéo dài

Kênh Sườn chạy qua xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cạn khô, mặt đất nứt nẻ do hạn, mặn kéo dài

Nước máy nhỏ giọt nhưng có còn hơn không, ở bên kia sông, người dân ở ấp Tân Quí những ngày qua như sống cạnh lò lửa. Do là ấp xa nhất của xã nên từ đầu mùa khô, nước máy đã chảy yếu. Trong “cái khó ló cái khôn”, người dân nghĩ ra cách đào hố đặt các lu chứa ngang mặt đất để nước chảy mạnh hơn. Vậy mà đến cao điểm mùa khô giữa tháng 4, nước máy hết hẳn. Người dân ở đây chỉ có 2 lựa chọn, một là chạy xe 3-4km đến các điểm cấp nước miễn phí để lấy về dùng, hai là mua nước ngọt bơm đến tận nhà mà nơi xa nhất, mỗi mét khối nước có giá từ 200.000-300.000 đồng.

Trong khi chờ mưa xuống giải khát cơn nắng cháy, vườn chuối phía trước nhà ông Tùng sau nhiều tháng thiếu nước lá cháy khô, buồng trổ teo tóp. “Lá lành đùm lá rách”, hai ông bà quyết định mở nắp các hồ chứa nước mưa để dành gần 10 khối “quý như vàng” chia sẻ cho hàng xóm. Ông Tùng là một trong hơn 30.000 nông dân ở Long An chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt hạn, mặn gay gắt của mùa khô năm nay, trong đó xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc được xem là “rốn hạn” với khoảng 3.500/4.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ranh mặn 100km từ cửa sông lấn sâu vào đất liền, Long An phải công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp cấp độ 4, tức rủi ro rất lớn; đồng thời, đàm phán với đơn vị cấp nước xả hơn 7 triệu m3 nước từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) về sông Vàm Cỏ Đông nhằm đẩy lùi ranh mặn.

“Xã có 2 nhà máy giờ chỉ còn 1 hoạt động, công suất 200m3/ngày đêm, cùng với khoảng 500m3 nước từ các nhà hảo tâm, bình quân mỗi ngày đêm, xã thiếu khoảng 1.300 khối nước sinh hoạt” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tập - Nguyễn Thanh Tú nói.

Nước thiếu nên phải tranh thủ mọi nguồn lực, có hôm gần 12 giờ đêm, cán bộ xã này vẫn phải thức đợi đón các đoàn cấp nước sinh hoạt từ thiện. Hiện xã đã bố trí 23 điểm cấp nước ngọt miễn phí cho người dân, trên tổng số hơn 60 điểm cấp nước của huyện Cần Giuộc.

Gian nan hành trình xin nước

Cách “rốn hạn” Tân Tập hơn 35km, gần 11 giờ trưa, khu nghĩa địa ven đường ở ấp 3, xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đông đúc hơn mọi khi, là nơi tập kết nước sinh hoạt để cấp cho người dân. “Xe nước tới rồi bà con ơi/ Đang đêm nằm ngủ trong mùng/ Nghe tiếng xe nước ùn ùn chạy ra” - bà Nguyễn Thị Thơ (57 tuổi) tếu táo ngâm thơ động viên hơn 20 người dân đang hứng nước giữa nắng trưa như thiêu đốt.

Người dân ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang xếp hàng mang can xin nước từ thiện

Người dân ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang xếp hàng mang can xin nước từ thiện

Ông Trần Thanh Phong, 54 tuổi, nhà hảo tâm địa phương lập ra điểm cho nước này nói, mỗi ngày điểm hỗ trợ người dân từ 15-20m3 nước ngọt miễn phí. “Ai có tiền đóng góp tiền, không có tiền đến hứng nước, khiêng nước phụ cho người khác khó khăn hơn” - ông Phong chia sẻ.

Mỗi ngày, từ 8 giờ sáng, người dân sẽ mang can đến xếp hàng chờ xe đến bơm rồi dùng xe máy, xe ba gác chở về nhà. Một số gia đình làm công nhân phải vào xưởng từ sáng sớm nên gửi can tại điểm nhờ bơm nước giúp, đến chiều tan ca sẽ đến chở về.

Các con đi làm xa gửi 2 cháu nội ở nhà, không có ai chở nước, ở tuổi 69 lại bị bệnh suyễn nhưng ông Nguyễn Văn Hào mỗi ngày vẫn phải dùng xe cút kít đi lấy nước 5 chuyến. Sức yếu nên mỗi bận ông chỉ có thể chở 2 can loại 30 lít. Nắng gắt, bánh xe cút kít lăn nặng nề theo từng bước chân xiêu vẹo run run trên đường, mồ hôi nhễ nhại trên trán, lưng cụ ông. Dù quãng đường về nhà chưa đầy 1 cây số nhưng ông Hào phải dừng lại mấy chặng ngồi dưới gốc cây nghỉ mệt.

Cách đó 2km, sau khi bơm đầy nước từ xe từ thiện, chị Bùi Thị Kim Quyên nặng nề khiêng 2 can nhựa chất lên yên xe đạp. Người phụ nữ 43 tuổi sau đó dùng một thanh gỗ xỏ ngang rồi cột chặt 2 đầu để giữ cho 2 chiếc can nặng trĩu không bị rơi. Chiếc xe đạp cà tàng không còn thắng để chạy được, chị Quyên đành phải dắt bộ giữa trưa hơn 1 cây số. “Bục”, chiếc can nhựa cũ từ nhiều mùa trước bỗng bị thủng một lỗ nhỏ bằng ngón tay, người phụ nữ chậc lưỡi tiếc rẻ, một tay dắt xe, tay còn lại bịt vào chỗ thủng nước đang rỉ ra. Vừa về đến nhà, chị Quyên cẩn thận đổ nước từ 2 can vào các xô, chậu, thau, nồi cũ. Thậm chí đến chiếc xô cũ dùng để đựng nước lau nhà cũng được chủ nhà tận dụng trữ nước.

Chồng chị Quyên làm nghề đi biển, mỗi năm chỉ về nhà 1 lần, chị ở nhà nội trợ, sống cùng mẹ chồng và 2 con nhỏ. Chỉ có 1 hồ xi măng 1,5 khối trữ nước mưa để dành uống, mùa hạn năm nay, khi nước máy hết, nhà không có đàn ông nên chị phải vất vả dắt xe đạp xin nước mỗi ngày từ 5-7 chuyến. Nước rửa rau, vo gạo được gia đình để dành rửa chén, rửa chén xong tiếp tục rửa cá, khi hết tận dụng được mới đem đi tưới cây. Đợt hạn, mặn gay gắt khiến cuộc sống của 4 người gia đình chị bị đảo lộn. “Hồi chưa có xe cho nước từ thiện, toilet cạn khô không thể xả, tôi phải đợi đến tối dẫn 2 cháu ra đồng đào lỗ đi vệ sinh” - mẹ chồng chị Quyên nói.

Không đủ dụng cụ trữ nước, chị Bùi Thị Kim Quyên dùng nồi, xô, thau, thậm chí thùng lau nhà để chứa nước từ thiện xin về

Không đủ dụng cụ trữ nước, chị Bùi Thị Kim Quyên dùng nồi, xô, thau, thậm chí thùng lau nhà để chứa nước từ thiện xin về

Có gần 9.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, những ngày qua, tỉnh Tiền Giang mở hơn 100 vòi nước công cộng để “giải khát” cho người dân.

Cách nhà chị Quyên khoảng 3km, dù ở gần vòi nước công cộng của xã nhưng một tháng nay, bà Lê Thị Yêm (65 tuổi, ấp 4) phải mua nước ngọt với giá 100.000 đồng/m3 để xài.

Các con đi làm xa, ông bà ở nhà giữ cháu. Gần một tháng trước, trong khi đẩy xe cút kít đi lấy nước, bà bị tăng huyết áp té ngã. Khi bà còn chưa kịp bình phục, 3 hôm sau, lúc chạy xe máy chở nước vừa về đến nhà, xe tiếp tục lật, bà Yêm bị xe đè bất tỉnh, may thay được người hàng xóm phát hiện đưa đi cấp cứu. Cụ bà bị giập một bên sườn phải uống thuốc nhiều ngày mới khỏi.

“Già yếu rồi, không có nước cũng chết mà lụm cụm đi lấy nước cũng dễ chết, khổ lắm các cháu ơi!” - bà Yêm nói.

“Người dân miền Tây cần sống chung với hạn, mặn”

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề nguồn nước sạch mùa khô ngày 07/4/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà yêu cầu ngoài giải pháp công trình, phi công trình của Nhà nước, người dân cần tự trữ nước cho mùa khô theo tinh thần sống chung với hạn, mặn.

“Người dân cần tận dụng nguồn nước mưa, lựa chọn các vật liệu rẻ tiền, thân thiện môi trường để xây các bể chứa ngầm hay trên mái nhà để trữ nước cho mùa khô” - Phó Thủ tướng nói.

(còn tiếp)

Bài 2: Bên những cánh đồng khô

Thanh Nga - Thường Sơn

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dong-bang-song-cuu-long-trong-con-khat-dai-dang-mua-kho-khat-nuoc-giua-mien-song-nuoc-bai-1--a175994.html