Đồng bào Vân Kiều tổ chức lễ Ra Pưp tưởng nhớ cội nguồn

Cứ đến dịp tháng 2 âm lịch (từ khoảng giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 dương lịch) hàng năm, người Vân Kiều sinh sống ở các vùng rừng núi miền Tây Quảng Trị lại trang nghiêm tổ chức nghi lễ tưởng nhớ người đã khuất. Đây là những quan niệm riêng, khác biệt được hình thành, tồn tại và duy trì qua bao đời nay.

Người Vân Kiều rất kiêng cữ những việc làm liên quan đến người đã khuất, ngay cả nhắc đến tên người chết theo họ quan niệm cũng là điều không nên. Khi có người qua đời, người Vân Kiều sẽ mai táng người chết ở… rừng ma. Việc mai táng diễn ra hết sức nhanh chóng và kể từ đó những người còn sống xem như chẳng còn liên quan gì đến người chết. Đặc biệt, người thân, con cháu trong gia đình, dòng họ sẽ chẳng bao giờ bước chân vào rừng ma để thăm phần mộ của người đã khuất.

Người Vân Kiều ở xã Hướng Sơn tổ chức lễ Ra Pưp giỗ.

Người Vân Kiều ở xã Hướng Sơn tổ chức lễ Ra Pưp giỗ.

Tuy vậy, thường vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm, người Vân Kiều sẽ tổ chức lễ Ra Pưp giỗ, còn gọi là giỗ họ để tỏ lòng thương nhớ tổ tiên, những người thân yêu đã đi xa và giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ con cháu mai sau. Già Hồ Văn Ất (87 tuổi, ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa) chia sẻ, lễ Ra Pưp giỗ của tộc người Vân Kiều xuất xứ từ thời xa xưa với đầy đủ nghi lễ mang đậm tín ngưỡng đa thần cổ xưa, được trao truyền từ đời này qua đời khác. Sau một thời gian, có thể là 2 năm, nhưng cũng có thể là 5 đến 10 năm kể từ khi một hoặc một số gia đình trong cùng dòng họ có người thân qua đời và yên nghỉ ở rừng ma, đại diện các gia đình cùng dòng họ sẽ gặp gỡ bàn bạc thống nhất về thời gian, thường vào dịp trên và địa điểm thường là bãi đất trống gần cửa rừng để tổ chức lễ Ra Pưp giỗ. Các gia đình trong dòng họ cũng sẽ thống nhất về việc đóng góp kinh phí, cắt cử con em phục vụ và tiếp đón khách đến thăm.

Sau khi dựng rạp (tiếng Vân Kiều gọi là “ra mông”) và ở giữa dựng một ngôi nhà sàn tượng trưng cùng với bàn thờ (xa khẳn), xung quanh có sạp (ka chơng) dành cho các dòng họ. Phần tiếp theo sẽ là nghi lễ mời gọi và chào đón linh hồn những người đã khuất về dự lễ. Để nhận biết lễ Ra Pưp giỗ là những di ảnh của người chết và thường những người thân trong mỗi gia đình sẽ ngồi gần với di ảnh. Lễ vật không thể thiếu là gà, lợn, dê, trâu, bò, cơm nếp cùng một số món ăn truyền thống. Lễ Ra Pưp giỗ thường diễn ra suốt đêm với nhạc cụ chủ yếu là trống, chiêng, khèn. Kết thúc lễ cũng là lúc người thân trong gia đình, dòng họ chia tay và tiễn linh hồn những đã khuất trở về yên nghỉ với núi rừng.

Gia đình ông Hồ Văn Dưn ở xã Hướng Việt chuẩn bị lúa mới để cúng Ra Pưp khơi cu ya.

Gia đình ông Hồ Văn Dưn ở xã Hướng Việt chuẩn bị lúa mới để cúng Ra Pưp khơi cu ya.

Ngoài ra, người Vân Kiều còn có lễ Ra Pưp khơi cu ya tương tự Ra Pưp giỗ. Ở lễ này, chủ lễ sẽ gặp gỡ trao đổi với ba thế hệ của ba dòng họ có quan hệ huyết thống với gia đình chủ lễ. Sau khi đã thống nhất thì mỗi dòng họ sẽ mang tặng chủ lễ một con bò để làm lễ vật. Cũng như Ra Pưp giỗ, việc tiếp theo của gia đình chủ lễ và ba dòng họ là dựng ra mông và một ngôi nhà sàn tượng trưng ở giữa, xung quanh là sạp bằng tre, hoặc cây rừng để dành cho mỗi dòng họ. Tiếp theo, gia đình chủ lễ sẽ làm những chiếc quan tài tượng trưng và viết tên những người đã khuất để mời về dự lễ. Chủ lễ sẽ cúng và làm phép với những chiếc quan tài tượng trưng này với ý nghĩa là an ủi, chào đón những người đã khuất.

Phần nghi lễ chính của Ra Pưp khơi cu ya là những người cao tuổi sẽ hát làn điệu Roai để gọi hồn người chết trở về, sau đó là phần nghi lễ cúng của gia đình chủ lễ để cầu xin sự giúp đỡ của thần linh và cả những người chết để cuộc sống luôn được may mắn. Già Hồ Văn Pù (89 tuổi, ở xã Hướng Việt, Hướng Hóa) cho biết, bên cạnh ý nghĩa trên, việc tổ chức Ra Pưp khơi cu ya còn để con cháu của ba dòng họ gặp gỡ và từ đó có thể dựng vợ gả chồng, gia đình chủ lễ sẽ được phép làm nhà đẹp bằng gỗ rừng. Chừng nào chưa tổ chức Ra Pưp khơi cu ya, những việc trên đều bị xem là điều cấm kỵ. Khác với Ra Pưp giỗ, nhịp trống, chiêng trong Ra Pưp khơi cu ya sẽ chậm hơn, trống không đánh liên hồi mà chỉ điểm 3 tiếng một lần. Không khí của buổi lễ cũng nhẹ nhàng và vui vẻ.

Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Quảng Trị chia sẻ, với cuộc sống gắn bó cùng thiên nhiên, những hình thức nghi lễ thờ cúng của người Vân Kiều giữa núi rừng miền Tây Quảng Trị vừa thể hiện quan niệm của con người về cuộc sống và thế giới xung quanh, về lòng biết ơn đối với tổ tiên, vừa góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc nói chung.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/dong-bao-van-kieu-to-chuc-le-ra-pup-tuong-nho-coi-nguon-i725911/