Động đất mạnh nhất hơn 100 năm qua: Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ rất nhạy cảm với loại thiên tai này?
Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2/2023 là mạnh nhất tại khu vực trong hơn 100 năm qua. Nhìn lại lịch sử các trận động đất lớn ở khu vực này cũng như kiến tạo địa chất, các nhà khoa học đã đưa ra những kiến giải.
Khoảng 4h sáng (giờ địa phương) hôm 6/2, một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter đã tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khiến dư chấn lan tới các khu vực ở xa như đảo Síp (456 km), Lebanon (874 km), Israel (1.381 km) và Ai Cập (1.411 km).
Tâm chấn nằm gần thành phố Gaziantep ở miền trung nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có hơn hai triệu người sinh sống. Dân số này cũng bao gồm rất nhiều người tị nạn Syria từ năm 2011. Ít nhất 40 cơn dư chấn đã xảy ra sau đó, theo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, với một số cơn dư chấn lên tới 6,7 độ.
Đây là trận động đất mạnh nhất làm rung chuyển khu vực này trong hơn 100 năm qua và đã giết chết ít nhất 2.300 người trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tính đến tối thứ Hai, theo các quan chức.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính số thiệt hại nhân mạng từ 1.000-10.000 người.
Trong khi khu vực bị ảnh hưởng vẫn đang khắc phục hậu quả, Thổ Nhĩ Kỳ lại hứng chịu thêm trận động đất thứ 2 lúc 13h24 hôm nay (17h24 giờ Hà Nội). Theo USGS, cơn động đất thứ 2 này mạnh 7,5 độ, xảy ra ở khu vực Ekinozu thuộc tỉnh Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Hàng nghìn người bị thương và một số người vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố cảnh báo cấp 4 kêu gọi viện trợ quốc tế; Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nga và Azerbaijan được cho là đã gửi viện trợ. Mức độ tàn phá vẫn đang diễn ra: các nhân viên cứu hộ đang tích cực tìm kiếm cứu nạn. Các nỗ lực cứu hộ rất phức tạp do thời tiết mưa và băng giá ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Vì sao động đất lần này gây thiệt hại nặng?
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, tâm chấn của trận động đất ở độ sâu 18 km. Tâm chấn cách Gaziantep khoảng 33 km. Theo USGS, khu vực này có nhiều tòa nhà được xây dựng bằng bê tông giòn (khiến chúng dễ bị nứt, vỡ, mất độ bền hoặc bị ăn mòn thép), khiến chúng "cực kỳ dễ bị tác động bởi động đất".
Theo Phó Tổng thống Fuat Otkay, gần 900 tòa nhà đã bị phá hủy ở các tỉnh Gaziantep và Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả các tòa nhà nằm trên vành đai xuyên biên giới nối các thành phố Aleppo và Hama của Syria với Diyarbakir của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị đổ nát. Người đứng đầu Trung tâm Động đất Quốc gia Syria, Raed Ahmed, nói với truyền thông địa phương rằng đây là "trận động đất lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận của trung tâm".
Hình ảnh cho thấy thiệt hại nặng nề đối với đường sá, tòa nhà, ô tô, trung tâm mua sắm và sân bay. Cường độ của trận động đất lớn đến mức đường băng tại sân bay Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ bị xé toạc. Theo các quan chức, ít nhất 10 thành phố đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, với hơn 2.818 tòa nhà bị phá hủy.
Lâu đài lịch sử bằng đá 2.200 năm tuổi nằm trên đỉnh một ngọn đồi ở trung tâm Gaziantep - địa danh nổi tiếng nhất của thành phố từng được sử dụng làm đài quan sát trong thời La Mã - đã bị hư hại, với những bức tường và tháp canh đã bị phá hủy. Một trong những địa điểm nổi bật nhất ở Maltaya, Nhà thờ Hồi giáo Yeni nổi tiếng có từ thế kỷ 13, cũng đã sụp đổ.
Điểm nóng của động đất
Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị tác động bởi động đất. Theo Cơ quan Quản lý Thảm họa và Khẩn cấp (AFAD), riêng năm 2020, khu vực này đã ghi nhận gần 33.000 trận động đất. Trong số này, 332 trận động đất có cường độ 4,0 độ richter trở lên.
Khả năng xảy ra động đất của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ vị trí kiến tạo của nó. Lớp ngoài cùng của Trái đất bao gồm khoảng 15 phiến chính, được gọi là các mảng kiến tạo. Ranh giới giữa các mảng này là một hệ thống đứt gãy. Theo Cơ quan Khảo sát Khảo cổ học Anh, bất kỳ chuyển động đột ngột nào dọc theo các đứt gãy này đều có thể gây ra động đất.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng kiến tạo Anatolia, nằm giữa 2 mảng lớn là Á-Âu và châu Phi, và một mảng nhỏ là mảng Ả Rập. Khi các mảng châu Phi và Ả Rập dịch chuyển, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng kiến tạo Anatolia bị ép chặt, trong khi mảng Á-Âu cản trở mọi chuyển động về phía bắc.
Các chuyên gia thông tin cho đài ABC rằng đứt gãy Bắc Anatolia gần giống như một chiếc cúc áo sơ mi bị kéo ra. Khi một nút bật ra, nút đó sẽ chuyển áp lực sang nút tiếp theo, làm cho nút đó có khả năng bật ra, tạo phản ứng dây chuyền.
Đường đứt gãy Bắc Anatolia (NAF), điểm gặp nhau của các mảng kiến tạo Á-Âu và Anatolia - được coi là "có sức tàn phá đặc biệt".
NAF là một trong những hệ thống đứt gãy được hiểu sâu sắc nhất trên thế giới, trải dài từ phía nam Istanbul đến đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ và đã từng gây ra những trận động đất thảm khốc trong quá khứ. Vào năm 1999, nó đã gây ra hai trận động đất - có cường độ 7,4 và 7,0 độ richter - ở các tỉnh Gölcük và Düzce. Gần 18.000 người chết và hơn 45.000 người bị thương. Năm 2011, hơn 500 người thiệt mạng khi trận động đất mạnh 7,1 độ richter làm rung chuyển thành phố Van phía đông.
Chưa kể, Thổ Nhĩ Kỳ còn nằm trên đường đứt gãy Đông Anatolian, ranh giới kiến tạo giữa mảng Anatolian và mảng Ả Rập. Nó chạy 650 km từ phía đông Thổ Nhĩ Kỳ tới Địa Trung Hải. Ngoài ra, mảng biển Aegean, nằm ở phía đông biển Địa Trung Hải, phía nam Hy Lạp và phía tây Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là một nguồn hoạt động địa chấn trong khu vực.
Theo một ước tính, gần 95% diện tích nước này dễ xảy ra động đất, trong khi khoảng 1/3 diện tích có nguy cơ xảy ra động đất cao, bao gồm các khu vực xung quanh các thành phố lớn Istanbul và Izmir cũng như khu vực Đông Anatolia.
Lịch sử động đất "đáng sợ"
Các cơn chấn động hôm 6/2 được cho là mạnh nhất kể từ tháng 12 năm 1939, khi một trận động đất mạnh 8,0 độ xảy ra gần thành phố Erzincan phía đông đất nước. Trận động đất đó đã giết chết hơn 20.000 người và làm hư hại gần 116.720 tòa nhà.
Từ năm 1939 đến 1999, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến 5 trận động đất lớn. Vào tháng 8 năm 1999, Trận động đất ở Izmit đã tấn công hệ thống đứt gãy Antolian, có cường độ 7,4 độ richter và làm rung chuyển một số khu vực đô thị đông dân cư nhất trong gần một phút. 17.000 người chết, 120.000 ngôi nhà đổ nát và 250.000 người trở thành vô gia cư. Ba tháng sau, một trận động đất 7,2 độ Richter lại xảy ra ở NAF khiến hơn 845 người thiệt mạng ở tỉnh Duzce và các vùng lân cận.
Kể từ năm 1900, hơn 90.000 người đã thiệt mạng trong 76 trận động đất. Khoảng một nửa trong số này thiệt mạng trong các trận động đất vào năm 1939 và 1999. Về mặt tài chính, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt hại trực tiếp hơn 25 tỷ USD trong thế kỷ qua.
Vào năm 2021, trong một "dự báo thảm họa", một hội đồng chuyên gia đã cảnh báo rằng 200.000 tòa nhà ở Istanbul có nguy cơ bị hư hại ở mức độ trung bình hoặc cao, gây nguy hiểm đến tính mạng của ba triệu cư dân trong thành phố.