Đồng Nai: Chậm di dời doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Đồng Nai phê duyệt Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ và cải thiện môi trường, tuy nhiên tình hình triển khai di dời các doanh nghiệp còn chậm.

Bảng chỉ dẫn Khu kỹ nghệ Biên Hòa đã có từ năm 1963. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bảng chỉ dẫn Khu kỹ nghệ Biên Hòa đã có từ năm 1963. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 16/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai làm việc với các đơn vị liên quan về tình hình triển khai di dời các doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết tháng 2/2024, Đồng Nai phê duyệt Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ và cải thiện môi trường.

Theo đề án, tỉnh sẽ di dời toàn bộ doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1, trong đó, giai đoạn 1 di dời 14 doanh nghiệp, hoàn thành vào cuối tháng 12/2024; giai đoạn 2 đến cuối tháng 12/2025 di dời tất cả doanh nghiệp.

Tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có hơn 70 doanh nghiệp đang thuê đất; trong đó có 67 doanh nghiệp thời hạn thuê đất đến năm 2051. Đến thời điểm này, giai đoạn 1 của đề án đang chậm tiến độ ở nhiều khâu, điển hình là chưa có doanh nghiệp di dời; Sở Tài nguyên-Môi trường Đồng Nai và thành phố Biên Hòa chưa thực hiện lập thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng; chưa lập đề án khai thác đất vùng phụ cận để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, việc di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là chưa có tiền lệ ở nước ta, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Rà soát cho thấy, đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa lên kế hoạch di dời, chưa có địa điểm dời đến.

Doanh nghiệp đồng tình với chủ trương của tỉnh, điều mà doanh nghiệp, người lao động quan tâm nhất là chính sách hỗ trợ khi di dời.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai kiến nghị tỉnh gia hạn thời gian thực hiện di dời; có chính sách di dời, bồi thường, hỗ trợ về tín dụng đối với doanh nghiệp và người lao động.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Biên Hòa, trong phạm vi triển khai Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có hơn 1.500 hộ, đến nay có trên 1.250 hộ đã bàn giao mặt bằng, số còn lại vẫn chưa được bồi thường, hỗ trợ.

Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết đang phối hợp cùng các đơn vị khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của người lao động để làm cơ sở lập đề án hỗ trợ.

Sở chưa hoàn thành các phần việc theo kế hoạch, dự kiến cuối năm nay mới có thể trình tỉnh chính sách hỗ trợ người lao động khi doanh nghiệp dời đi.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, hàng chục năm qua Đồng Nai đã có chủ trương di dời doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1; năm 2014, Chính phủ cũng có văn bản chấp thuận, cho phép tỉnh phê duyệt đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ.

Những năm qua, Đồng Nai đã nhiều lần bàn bạc, doanh nghiệp nắm rõ chủ trương di dời. Tuy nhiên, việc triển khai đề án có lúc chưa quyết liệt, nhiều thời điểm bị gián đoạn.

 Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Công Phong/ TTXVN)

Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Công Phong/ TTXVN)

Ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai khẳng định việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường là tất yếu khách quan, nhằm phát triển thành phố Biên Hòa theo đúng quy hoạch, góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc thành phố Biên Hòa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế ô nhiễm môi trường nước sông Đồng Nai.

Khi đề án hoàn thành, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay sẽ thành khu đô thị- thương mại-dịch vụ hiện đại, văn minh nằm trải dài bên bờ sông Đồng Nai, tiếp giáp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51.

Ông Võ Tấn Đức yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai tăng cường phối hợp với các đơn vị để thống nhất các nội dung, đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án.

Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính phối hợp tham mưu tỉnh Đồng Nai các cơ chế, chính sách, giải pháp để hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, đặc biệt lưu ý chính sách với lao động lớn tuổi, không tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp khi di dời.

Thành phố Biên Hòa khẩn trương lập phương án bồi thường, tái định cư cho người dân. Các đơn vị nghiên cứu, xem xét các quy định pháp luật để tránh xảy ra khiếu kiện, tranh chấp khi di dời.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có diện tích hơn 330ha, hình thành từ năm 1963, đây là khu công nghiệp lâu đời nhất ở nước ta.

Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dong-nai-cham-di-doi-doanh-nghiep-ra-khoi-khu-cong-nghiep-bien-hoa-1-post950724.vnp