Động thái mới, chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Putin và quan hệ Nga-Trung dưới góc nhìn quốc tế

Giai đoạn mới, bối cảnh mới, đối phương thay đổi, tất yếu Nga phải điều chỉnh để tiếp tục trụ vững, phát triển. Xứ bạch dương có động thái, bước đi đầu tiên nào?

Nếu NATO đưa quân vào Ukraine, trực tiếp đe dọa an ninh Nga, có nguy cơ cuộc chiến tổng lực bùng nổ trên phạm vi rộng. (Nguồn: Atlantic Council)

Nếu NATO đưa quân vào Ukraine, trực tiếp đe dọa an ninh Nga, có nguy cơ cuộc chiến tổng lực bùng nổ trên phạm vi rộng. (Nguồn: Atlantic Council)

Thế thời phải thế

Khi nguy cơ bùng phát cuộc chiến trực tiếp giữa Israel và Iran tạm lắng, NATO và phương Tây giật mình trước tình thế nguy hiểm của Ukraine. “Két” mở, nhiều vũ khí hiện đại, trước đó còn dè dặt như máy bay F16, tên lửa tầm xa ATACMS, Storm Shadow… gấp rút gửi đến, tiếp lửa cho Ukraine. Một loạt tuyên bố rắn, sẵn sàng gửi binh sĩ đến chiến trường, lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine… Không chỉ lời nói, NATO thị uy bằng cuộc diễn tập lớn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, gần biên giới Nga, kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5, với khoảng 90.000 binh sĩ, 1.100 phương tiện chiến đấu của 32 quốc gia thành viên.

Được tiếp sức, Ukraine vừa gắng phòng thủ vừa tập kích bằng UAV, tên lửa vào nhiều mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga; tuyên bố sẵn sàng phản công lớn “giành lại thế chủ động”. Chưa biết NATO có hành động gì khi Ukraine bên miệng hố sụp đổ, nhưng chắc chắn họ sẽ tập trung nỗ lực vào thời điểm rất quan trọng, nhằm thay đổi cục diện, quyết không để Nga thắng. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, NATO đang chuẩn bị cho một cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga trong mọi môi trường, trên mọi hướng. Đặc biệt, nếu NATO đưa quân vào Ukraine, trực tiếp đe dọa an ninh Nga, có nguy cơ cuộc chiến tổng lực bùng nổ trên phạm vi rộng.

Ngày 7/5, ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 5, đưa đất nước “trỗi dậy mạnh mẽ hơn” sau giai đoạn đầy khó khăn vừa qua. Chiến dịch quân sự đặc biệt kéo dài sang năm thứ ba, Moscow giành một số thắng lợi quan trọng, nhưng vẫn chưa đạt mong muốn. Nga cũng chịu không ít “thương tích” về binh sĩ, vũ khí, kinh tế, chính trị, ngoại giao... Nhu cầu quân sự, quốc phòng cao (khoảng 6,7% GDP), trong khi dầu khí, nông sản, 2 “mũi nhọn” kinh tế suy giảm do lệnh cấm vận và biến đổi khí hậu.

Cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc đọ sức về kinh tế, chính trị, ngoại giao, công nghệ, thông tin, truyền thông… với phương Tây, NATO căng thẳng, quyết liệt hơn. Dự báo cuộc chiến hỗn hợp có thể kéo dài, nhưng hai bên đều hiểu đây là giai đoạn có tính quyết định kết cục. Nếu không nỗ lực cao hơn trong giai đoạn này, mọi kết quả trước đó sẽ không còn nhiều giá trị.

Tình thế đòi hỏi Nga phải tạo thêm động lực, nguồn lực nhằm thực hiện Sắc lệnh Tổng thống về các mục tiêu phát triển Liên bang Nga đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Theo đó, mục tiêu tổng quát là: Phát triển kinh tế bền vững, phát triển xã hội, củng cố quyền lực nhà nước, văn hóa, các giá trị truyền thống, gia tăng dân số và cải thiện chất lượng sống cho người dân…

Nga phải hài hòa các mục tiêu: phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, giữ ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội cao, bảo đảm tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh và củng cố quan hệ hợp tác quốc tế, khôi phục vị thế siêu cường. Tất yếu Moscow phải điều chỉnh, có giải pháp mới về quân sự, kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ, đối nội và đối ngoại.

Nội các mới, ổn định, kế thừa và phát triển

Nhân sự bộ máy chính phủ là yếu tố quyết định. Thời gian quy định của Hiến pháp là hai tháng rưỡi để đệ trình cơ cấu, thành phần chính phủ lên Quốc hội. Nhưng chưa đầy một tuần sau ngày nhậm chức, Tổng thống Putin đã thông qua nhân sự Thủ tướng và thành phần nội các mới để Thượng viện phê chuẩn. Theo đó, các nhân sự chủ chốt như Thủ tướng, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp… giữ nguyên. Sự điều chỉnh quan trọng là tăng lên 10 Phó Thủ tướng và thay đổi Bộ trưởng Quốc phòng.

Động thái thành lập nội các mới cho thấy Nga kế thừa, duy trì, giữ ổn định hệ thống chính trị-xã hội. (Nguồn: Moscow Times)

Động thái thành lập nội các mới cho thấy Nga kế thừa, duy trì, giữ ổn định hệ thống chính trị-xã hội. (Nguồn: Moscow Times)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công thương nhiệm kỳ trước, Denis Manturov làm Phó Thủ tướng thứ nhất, đặc trách lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp quốc phòng, mua sắm quốc phòng, thực thi pháp luật, hợp tác quốc tế về kỹ thuật quân sự, dự trữ và quản lý dự trữ vật chất nhà nước. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Vitaly Savelyev làm Phó Thủ tướng phụ trách vận tải, hậu cần. Bộ trưởng Nông nghiệp Dmitry Patrushev làm Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp và môi trường… Một số thống đốc vùng làm Bộ trưởng thay thế những người đảm nhiệm cương vị mới. Việc điều chỉnh thể hiện sự tin tưởng, hiệu quả của các nhân sự trên và tầm quan trọng, ưu tiên đối với các lĩnh vực mũi nhọn về kinh tế, quốc phòng, công nghiệp, công nghệ mới…

Đáng chú ý nhất là Phó Thủ tướng, cố vấn kinh tế tin cậy, Andrey Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng thay ông Sergei Shoigu, giữ cương vị Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia. Có vẻ bất ngờ nhưng có lý. Việc bổ nhiệm chứng tỏ vai trò nền tảng của kinh tế với tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, chiến dịch quân sự. Bộ trưởng Andrey Belousov thực thi quản lý nhà nước về quốc phòng, được kỳ vọng quản lý chặt hơn, giải quyết hài hòa, hiệu quả hơn mối quan hệ giữa khả năng của nền kinh tế với nhu cầu ngày càng cao của quốc phòng, kết hợp kinh tế - quân sự trong chiến lược phát triển đất nước.

Bộ Tổng tham mưu không thay đổi, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov tiếp tục chỉ huy, điều hành, giám sát mọi hoạt động của Lực lượng vũ trang Nga. Có nghĩa là, kết cấu hệ thống quân đội và chiến lược quân sự của Nga ở Ukraine về cơ bản không thay đổi.

Cùng với đó, trong bối cảnh các sự kiện chính trị quan trọng, lễ nhậm chức Tổng thống và lễ duyệt binh kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng, Nga thông báo tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đây là động thái quan trọng, đòn cân não, răn đe, đáp trả tuyên bố, hành động can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine, đe dọa an ninh Nga của phương Tây, NATO.

Động thái thành lập nội các mới cho thấy Nga kế thừa, duy trì, giữ ổn định hệ thống chính trị-xã hội; đồng thời có những điều chỉnh với tầm nhìn mới, động lực mới, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn các lĩnh vực, vượt qua mọi thách thức, thực hiện mục tiêu đề ra, giành lợi thế cao nhất, kết cục lợi nhất có thể, trong chiến dịch quân sự đặc biệt và cuộc đối đầu toàn diện với phương Tây, NATO.

Chuyến công cán đầu tiên và định hướng chính sách ngoại giao

Ông Sergei Lavrov, sau 20 năm đứng đầu Bộ Ngoại giao, tiếp tục đảm nhiệm cương vị này trong nội các mới. Điều đó thể hiện sự tin cậy cao của Tổng thống Putin và khẳng định Nga sẽ duy trì và thúc đẩy mặt trận ngoại giao thực chất, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới. Theo đó, Moscow đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, quan hệ nhiều mặt với các đối tác, trên các châu lục, khu vực, địa bàn chiến lược. Trọng tâm là củng cố, phát triển BRICS, hợp tác kinh tế Á - Âu, quan hệ với châu Phi, các nước Nam bán cầu…

Nga gắn cuộc xung đột ở Ukraine, đối đầu với phương Tây, NATO với cuộc đấu tranh xây dựng trật tự thế giới đa cực, công bằng hơn; đồng thời, tuyên bố sẵn sàng đàm phán với phương Tây. Bằng cách đó, Moscow nâng tầm ý nghĩa quốc tế cuộc chiến hỗn hợp của mình, duy trì, củng cố quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi, đối phó với đòn bao vây, cô lập chính trị, ngoại giao, trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại cuộc gặp không chính thức ở thủ đô Bắc Kinh ngày 16/5. (Nguồn: AP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại cuộc gặp không chính thức ở thủ đô Bắc Kinh ngày 16/5. (Nguồn: AP)

Thu hút sự chú ý của quốc tế là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông chủ Điện Kremlin trong nhiệm kỳ mới, nâng số cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Trung Quốc lên hơn 40 lần, cho thấy ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga và tầm quan trọng của quan hệ “không giới hạn” giữa hai nước. Cơ sở của quan hệ giữa hai nước là nguyên tắc bình đẳng, tin cậy, tôn trọng chủ quyền, quan tâm đến lợi ích của nhau; có mối quan tâm chung, đối phó với thách thức từ phương Tây, NATO và những lợi ích chung, bổ sung, hỗ trợ nhau.

Bên cạnh đó, quan hệ hai nước cũng đứng trước những khó khăn, có những điểm khác nhau, nhất là trước lệnh trừng phạt kinh tế và thủ đoạn chia rẽ của phương Tây. Phương Tây muốn Trung Quốc không cung cấp nguyên liệu, công nghệ và thiết bị kĩ thuật có tính lưỡng dụng cho Nga và gây sức ép buộc Moscow chấp nhận kế hoạch hòa bình được họ bảo trợ. Đây là vấn đề quan trọng mà hai nước sẽ trao đổi trong chương trình nghị sự để ứng phó hiệu quả, hạn chế tác động tiêu cực.

Các cuộc hội đàm, Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác trong kỷ nguyên mới và các văn kiện hợp tác khác được ký kết cho thấy nội dung, kết quả chuyến thăm và những thông điệp quan trọng.

Hai bên thảo luận chi tiết toàn bộ các vấn đề liên quan đến thúc đẩy quan hệ song phương trong bối cảnh mới; trọng tâm là hợp tác đầu tư, thương mại, công nghiệp, công nghệ cao, vũ trụ, năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo… Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình trao đổi và có sự tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực như: trật tự thế giới đa cực, sự gia tăng hiện diện quân sự, liên minh hợp tác an ninh ở khu vực, gây mất ổn định ở Đông Bắc Á, Biển Đông…; giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine và hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu tại Liên hợp quốc… Hai lãnh đạo nhấn mạnh quan hệ song phương phát triển chưa từng thấy, lên cấp độ cao hơn so với những hình thức liên kết quân sự - chính trị thời Chiến tranh lạnh.

Tuyên bố chung Nga-Trung gửi đi những thông điệp quan trọng. Một, hai nước luôn sát cánh cùng nhau bất chấp mọi áp lực từ bên ngoài. Quan hệ hợp tác song phương vì lợi ích của hai nước và có lợi cho hòa bình, ổn định của khu vực, thế giới. Hai, mối quan hệ Nga-Trung không mang bản chất liên minh theo khối, không có tính cơ hội, không nhằm đối đầu, nhằm vào bên thứ ba. Ba, hai nước sẽ nỗ lực thúc đẩy hình thành trật tự thế giới mới theo xu thế đa cực, dựa trên công lý, công bằng, dân chủ hơn.

***

Xung đột ở Ukraine, Dải Gaza và quan hệ Nga-Trung là những từ khóa hot trên báo chí, truyền thông nhiều nước. Xung đột ở Ukraine như “hố đen” có sức hút ghê gớm; chuyến thăm của Tống thống Putin cũng không kém.

Xung đột ở Ukraine trước nguy cơ bùng phát chiến tranh tổng lực? (Nguồn: Ukraine Frontline)

Xung đột ở Ukraine trước nguy cơ bùng phát chiến tranh tổng lực? (Nguồn: Ukraine Frontline)

Bước đầu, đa số nước đưa tin, bình luận, phản ứng thận trọng. Nhiều nước thừa nhận chuyến thăm đánh dấu một cột mốc quan trọng mới, quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung đang phát triển nhanh chóng trong bối cảnh thế giới chia rẽ, đối đầu phức tạp và xung đột gia tăng ở Ukraine. Nội các mới, sự điều chỉnh chính sách của Moscow, tăng cường quan hệ Nga-Trung, sẽ tạo đối trọng với phương Tây, tác động đến sự hình thành trật tự thế giới mới.

Đại diện Nhà Trắng nói Tuyên bố chung không có gì mới. Nhưng thực chất Mỹ lo ngại quan hệ song phương Nga-Trung về kinh tế, quân sự, ngoại giao, công nghệ…, làm suy yếu lệnh trừng phạt, gây khó khăn hơn cho phương Tây, Ukraine. Mỹ, phương Tây không thể không can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng nếu quá mức, có thể đẩy Moscow vào tình thế sử dụng con bài mới, gia tăng nguy cơ bùng phát chiến tranh tổng lực với NATO.

Dù góc nhìn khác nhau, nhưng các nước sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, để điều chỉnh chính sách, quan hệ phù hợp nhất.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-thai-moi-chuyen-cong-du-dau-tien-cua-tong-thong-putin-va-quan-he-nga-trung-duoi-goc-nhin-quoc-te-271897.html