Dòng tiền nội trở lại, hỗ trợ tích cực cho thị trường

Dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch gần đây, với thanh khoản ở mức cao. Chuyên gia kỳ vọng với những yếu tố như định giá hấp dẫn, hệ thống KRX dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2023, triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi... sẽ là điểm sáng để 'giữ chân' dòng tiền.

Nhóm nhà đầu cá nhân mua ròng 19.000 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2023. Ảnh: TL

Nhóm nhà đầu cá nhân mua ròng 19.000 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2023. Ảnh: TL

Thanh khoản được cải thiện

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu và lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm thấp, dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại kênh chứng khoán giúp thanh khoản giao dịch phục hồi và là tín hiệu tích cực hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Việc thanh khoản 4 phiên gần đây đạt mức bình quân trên 20.000 tỷ đồng cho thấy dòng tiền đứng ngoài đã trở lại. Các công ty chứng khoán cho rằng, nhìn chung thị trường đã hình thành được vùng cân bằng sau 2 tuần nỗ lực phục hồi và tiếp theo sẽ là giai đoạn của quá trình đi lên. Tuy nhiên, với những điểm trừ hiện có thì khả năng đi lên mạnh của thị trường là rất khó. Quá trình này sẽ chứng kiến nhiều đoạn rung lắc khá thử thách, đan xen với những phiên tăng giảm thường xuyên xảy ra.

Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy nhà đầu tư nội vẫn tiếp tục ở lại với thị trường cổ phiếu, với tỷ lệ sinh lời ước đạt 7,87%, cao hơn mức tiền gửi bình quân. Nhóm nhà đầu tư cá nhân mua ròng tới 19.000 tỷ đồng cổ phiếu trong 3 quý đầu năm 2023, trái ngược mức 16.000 tỷ đồng bán ròng ở cả năm trước, bất chấp việc khối ngoại bán ròng. Tính tới cuối quý III/2023, quy mô tiền gửi nhà đầu tư tại công ty chứng khoán vẫn giữ được xu hướng tăng kể từ cuối năm ngoái, đạt khoảng 78 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay nhà đầu tư cá nhân đang chiếm khoảng 85% tổng giá trị giao dịch. Số tài khoản chứng khoán do cá nhân mở mới từ đầu năm đến nay cũng tăng vọt, tiệm cận giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Sở dĩ chứng khoán vẫn thu hút nhà đầu tư do định giá thị trường đã hấp dẫn hơn. P/E hiện tại của thị trường ở mức 13 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình bình 5 năm là 15 lần. Như vậy, vùng định giá hiện tại đã tiệm cận đáy trung hạn. Ngoài ra, thu nhập toàn thị trường được dự báo cải thiện rõ nét hơn trong quý IV/2023.

Có sự chọn lọc hơn

Mặc dù có mức định giá hấp dẫn, tuy nhiên, với góc nhìn thận trọng, các chuyên gia cho rằng, VN-Index cần tích lũy thêm, sau đó phải thể hiện được sự dứt khoát trong đà tăng ngắn hạn để có thể khẳng định một xu hướng tăng dài hạn hơn. Điều này có thể được thể hiện rõ trong 1 - 2 tuần tới, sau khi chỉ số đã có diễn biến giằng co khá lâu.

Xu hướng phục hồi trong dài hạn được hỗ trợ rất nhiều từ các yếu tố cơ bản từ vĩ mô và định giá. Song, trong ngắn hạn thị trường có thể xuất hiện những đợt rung lắc do tác động từ các yếu tố tâm lý. Vì thế, nhà đầu tư ở giai đoạn này cần bám sát chiến lược đầu tư của cá nhân, quản trị rủi ro và hạn chế sử dụng margin khi những tín hiệu xác nhận về sự phục hồi trong ngắn hạn chưa xuất hiện.

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, ông Phan Khánh Linh - Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam, cho rằng thị trường giai đoạn hiện tại bắt đầu có sự tái cân bằng trở lại và sẽ có sự phân hóa rõ nét của dòng tiền. Theo đó, những cổ phiếu tăng vượt quá kỳ vọng của sự phục hồi sẽ giảm trở lại, những cổ phiếu nào có tiềm năng tăng trưởng sẽ thu hút dòng tiền. Dòng tiền bây giờ cũng chọn lọc, chứ không phải ồ ạt như giai đoạn trước.

Dòng tiền của nhà đầu tư vẫn luôn sẵn sàng tham gia thị trường khi thị trường chiết khấu đủ hấp dẫn, chứ không đứng ngoài thị trường và niềm tin của nhà đầu tư cá nhân cũng quay trở lại nhiều hơn.

“Thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế nói chung và hỗ trợ thị trường tài chính nói riêng cũng góp phần giúp dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán. Ngoài ra, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp đã qua giai đoạn xấu nhất, mặc dù có thể còn đối mặt với những thách thức phía trước. Tuy nhiên chúng ta có thể hy vọng vào sự phục hồi của các doanh nghiệp với kết quả kinh doanh vượt trội trong thời gian tới” - ông Linh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bức tranh thu nhập năm 2023 của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ổn định so với cùng kỳ năm trước tăng trưởng 7%, được cho là chất xúc tác tích cực cho thị trường chứng khoán thời gian tới. Kết quả này được coi là đáng khích lệ trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và doanh nghiệp đang phải đối phó với những cơn gió ngược từ môi trường toàn cầu.

Ngoài ra, hệ thống KRX dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2023. Đây sẽ là cột mốc quan trọng cho việc nâng hạng thị trường mới nổi của Việt Nam.

Hơn 7,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân

Theo số liệu của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2023 số lượng tài khoản giao dịch trong nước đạt 7.400.592 tài khoản. Trong đó, tài khoản của nhà đầu tư cá nhân là 7.384.707 tài khoản; tài khoản của nhà đầu tư tổ chức là 15.885 tài khoản. Số lượng tài khoản giao dịch nước ngoài đạt 44.952 tài khoản. Trong đó, tài khoản nhà đầu tư cá nhân là 40.429 tài khoản; tài khoản của nhà đầu tư tổ chức là 4.523 tài khoản.

Tấn Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dong-tien-noi-tro-lai-ho-tro-tich-cuc-cho-thi-truong-140071.html