Đốt rơm rạ tại đồng ruộng sẽ làm đất bị biến chất, chai cứng và khô cằn

Hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh đang bước vào thu hoạch lúa vụ đông xuân. Sau khi thu hoạch, người dân vô tư đốt rơm rạ (còn gọi là đốt đồng) tràn lan trên đồng ruộng. Khói bụi mù mịt từ việc đốt đồng cộng với thời tiết nắng nóng không chỉ làm cho không khí trở nên ngột ngạt, ảnh hưởng đến môi trường sống các khu dân cư, gây mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường đồng ruộng về lâu dài.

Những ngày chính vụ thu hoạch lúa đông xuân hiện nay, không khó để bắt gặp việc nhiều người dân phơi rơm rạ rồi đốt ngay tại đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch. Ghi nhận thực tế tại nhiều cánh đồng ở các địa phương như Hải Lăng, Triệu Phong, Đông Hà...thực trạng đốt đồng sau thu hoạch diễn ra rất nhiều.

Người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch tại một cánh đồng ở TP. Đông Hà - Ảnh: Đ.V

Người dân thường tranh thủ buổi chiều, tối để đốt rơm rạ sau khi được phơi khô ngay trên đồng. Rơm rạ đốt theo từng luống, tạo ra một lượng khói, bụi khá lớn bay mịt mù lên bầu trời và len lỏi vào các khu dân cư tạo nên một màu xám xịt, ảnh hưởng đến người đi đường và sinh hoạt của người dân.

Nhiều người cho rằng, việc đốt đồng nhằm tiêu diệt mầm mống dịch hại và một phần cỏ dại mọc trên đồng ruộng, đồng thời tạo ra một lượng tro làm phân bón trở lại cho đất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp thì việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mang lại cho đồng ruộng.

Trước hết, khi đốt đồng thì các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành các chất vô cơ; tro than của rơm rạ chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng.

Trong khi việc đốt đồng sẽ làm cho một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng bị khô kiệt. Nếu đốt đồng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất bị biến chất và chai cứng, khô cằn. Một tác hại khác của việc đốt đồng là gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm bầu không khí ở nông thôn.

Để xử lý thích hợp lượng rơm rạ trên đồng sau mỗi vụ lúa, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo nên sử dụng máy để cuốn rơm rạ thành từng bó. Sau đó tận dụng lượng rơm này trồng nấm, ủ làm phân bón hữu cơ, che tủ cho cây trồng hoặc làm thức ăn chăn nuôi cho trâu, bò. Lợi ích từ rơm rạ đã được các nhà khoa học chỉ ra nhưng để đi vào cuộc sống, cần có sự định hướng, tuyên truyền từ cấp cơ sở.

Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức xử lý rơm rạ để tránh lãng phí và gây ra những hệ lụy cho đất đai và môi trường.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dot-rom-ra-tai-dong-ruong-se-lam-dat-bi-bien-chat-chai-cung-va-kho-can-185285.htm