Dự án cầu yếu trên quốc lộ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng

Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các tuyến quốc lộ (QL) có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, gồm vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác và Phát triển kinh tế (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam dự kiến hoàn thành trong năm 2024, nhưng đến thời điểm này vẫn đang vướng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ.

Khó khăn giải phóng mặt bằng

Giai đoạn 1 của dự án sẽ tiến hành cải tạo theo hình thức xây mới 6 cây cầu, gồm: Cầu Bến Mới (QL38B, Nam Định), cầu Đoan Hùng (QL2, Phú Thọ), cầu Xóm Bóng (QL1C, Nha Trang), cầu Đa Phúc (QL3, nằm giữa Hà Nội và Thái Nguyên), cầu Sông Trường và Nước Oa (QL40B, Quảng Nam).

Thi công cầu Bến Mới trên QL38B. Ảnh: QT/TTXVN

Thi công cầu Bến Mới trên QL38B. Ảnh: QT/TTXVN

Theo mục tiêu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án nhằm bảo đảm tính kết nối đồng bộ, nâng cao hiệu quả khai thác mạng lưới đường bộ, tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng liên kết, giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách. Các dự án khởi công từ năm 2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2024, nhưng đến thời điểm này vẫn vướng mặt bằng chưa được giải phóng.

Đơn cử, cầu Bến Mới dài hơn 3 km, có tổng mức đầu tư trên 360 tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do chưa có mặt bằng sạch. Cầu khởi công từ tháng 5/2022, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2024, bắc qua sông Đáy trên Quốc lộ 38B. Đây là cầu lớn nhất trong 6 cầu thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các QL. Hiện nay, mặt bằng thi công đường dẫn lên cầu phía tỉnh Ninh Bình dài khoảng 1,66 km vẫn chưa được bàn giao cho các nhà thầu. Mặc dù liên danh nhà thầu thi công ILSUNG - Tổng công ty Thăng Long đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư và địa phương khẩn trương bàn giao mặt bằng, di dời đường dây viễn thông, đường nước sạch đi qua dự án để thi công kịp tiến độ...

Mới đây, Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình hỗ trợ và quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công công trình để triển khai thi công, đáp ứng yêu cầu. Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư) cũng đang chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ khoan cọc, xử lý nền đất yếu, đổ bê tông... trước mùa mưa lũ, nhưng hiện khối lượng dự án mới đạt khoảng 35% giá trị hợp đồng.

Hay cầu Đa Phúc bắc qua sông Công nối TP Hà Nội với Thái Nguyên mặc dù đã khởi công gần 1 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai thi công. Mặc dù Bộ GTVT đã có nhiều văn bản gửi UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Theo Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư), các nhà thầu thi công đã huy động đủ máy móc, thiết bị và nhân lực đến công trường phục vụ thi công, nhưng vì vướng mặt bằng, nên nhà thầu phải chịu nhiều thiệt hại về chi phí. Trong khi đó, kinh phí giải phóng mặt bằng đã được bố trí đầy đủ cho chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng của địa phương trong năm 2022...

Rà soát khối lượng thi công dự án của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, đến tháng 6/2023, dự án đã triển khai đồng loạt 6/6 cầu, sản lượng thi công mới đạt bình quân khoảng 55% giá trị hợp đồng.

Nguy cơ chậm tiến độ

Rà soát của Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng cho biết, diện tích mặt bằng phần đường cầu Đa Phúc (phía Hà Nội) hiện chưa được bàn giao (18 hộ); phần đường thuộc công trình cầu Đoan Hùng vẫn vướng mắc mặt bằng khoảng 3 hộ và đường dây điện, viễn thông...

Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 tích cực phối hợp với địa phương để giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 7/2023, chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi thi công, bám sát kế hoạch đã được điều chỉnh.

Qua tìm hiểu, đại diện chủ đầu tư đang lo nhất mặt bằng hiện nay thuộc địa phận TP Hà Nội. Thành phố dự kiến trong tháng 8/2023 sẽ bàn giao được toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công cầu Đa Phúc, nhưng khó khăn trong công tác xác định nguồn gốc đất có thể khiến thời gian giải phóng mặt bằng của địa phương kéo dài đến tháng 9/2023.

“Nếu trong tháng 9/2023, việc bàn giao mặt bằng không được đảm bảo, tiến độ xây lắp công trình sẽ khó đáp ứng kế hoạch hoàn thành vào tháng 6/2024. Riêng mặt bằng phục vụ thi công cầu Đoan Hùng, cầu Sông Trường và cầu Nước Oa (2 hộ dân) sẽ được giải quyết xong trong tháng 7/2023 và cầu Bến Mới (Ninh Bình) đã được địa phương cam kết bàn giao trong tháng 8/2023 để phục vụ thi công...", lãnh đạo Ban Quản lý dụ án 2 chia sẻ.

Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các tuyến QL sử dụng vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác và Phát triển kinh tế (EDCF) trong thời gian tới sẽ xây mới, nâng cấp khoảng 60 cầu yếu trong phạm vi cả nước. Ngoài 6 cầu yếu đang triển khai thuộc giai đoạn 1, Bộ GTVT đang yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 hoàn thành các thủ tục để triển khai xây dựng mới 10 cầu mới thay thế các cầu yếu tiếp theo thuộc giai đoạn 2 của dự án.

Sơn Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/du-an-cau-yeu-tren-quoc-lo-cham-tien-do-vi-vuong-mat-bang-20230705101057481.htm