Dự án đường dây 500kV mạch 3 gặp khó vì vướng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cây cao su

Dự án đường dây 500kV mạch 3 vẫn còn gặp một số vướng mắc liên quan đến quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đường thi công; vườn cao su...

Ngày 16/2, tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra cuộc họp đánh giá, kiểm điểm tiến độ đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.

Cuộc họp đánh giá, kiểm điểm tiến độ đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Cuộc họp đánh giá, kiểm điểm tiến độ đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 519 km, điểm đầu là Trung tâm điện lực Quảng Trạch, điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Phố Nối.

Các Dự án đi qua 09 tỉnh gồm: Quảng Bình (1,69 km), Hà Tĩnh (141,52 km), Nghệ An (100,04 km), Thanh Hóa (131,77 km), Ninh Bình (7,83 km), Nam Định (55,08 km), Thái Bình (38,93 km), Hải Dương (30,79 km), Hưng Yên (11,27 km). Tổng mức đầu tư các Dự án là 22.356,049 tỷ đồng. Dự án đặt mục tiêu hoàn thành trước 30/6/2024.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến thời điểm này, tất cả các Dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn rất lớn, trong khi thời gian đến mốc tiến độ 30/6 không còn nhiều, đặc biệt là dự án còn gặp một số vướng mắc liên quan đến quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đường thi công; công tác bàn giao mặt bằng vị trí móng cột và hành lang tuyến chưa đạt yêu cầu đề ra.

Cụ thể, về diện tích rừng để mở đường tạm, công trình tạm phục vụ thi công còn khó khăn do vướng các quy định của pháp luật. Trong đó đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa, diện tích rừng phần đường tạm là 3,49 ha, gồm có 0,53 ha rừng tự nhiên và 2,95 ha rừng trồng; Đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, diện tích rừng phần đường tạm là 6,01 ha, gồm có 2,71 ha rừng tự nhiên và 3,29 ha rừng trồng.

Việc sử dụng diện tích rừng nêu trên để làm đường tạm thời, bãi tạm tập kết vật tư vật liệu phục vụ thi công hiện chưa có quy định/hướng dẫn. Ngày 02/02/2024, Bộ NN&PTNT có văn bản số 996/BNN-KL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ để giải quyết các khó khăn vướng mắc về việc cho phép tác động vào rừng phục vụ thi công các Dự án. Tuy nhiên nếu chờ Nghị định 156/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung có hiệu lực (theo quy định là ít nhất 45 ngày sau khi ký ban hành) thì sẽ chậm tiến độ các dự án.

Về diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên phần móng cột đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại các Quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật do cần chuẩn xác giải pháp thiết kế dẫn tới tọa độ các vị trí móng có thể sẽ có sai số khác (mặc dù diện tích cần chuyển đổi không vượt quá chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được phê duyệt). Đây cũng là những khó khăn trong việc thẩm định phê duyệt Hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các tỉnh.

Để phấn đấu hoàn thành dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, EVN kiến nghị Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định chủ trương về tác động vào rừng để làm đường tạm, các công trình tạm phục vụ thi công mà không chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với diện tích rừng thuộc phạm vi móng cột đã được duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu phải điều chỉnh theo thiết kế kỹ thuật mà không vượt tổng diện tích đã phê duyệt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh chấp thuận mà không phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.

EVN cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao nhiệm vụ cho Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê Hà Tĩnh tổ chức chặt hạ, thanh lý cây cao su tại mặt bằng của 35 vị trí móng cột trước ngày 20/02/2024 để Chủ đầu tư triển khai thi công các vị trí móng trụ. Đồng thời hoàn thành bàn giao hành lang tuyến trước ngày 29/02/2024...

“Với tinh thần thẳng thắn và cầu thị, chúng ta có thể nói rằng so với cam kết mà các Bộ Ngành địa phương cam kết với Thủ tướng hôm 27-28/1 vừa qua vẫn còn khá xa. Nếu chúng ta không vượt qua những khó khăn vướng mắc để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng hay nói cách khác là thực hiện cam kết của chính mình theo chỉ đạo của Chính phủ thì rất khó có thể thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công Thương thông tin thêm trong số các vị trí móng cột đã bàn giao nhưng có 99 vị trí chưa thể tiếp cận thi công do vướng mắc về thủ tục đất rừng và đường tạm thi công. Nếu không có sự vào cuộc một cách chủ động và trách nhiệm cao của các địa phương thì rõ ràng chủ đầu tư không thể một mình làm được.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/du-an-duong-day-500kv-mach-3-gap-kho-vi-vuong-chuyen-doi-muc-dich-su-dung-rung-cay-cao-su-1098260.html