Dự báo nóng về giá xăng dầu, nhức nhối chuyện Quỹ BOG bị chiếm dụng

Trong thời gian tới, dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những thông tin bất lợi của thị trường dầu thô thế giới. Trong khi đó, Quỹ Bình ổn giá - một trong những công cụ được kỳ vọng sẽ bình ổn giá mặt hàng này khi có biến động lại đang cho thấy 'bất ổn', nhất là khi có vụ việc doanh nghiệp cố tình chiếm dụng.

Sau 7 tháng gần như "bất động", trong kỳ điều hành ngày 11/9 vừa qua, Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu đã được chi trở lại để giữ nguyên giá xăng, song mặt hàng dầu do không được hỗ trợ nên vẫn tăng mạnh. Theo Liên Bộ Công Thương – Tài chính, ngoại trừ giá xăng và dầu mazut được giữ ổn định, các mặt hàng dầu khác đều tăng giá. Trong đó, dầu diesel tăng thêm 410 đồng/lít và dầu hỏa tăng 347 đồng/lít.

Diễn biến giá khó lường

Thống kê sơ bộ, từ đầu tháng 8 đến nay, giá bán lẻ xăng dầu đã tăng rất mạnh. Cụ thể, xăng RON95 tăng 1.837 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 2.079 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 3.866 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.941 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S tăng 1.979 đồng/kg.

Giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới trước các thông tin bất lợi từ thị trường thế giới.

Giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới trước các thông tin bất lợi từ thị trường thế giới.

Như vậy, tính sơ bộ đến ngày 11/9, giá xăng dầu đã thiết lập mức mới cao hơn từ 1.979 – 3.866 đồng/lít/kg tùy loại so với ngày 1/8. Cũng trong thời gian này, cơ quan điều hành không trích lập với tất cả mặt hàng xăng dầu, nhưng việc chi quỹ BOG rất nhỏ giọt, dù thống kê của Bộ Tài chính cho biết số dư Quỹ BOG xăng dầu đến hết ngày 30/6/2023 là 7.424,7 tỷ đồng.

Bộ Công Thương lý giải việc hạn chế trích Quỹ BOG do lo ngại giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới, sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung, chưa kể việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tiếp tục thắt chặt thị trường trong mùa Đông…

Việt OPEC+ dự kiến kế hoạch cắt giảm sản lượng đến hết năm 2024 cũng làm gia tăng mức độ biến động với giá các mặt hàng năng lượng như xăng dầu, khí đốt. Căn cứ diễn biến giá dầu thô và giá dầu thành phẩm thế giới, Bộ Công Thương dự báo giá bình quân dầu thô thế giới quý III/2023 ở mức từ 87 – 92 USD/thùng, tương đương dự báo giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu ở mức 90 – 98 USD/thùng.

Trong khi đó, Bộ Tài chính dự báo giá năng lượng và các vật tư chiến lược vẫn biến động phức tạp do tác động từ diễn biến xung đột Nga – Ukraine.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro, nhìn nhận các yếu tố trên sẽ khiến giá dầu thô thế giới tăng trong thời gian tới.

Về phần DN đầu mối, ông Thoại cho biết, tùy theo lượng bán ra để cân nhắc sản lượng nhập khẩu, bán được mới tăng nhập, chứ không sẽ rất khó khăn, bởi đặc thù của thị trường Việt Nam là điều chỉnh giá xăng dầu một tháng 3 lần, nếu tăng nhập mà sau 10 ngày giá giảm thì không biết tính sao, chưa kể dự báo giá xăng dầu trong nước cũng cực kỳ khó.

“Giá xăng dầu của mình thường đi ngược so với thế giới với quan điểm đảm bảo mức giá thấp nhất để người dân đỡ khổ”, Chủ tịch Saigon Petro nói.

Được biết, Việt Nam có công thức tính giá xăng dầu chu kỳ 10 ngày/lần, cơ quan quản lý sẽ dựa vào giá xăng dầu thành phẩm nhập từ Singapore để điều hành giá trong nước, đưa vào công thức tính giá cơ sở xem chênh lệch bao nhiêu rồi điều tăng giảm, sau khi đã trích lập hay chi Quỹ BOG.

Đó cũng là lý do Bộ Công Thương rất ít chi Quỹ BOG do lo ngại giá xăng dầu thời gian sau đó có thể tăng thêm.

Gần đây, một thông tin khiến người dân hoang mang là thực tế việc quản lý và sử dụng Quỹ BOG đang rất bất cập. Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An (A09) vừa khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” của Công ty Xuyên Việt Oil. Doanh nghiệp (DN) này đã bị Bộ Công Thương rút giấy phép nhập khẩu xăng dầu.

Đề nghị tổng rà soát, thanh tra Quỹ BOG xăng dầu

Theo quy định, Xuyên Việt Oil phải nộp lại toàn bộ số tiền từ Quỹ BOG vào ngân sách nhà nước, tuy nhiên đơn vị này đến nay vẫn chưa chuyển lại số tiền 219,34 tỷ đồng - số dư Quỹ BOG tại DN tính đến ngày 30/6/2023. Bộ Công Thương cho biết, vấn đề trên cần phải hỏi Bộ Tài chính vì đây mới là cơ quan quản lý việc này.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thông tin Bộ này đã có 2 văn bản, gọi điện đôn đốc Xuyên Việt Oil nộp lại tiền sau khi bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, đến nay, DN chưa báo cáo Bộ Tài chính về việc nộp số tiền trên.

Ông Bình cho rằng, chủ trì quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu vẫn là Bộ Công Thương. Vì vậy, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý, đề nghị thống nhất quản lý một đầu mối, tức là quản lý vận hành các hoạt động liên quan, bao gồm cả Quỹ BOG xăng dầu.

Điều này cho thấy rõ bất cập trong việc quản lý Quỹ BOG. Thực tế, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội từng yêu cầu do số dư Quỹ BOG xăng dầu hiện vẫn được để tại DN, vì vậy Chính phủ cần nghiên cứu để có phương án quản lý phù hợp hơn, bảo đảm rõ ràng về thực trạng nguồn, việc sử dụng.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, qua sự việc trên, cơ quan quản lý nhà nước cần phải tổng rà soát lại toàn bộ số dư Quỹ BOG tại các DN, nên có đoàn thanh tra một cách nghiêm túc về việc gửi tài khoản nào, ở ngân hàng nào và số dư thực tế ra sao.

“Tôi cho rằng, việc này cơ quan quản lý phải thanh tra nghiêm túc, bởi bất cứ một sự ưu ái đặc biệt nào cũng có thể dung túng cho hành vi sai trái, né tránh trách nhiệm, né tránh quy định”, ông Doanh nói.

Về vụ việc của Xuyên Việt Oil, TS. Lê Đăng Doanh đề nghị phải truy cứu trách nhiệm đến cùng của đơn vị này, sử dụng các công cụ pháp luật để truy thu số tiền chiếm dụng nhằm bảo toàn số tiền mà người dân đóng cho Quỹ BOG.

Ông Doanh nêu quan điểm: đã đến lúc không nên giữ Quỹ BOG xăng dầu. Bởi, Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, từ giá gạo cho đến các mặt hàng khác đều điều tiết theo cơ chế thị trường. Giữ Quỹ BOG nhằm tạo ra sự ổn định nhất định, mà sự thực lại không ổn định như mục đích. “Vậy, sự ổn định do quỹ bình ổn này rất mong manh, nên tôi ủng hộ quan điểm là bỏ quỹ, để phản ánh biến động theo thế giới”, ông nói.

TS. Vũ Đình Ánh

Chuyên gia kinh tế

Vụ việc vi phạm của Công ty Xuyên Việt Oil phản ánh rõ bất cập trong quản lý Quỹ BOG xăng dầu, nếu tiếp tục thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý có thể phát hiện thêm nhiều sai phạm. Việc DN đầu mối xăng dầu không nộp tiền vào Quỹ BOG đã được dự báo ngay từ khi thành lập Quỹ. Bất ổn xuất phát từ quy định, số tiền trích Quỹ BOG do DN quản lý, trong khi cơ quan chức năng là người quyết định việc sử dụng Quỹ.

Ông Văn Công Thật

Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TP.HCM)

Những bất cập trong việc điều tiết Quỹ BOG xăng dầu thiếu minh bạch, dẫn đến khi giá thế giới xuống thì trích lập nhiều; khi giá lên, xả ra ít làm giá trong nước không sát theo thị trường và số tiền trích lập Quỹ là tiền ứng trước của khách hàng nằm trong tài khoản DN đầu mối. Vậy, đối tượng nào được phép quản lý việc sử dụng, trong khi người tiêu dùng hoàn toàn không biết số tiền phải ứng trước bao nhiêu cho mỗi lít xăng dầu khi có nhu cầu? Khi nào nhận lại, lãi suất ra sao, ai hưởng? Đây là quan hệ dân sự thiếu minh bạch. Bộ Tài chính cần có câu trả lời làm thế nào để minh bạch trong trích lập và chi Quỹ BOG để đạt được mục tiêu và ý nghĩa như tên gọi “bình ổn”.

Ông Đỗ Huy Trung

Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam

Trong điều kiện hiện nay cần tiếp tục duy trì Quỹ BOG xăng dầu nhưng có thể theo phương án như cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi Quỹ BOG khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên, đồng thời người dùng phải biết được cách thức trích và chi Quỹ. Tuy nhiên, về lâu dài có thể nghiên cứu để bỏ quỹ này. Vì việc trích lập và sử dụng Quỹ BOG thì người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn hưởng lợi.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/du-bao-nong-ve-gia-xang-dau-nhuc-nhoi-chuyen-quy-bog-bi-chiem-dung-1095307.html