Dự thảo mới về xăng dầu: 'Một con gà ba ông cùng báo cáo lên, rất trùng lắp'

Chỉ ra hàng loạt các bất cập trong việc xây dựng dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp từ đầu mối đến thương nhân phân phối và bán lẻ cho rằng, cơ quan soạn thảo đang đặt ra quá nhiều gánh nặng và rủi ro, với những quy định rất chung chung cho doanh nghiệp. Để thị trường minh bạch, cần cách tư duy quản lý hoàn toàn khác.

"Chúng tôi gọi điện khắp nơi mà không có nguồn"

Chia sẻ tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương và VCCI tổ chức ngày 14/5, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) - nói: “Đề nghị các anh lược bớt những quy định chung chung trong dự thảo nghị định nếu không khi thực hiện, doanh nghiệp rất dễ bị bắt lỗi”.

Dẫn 3 quy định liên quan đến xăng dầu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ra văn bản bãi bỏ nhưng dự thảo vẫn đưa vào, ông Khanh cho rằng, cần bỏ các quy định khác liên quan đến việc buộc doanh nghiệp phải xây dựng kho chứa 2.000 m3.

Theo ông Khanh, quy định hiện nay cho doanh nghiệp được phép thuê kho nhưng tại sao lại quy định trong dự thảo buộc doanh nghiệp phải tự xây dựng kho. Ý kiến thẳng thắn, chạm tới những vấn đề bất cập trong dự thảo nghị định của ông Khanh nhận được loạt vỗ tay không ngớt nhiều lần liên tục của các doanh nghiệp tham dự hội thảo.

Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu tổ chức sáng 14/5.

Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu tổ chức sáng 14/5.

Dẫn quy định doanh nghiệp phải gửi thông tin của doanh nghiệp bán lẻ cho đầu mối và thương nhân phân phối, ông Khanh khẳng định, doanh nghiệp sẽ rất vất vả khi phải làm báo cáo trong khi việc này không giải quyết được vấn đề gì.

“Một con gà ba ông cùng báo cáo lên, rất trùng lắp. Một câu hỏi lớn với cơ quan soạn thảo nữa là việc vì sao dự thảo nghị định lại loại bỏ quy định các thương nhân phân phối không được lấy của nhau trong khi các dự thảo khác như 83, 95 và 80 đều quy định. Nếu các anh đã tư tưởng hướng đến thị trường thì nên mở”, ông Khanh nói.

Kiến nghị cơ quan quản lý phải xây dựng quy định sát với thị trường, làm sao để doanh nghiệp sống được, ông Hoàng Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) - cho biết, chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như bây do các quy định bất cấp trong kinh doanh xăng dầu.

“Dự thảo nghị định cho đầu mối được mua từ nhiều nguồn nhưng lại chỉ cho thương nhân phân phối được mua từ các đầu mối. Giống như cuộc đua chuột, chỉ có chạy theo một đường thẳng. Vậy chúng tôi cạnh tranh kiểu gì khi chỉ được mua từ đầu mối và mua kiểu gì khi năm 2022 - 2023, các đầu mối không nhập khẩu, chúng tôi gọi điện khắp nơi mà không có nguồn, dẫn đến đứt gãy nguồn cung. Tại sao không cho thương nhân phân phối mua lẫn nhau cũng như mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu?”, ông Dũng nêu vấn đề.

Vấn đề là sự minh bạch

Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai - kiến nghị, cơ quan quản lý cần xem lại thực tế kinh doanh của thị trường hiện nay. Tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các đầu mối là vấn đề cơ quan quản lý cần đặc biệt quan tâm. Việc để các doanh nghiệp đầu mối vừa được nhập khẩu, vừa phân phối kiêm luôn cả bán lẻ thì rất dễ "đánh bùn sang ao’’ hay chuyển giá.

Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai.

Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai.

Nhấn mạnh hai năm qua, các doanh nghiệp xăng dầu như đang nằm trên giường bệnh, ông Đỗ Thanh Hán - Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn - khẳng định dự thảo nghị định được xây dựng với việc trao quyền quá lớn cho các doanh nghiệp đầu mối. Nếu để tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ mất hết sản nghiệp.

“Đã theo thị trường, nhà nước điều hành theo thuế, phí, còn giá để doanh nghiệp tự điều chỉnh hàng ngày. Đây là việc các nước đã làm nhiều năm rồi”, ông Hán nói và đề xuất để doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối lấy từ nhiều nguồn, tự chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu để cạnh tranh với nhau. Các cơ quan quản lý, công an, quản lý thị trường sẽ giám sát chất lượng, kiểm soát thị trường sau.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho rằng, mọi văn bản pháp lý phải xuất phát từ thực tiễn. Cơ quan soạn thảo mong muốn nghe được ý kiến đa chiều, thậm chí trái chiều để xây dựng nghị định tốt nhất. Mục tiêu dự thảo muốn giảm bớt đa mục tiêu trong quản lý, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hài hòa lợi ích của các bên..

“Vấn đề liên quan đến giá và cơ quan soạn thảo rất muốn lắng nghe do tạo ra sự không chủ động cho doanh nghiệp. Cũng không nên sợ doanh nghiệp lãi lớn quá khi chúng ta đã có thuế thu nhập doanh nghiệp để điều tiết”, ông Chinh nói.

Đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có mặt tại hội thảo.

Đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có mặt tại hội thảo.

Hồi đáp các ý kiến của doanh nghiệp, ông Chinh khẳng định, cơ quan quản lý sẽ tổng hợp và tiếp thu các ý kiến. Theo ông Chinh, việc xác định giá xăng dầu là vấn đề gây đau đầu với cơ quan quản lý, thậm chí có hàng chục cuộc làm việc để lắng nghe góp ý xem làm sao để tính giá ổn nhất. Vấn đề khác chính là chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp. Vấn đề nóng khác theo ông Chinh chính là việc xác định duy trì hay bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh quỹ đã được xây dựng từ hơn 10 năm.

“Ở khía cạnh nào, doanh nghiệp ai cũng lo nhưng như hóa đơn điện tử, những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, chân chính rất ủng hộ, nhưng những doanh nghiệp có vấn đề về nguồn thì lại rất lo. Vấn đề là sự minh bạch”, ông Chinh nói.

Phạm Tuyên - Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-thao-moi-ve-xang-dau-mot-con-ga-ba-ong-cung-bao-cao-len-rat-trung-lap-post1636999.tpo