Dự thảo ngân sách 2023 của Malaysia: Thận trọng và linh hoạt

Với chủ đề 'Tăng cường phục hồi, tạo điều kiện cải cách hướng tới khả năng phục hồi kinh tế xã hội bền vững của Gia đình Malaysia', ngân sách 2023 tập trung vào phúc lợi của người dân và doanh nghiệp.

Đồng ringgit của Malaysia tại Kuala Lumpur. AFP/TTXVN

Đồng ringgit của Malaysia tại Kuala Lumpur. AFP/TTXVN

Đúng như kế hoạch, ngày 7/10 Bộ trưởng Tài chính Malaysia Tengku Zafrul Abdul Aziz đã trình quốc hội Dự thảo ngân sách năm 2023. Động thái này của chính phủ diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán về việc Quốc hội nước này sẽ sớm bị giải tán để mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.

Dự thảo ngân sách 2023 được trình lên có giá trị 372,3 tỷ ringgit (RM, khoảng 81 tỷ USD), thấp hơn mức 385,3 tỷ ringgit mà chính phủ dự kiến chi trong năm 2022. Theo đó, ngân sách năm nay đã được điều chỉnh tăng so với con số ban đầu là 332,1 tỷ RM do giá dầu thô toàn cầu tăng cao, khiến các khoản trợ cấp nhiên liệu tăng mạnh.

Với chủ đề “Tăng cường phục hồi, tạo điều kiện cải cách hướng tới khả năng phục hồi kinh tế xã hội bền vững của Gia đình Malaysia”, ngân sách 2023 cũng sẽ tập trung vào vấn đề phúc lợi của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo Dự thảo, ba bộ được phân bổ ngân sách lớn nhất là Bộ Tài chính với 67,2 tỷ RM, Bộ Giáo dục 55,6 tỷ RM và Bộ Y tế với 36,1 tỷ RM. Tổng ngân sách phân bổ cho ba bộ đã chiếm 43,3%.

Hạng mục được phân bổ nhiều ngân sách nhất lần lượt là quản lý chi tiêu (hoạt động của chính phủ) với 272,3 tỷ RM; phát triển với 95 tỷ RM; quỹ COVID-19 với 5 tỷ RM và 2 tỷ RM dành cho các khoản tiết kiệm dự phòng. Hạng mục phát triển bao gồm ba dự án làm đường lớn ở bang Sabah, Sarawak và Borneo và một đường cao tốc ở bang Johor.

Ngoài ra có nhiều dự án khác như xây dựng trường học, nâng cấp trường học, mở rộng và nâng cấp các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhà ở cho người thu nhập thấp cũng nằm trong sự phân bổ này.

Điểm đáng chú ý, trong dự thảo ngân sách 2023, chính phủ đã dành nhiều mục hỗ trợ tiền mặt cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, hỗ trợ một lần (mức cao nhất từ trước đến nay bằng tiền mặt) là 2.500 RM cho các hộ gia đình có trên 5 con hoặc có thu nhập dưới 2.500 RM/tháng; hỗ trợ bà mẹ thuộc diện gia đình khó khăn sinh con trong năm 2023 mức 500 RM…

Doanh thu dự kiến sẽ giảm 4,4% xuống 272,57 tỷ RM vào năm 2023 từ mức 285,22 tỷ RM ước tính đạt được cho năm nay. Phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Tengku cho rằng “tình hình kinh tế toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thận trọng. Những bất ổn do tình hình địa chính trị thế giới và sự sụt giảm trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu chắc chắn đòi hỏi tất cả các quốc gia - không chỉ Malaysia - phải thận trọng và linh hoạt đối mặt với bất kỳ tình huống nào xảy ra”.

Để có thể quản lý được dự luật trợ cấp, ông Tengku cho biết, chính phủ sẽ chuyển từ hệ thống trợ cấp trên diện rộng hiện tại sang một cơ chế có mục tiêu hơn, tập trung vào những người có thu nhập thấp và các gia đình ở khu vực nông thôn.

Theo Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob, dự thảo ngân sách đã tính đến lợi ích của nhiều thành phần trong xã hội Malaysia, tập trung vào những người có thu nhập thấp và trung bình, thanh niên, phụ nữ, người tàn tật và những người sống ở vùng sâu vùng xa.

Tổng cộng 42 tỷ RM sẽ được dành cho trợ cấp vào năm 2023, giảm gần một nửa so với khoản dự kiến 80 tỷ RM ước tính cho năm nay, do kỳ vọng rằng giá dầu thô toàn cầu sẽ bắt đầu điều chỉnh xuống mức trung bình 90 USD/thùng và song song với đó là việc thực hiện những chương trình trợ cấp có mục tiêu nhằm tối đa hóa hiệu quả và phân phối viện trợ một cách công bằng.

Hãng nghiên cứu và thăm dò ý kiến khách hàng liên quan đến lĩnh vực tài chính và ngân hàng Barclays cho biết, “khả năng xảy ra cuộc bầu cử trước thời hạn đã làm tăng nguy cơ cơ quan lập pháp hiện tại không có đủ thời gian để tranh luận và thông qua ngân sách này. Thông thường, Dự thảo phải mất từ một đến một tháng rưỡi để hoàn thành với ba lần tranh luận. Điều này có thể làm trì hoãn việc thực hiện bất kỳ chính sách nào theo Dự thảo ngân sách hiện tại - chính quyền tiếp theo thậm chí có thể đề xuất một ngân sách hoàn toàn mới”.

Trên thực tế, vấn đề bất ổn chính trị đang bao trùm bầu không khí tại Malaysia, HSBC Global Research cho hay quyết định của chính phủ của Thủ tướng Ismail trình Dự thảo ngân sách trước 3 tuần được nhiều người coi là tín hiệu giải tán Quốc hội trước kỳ hạn.

Theo các nhà quan sát, “nếu trường hợp này xảy ra như năm 1999, ngân sách sẽ được trình lại trước chính phủ mới, có thể là vài tháng sau khi cuộc bầu cử diễn ra”.

Nhìn lại những lần trình ngân sách gần đây nhất với thời điểm bầu cử Quốc hội Malaysia có thể thấy rằng khoảng thời gian ngắn nhất giữa hai sự kiện là vào năm 1999 khi Dự thảo ngân sách năm 2000 được trình trước Quốc hội vào ngày 29/10/1999 - chỉ 12 ngày trước khi Quốc hội bị giải thể vào ngày 10/11 để mở đường cho một cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 29/11.

Khoảng thời gian dài nhất là vào năm 1990. Ngân sách năm 1990 được trình ngày 27/10/1989 và quốc hội bị giải tán vào ngày 4/10/1990, tức 342 ngày sau đó. Cuộc bầu cử năm 1990 diễn ra ngày 21/10.

Nhà kinh tế trưởng Firdaos Rosli của Ngân hàng Hồi giáo Malaysia cho biết, ngân hàng dự kiến phân bổ ngân sách quốc gia cho năm 2023 cao hơn 2-2,5% so với năm 2022. Trong bối cảnh đó, thâm hụt tài khóa sẽ thấp hơn ở mức khoảng 5,8-6%, với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khoảng 4-5%.

Ông Firdaos Rosli cho hay trong khi kiểm soát các ràng buộc tài khóa và các xu hướng tăng trưởng, chính phủ có khả năng sẽ điều chỉnh lại quỹ đạo kinh tế hiện tại theo đúng hướng với các mục tiêu của Kế hoạch Malaysia lần thứ 12 (12MP)./.

Hằng Linh (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-thao-ngan-sach-2023-cua-malaysia-than-trong-va-linh-hoat/261895.html