Đưa công nghiệp văn hóa trở thành động lực quan trọng

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy khai mạc sáng mai, 20.5. Trước đó, một nội dung được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm là về phát triển công nghiệp văn hóa với yêu cầu cần thể hiện rõ nét hơn nhiệm vụ này trong Chương trình để công nghiệp văn hóa thực sự trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước.

Chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công nghiệp văn hóa

Các ngành công nghiệp văn hóa là sự thể hiện rõ nhất xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau, là kết hợp của các yếu tố chính: sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, từ đó có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa đem lại lợi ích kinh tế, thu hút nguồn lực, lao động, việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, thời gian qua, nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về vai trò và tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta dù đã được nâng lên nhưng còn chưa đầy đủ, chưa nhận diện rõ vai trò và vị trí của các ngành công nghiệp văn hóa trong sự phát triển của đất nước. Một số định hướng, chủ trương về hỗ trợ sáng tạo, công nghiệp văn hóa còn chậm được thể chế hóa.

Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu những hạn chế trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành, các lĩnh vực và các địa phương trong việc quản lý và định hướng phát triển công nghiệp văn hóa; còn độ chênh về chủ thể định hướng và đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, thiếu sự hỗ trợ, đầu tư, kết nối của nhà nước và các thành phần kinh tế khác để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các ngành công nghiệp văn hóa; thiếu hệ thống cơ chế, chính sách để khuyến khích sáng tạo và sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong các hoạt động sáng tạo… Việc thiếu nguồn lực đầu tư tài chính và nguồn tài trợ có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển và duy trì các dự án văn hóa, giải trí, sáng tạo nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung.

Thực tế cũng cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa có khả năng cạnh tranh, chưa khai thác được lợi thế tiềm năng để phát triển kinh tế và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 cần đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Với tinh thần quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, có tính chất đột phá, các tài nguyên văn hóa tiềm năng dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ được chuyển hóa thành các sản phẩm và dịch vụ thị trường văn hóa có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, xu thế của thời đại.

Xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội

Góp ý về nội dung công nghiệp văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, là xu thế của thời đại. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 cần phải dành sự quan tâm rất đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Nhìn ra các nước khác trên thế giới, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, trong nhiều năm qua công nghiệp văn hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Công nghiệp văn hóa không chỉ giúp mang lại sự phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý về nội dung công nghiệp văn hóa

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý về nội dung công nghiệp văn hóa

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ quan điểm: các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. “Lâu nay ta cứ hiểu văn hóa là ngành đi tiêu tiền nhưng trên thế giới hiện nay văn hóa là ngành làm ra rất nhiều tiền và là một ngành có giá trị gia tăng rất cao”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn số liệu các mục tiêu cụ thể của Chương trình về công nghiệp văn hóa và cho rằng còn thấp, cần tính thêm. Cụ thể, Chương trình đặt mục tiêu: đến năm 2030, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; đến năm 2035, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước và có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%.

Theo Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong 12 lĩnh vực được xếp vào ngành công nghiệp văn hóa có 5 lĩnh vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp phụ trách, gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa và quảng cáo; 7 lĩnh vực còn lại được xếp vào công nghiệp văn hóa do các bộ và các cơ quan chuyên ngành khác quản lý, gồm: kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, xuất bản, thời trang, truyền hình và phát thanh.

Vậy "Chương trình mục tiêu quốc gia này tập trung vào những lĩnh vực nào trong 12 lĩnh vực được xếp vào ngành công nghiệp văn hóa? Đâu là trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy, đem lại lợi ích kinh tế, từ đó đóng góp vào GDP?" - Đặt câu hỏi này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh thêm nội dung này để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy nhằm xem xét và sớm thông qua Chương trình này, tạo bước phát triển mới trong lĩnh vực văn hóa theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá Chương trình xây dựng các nhiệm vụ về công nghiệp văn hóa còn sơ sài, chưa bao quát các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, chưa rõ trọng tâm đầu tư, chưa rõ căn cứ xác định một số chỉ tiêu; nội dung khuyến khích tư nhân thực hiện và chính sách của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa rõ. Do vậy, tại báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đề nghị làm rõ cơ sở xác định các chỉ tiêu của nội dung thành phần; cụ thể hóa những nội dung trọng tâm để đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; làm rõ những nhiệm vụ Nhà nước đầu tư, tập trung vào những nội dung mà tư nhân không tham gia hoặc tham gia không hiệu quả.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa nói chung và nội dung về phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào cuối năm 2021. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, "việc thực hiện Chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội". Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội cần dành sự quan tâm đặc biệt khi cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình này.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/dua-cong-nghiep-van-hoa-tro-thanh-dong-luc-quan-trong-i372214/