Đùn đẩy trách nhiệm (Bài cuối)

Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng cho biết, đơn vị không chức năng giải tỏa các hộ đã lấn chiếm hơn 153ha đất tại khu tái định canh và mong muốn sớm chuyển giao khu đất cho UBND huyện Bảo Lâm quản lý, giải tỏa.

Ngược lại, Chánh văn phòng UBND huyện Bảo Lâm cho rằng việc “đi dọn” hậu quả do Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng để lại tại dự án trên là rất khó khăn, phức tạp và chỉ muốn tiếp nhận khi mặt bằng đã sạch.

Cách đây 18 năm, khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng được triển khai. Ngay khi chủ đầu tư hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân di dời tài sản ra khỏi khu vực, nhiều người đã kéo tới, lăm le đòi lấn chiếm. Vị trí khu đất tái định canh khá thuận tiện, chỉ cách trung tâm thị trấn Lộc Thắng khoảng 15km. Do công tác quản lý lỏng lẻo, việc xử lý những trường hợp lấn chiếm đất chưa dứt điểm nên không tạo được sự răn đe. Mặc dù Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng đã hợp đồng thuê một đơn vị tại xã Lộc Phú trông coi, bảo vệ nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.

Khu tái định canh đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng bị người dân lấn chiếm.

Khu tái định canh đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng bị người dân lấn chiếm.

Đến năm 2014 thì toàn bộ diện tích đất của khu tái định canh Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng đã bị hàng trăm người kéo tới lấn chiếm hết. Hiện, trên khu tái định canh rộng hơn 182ha (tính cả 28,34ha chưa thu hồi, bồi thường) đã được phủ kín cây cà phê, chè và nhiều công trình khác, trong đó có nhà ở, kho, bãi tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng…

Ông Nguyễn Đình Trí, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng cho biết, thời gian đầu khi thu hồi đất để phục vụ khai thác bauxite, hầu hết người dân không mặn mà nhu cầu tái định canh. Khi đó giá đất trên thị trường đang rất rẻ nhưng giá bồi thường, hỗ trợ của nhà nước để khai thác bauxite lại khá cao. Những gia đình bị thu hồi đất tại huyện Bảo Lâm mong muốn quy đổi ra tiền và nhận tiền mặt, sau đó tự đi mua đất để phục vụ sản xuất theo sở thích. Đó là một trong những nguyên nhân khiến khu tái định canh dù đã hoàn thiện nhưng không bố trí được trường hợp nào.

Ngay khi phát hiện nhiều nhóm người kéo tới lấn chiếm đất của khu tái định canh, Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng đã báo cáo sự việc tới UBND thị trấn Lộc Thắng và UBND huyện Bảo Lâm, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng giải tỏa hoa màu trồng bất hợp pháp trên đất lấn chiếm. Tuy nhiên, những biện pháp này không ngăn chặn được tình trạng người dân “nhảy dù” vào “xí phần”, tranh giành khu đất tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng. Ban Quản lý dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng cũng đã đề nghị UBND huyện Bảo Lâm tiếp quản, bảo vệ khu tái định cư trên. Tuy nhiên, thời điểm này, toàn bộ khu tái định canh đã bị lấn chiếm hết nên UBND huyện Bảo Lâm không chấp nhận mà đề nghị chủ đầu tư phải bàn giao mặt bằng sạch.

Do không đạt được tiếng nói chung giữa Ban Quản lý dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng và UBND huyện Bảo Lâm, ngày 27/2/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định thu hồi 182ha đất khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng giao cho UBND huyện Bảo Lâm quản lý, đồng thời yêu cầu giải tỏa toàn bộ các hộ dân đã lấn chiếm đất của khu tái định canh. Tuy nhiên, việc bàn giao đất trên thực địa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do đất đã bị người dân lấn chiếm hết để trồng hoa màu, xây dựng các công trình... “UBND huyện Bảo Lâm muốn khi bàn giao khu đất về cho huyện quản lý thì đất phải “sạch” trong khi chúng tôi lại không có chức năng, thẩm quyền để đi cưỡng chế, giải tỏa!…”, ông Nguyễn Đình Trí, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng cho biết.

Khi được hỏi về trách nhiệm để xảy ra tình trạng trên, ông Nguyễn Đình Trí thừa nhận đơn vị chưa thực hiện tốt công tác quản lý dẫn tới việc hơn 153ha đất tái định canh bị người dân lấn chiếm: “Tại các cuộc họp bàn giao, chúng tôi cũng thẳng thắn nhận phần lỗi để xảy ra tình trạng đất tái định canh bị lấn chiếm nhưng doanh nghiệp không thể cưỡng chế, giải tỏa. Phía doanh nghiệp sẵn sàng chịu các chi phí đo đạc, khảo sát để thu hồi, giải tỏa đất bị lấn chiếm!..”.

Cũng theo ông Trí, đơn vị thường xuyên cử lực lượng tới kiểm tra khu tái định canh. Khi phát hiện người dân lấn chiếm đất trồng chè, cà phê, xây dựng công trình… đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm, giải tỏa “nóng” nhưng vẫn không có hiệu quả. “Cứ nhổ bỏ hoa màu xong người dân lại trồng lại ngay. Đơn vị cũng không có chức năng lập biên bản, xử phạt nên không có tính răn đe, dần dần mọi thứ thành như bây giờ!..”, ông Trí nói.

Trong khi đó, theo UBND huyện Bảo Lâm, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, huyện đã nhiều lần tổ chức họp với các ngành liên quan và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham mưu UBND huyện rà soát, thống kê các hộ lấn chiếm canh tác tại khu đất tái định canh để có hướng xử lý. Tuy nhiên, từ khi UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi khu tái định canh trên giao về cho UBND huyện Bảo Lâm quản lý đã 8 năm nhưng việc giao đất trên vẫn chưa thực hiện được. Liên quan tới vấn đề này, ngày 5/4 vừa qua, UBND huyện Bảo Lâm tiếp tục giao Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng và UBND thị trấn Lộc Thắng rà soát toàn bộ hồ sơ liên quan tới 182ha đất của khu tái định canh, tham mưu UBND huyện họp Hội đồng tư vấn pháp luật để đưa ra hướng xử lý trước ngày 15/5/2024.

Như vậy, trong khi nhu cầu bố trí tái định canh cho các hộ đủ điều kiện theo quy định khi thu hồi đất để phục vụ dự án khai thác bauxite rất lớn, là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bauxite nhưng khu đất tái định cư rộng hơn 153ha đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng lại bị người dân “nhảy dù” vào, ngang nhiên lấn chiếm. Sau nhiều năm cù cưa, đưa đẩy trách nhiệm, việc cưỡng chế, giải tỏa diện tích đất lấn chiếm ngày càng khó khăn, phức tạp, khi hoa màu đã phủ kín, nhiều công trình xây dựng tiếp tục đua nhau mọc lên.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/dun-day-trach-nhiem-bai-cuoi--i731593/