Đừng xem nhẹ chuyện dân số
Mặc dù chuyện sụt giảm dân số chưa xảy ra với nước ta, hàng loạt tỉnh thành đã có những chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trong khi Chính phủ đưa ra các giải pháp nhằm duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc.
Đây là một hướng đi đúng đắn khi nhiều nước đang đối diện với nguy cơ dân số già đi, mức sinh thấp, lực lượng lao động trẻ ngày càng nhỏ lại, kéo theo nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và xã hội. Chẳng hạn, mức sinh thay thế ở Hàn Quốc giảm còn 0,72 trong khi tỷ lệ này phải giữ ở mức 2,1 để duy trì mức dân số ổn định. Dân số Trung Quốc bắt đầu sụt giảm, năm 2023 giảm 2 triệu người sau mức giảm đầu tiên 850.000 người vào năm 2022.
Tổng tỷ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với mức 2,01 của năm trước đó và dưới mức sinh thay thế 2,1. Điều đáng báo động là một số địa phương có tỷ suất sinh thấp ở mức bình quân của cả nước, đòi hỏi cần có những biện pháp khuyến khích để duy trì dân số ổn định. Tuy nhiên, bài học của các nước ở đây là có nhiều biện pháp vừa tốn kém, vừa khó triển khai rộng rãi lại không hiệu quả bao nhiêu. Ngược lại cũng có những biện pháp đem lại kết quả tốt cần nhân rộng. Các biện pháp các địa phương nước ta bước đầu áp dụng có cả hai loại này.
Biện pháp tưởng chừng có tác dụng trực tiếp nhất là thưởng tiền cho các cặp vợ chồng sinh con; theo Bộ Y tế nhiều địa phương trong số 21 tỉnh thành có mức sinh thấp đã áp dụng cách thưởng tiền hay hiện vật cho các cặp vợ chồng dưới 35 tuổi sinh đủ hai con.
Tuy nhiên nhiều nghiên cứu trên thế giới, đặc biệt ở các nước từng áp dụng cách thưởng tiền như thế, cho thấy hiệu quả của việc “sinh con, thưởng tiền” là không cao. Đứng về mặt chi ngân sách, việc thưởng tiền trên diện rộng gây tốn kém, trở thành một gánh nặng cho ngân sách địa phương nhưng đối với từng gia đình, số tiền thưởng không là bao so với tổng chi phí nuôi dưỡng một đứa trẻ, kéo dài trong suốt nhiều năm.
Bài học từ các nước cho thấy hiệu quả nhất vẫn là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các gia đình trẻ, sẵn sàng sinh con, xây dựng tổ ấm. Đó là hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em rộng khắp, các chương trình tiêm chủng thuận lợi, một hệ thống nhà giữ trẻ sạch đẹp, được Nhà nước và doanh nghiệp trợ cấp một phần để giảm gánh nặng cho bố mẹ là người lao động.
Chúng ta đã có sẵn nền tảng chăm sóc trẻ em khá tốt; cần mở rộng các chính sách như thế, gồm miễn giảm học phí cho nhiều cấp học, mua bảo hiểm sức khỏe cho học sinh, xây dựng các khu vui chơi giải trí cho trẻ em, tăng mức miễn giảm thuế thu nhập cho người phụ thuộc…
Một yếu tố ít được để ý là vai trò của người bố trong việc sinh con. Ngoài khả năng nâng số ngày nghỉ thai sản có hưởng đầy đủ lương cho bà mẹ, cũng cần cân nhắc cho ông bố được nghỉ một thời gian để chăm sóc cả mẹ lẫn con trong giai đoạn đầu. Trong những gia đình chỉ một mình ông bố đi làm, bà mẹ ở nhà nuôi con, cũng cần có những biện pháp hỗ trợ người bố, kể cả những khoản vay khẩn cấp. Ngược lại, cũng cần có những chính sách thuận lợi cho các bà mẹ đơn thân.
Nếu để ý chúng ta sẽ thấy doanh nghiệp đóng một vai trò nhất định trong nỗ lực khuyến khích người dân sinh con thứ hai. Đó có thể là một chế độ thai sản đặc biệt của từng công ty; việc xây dựng nhà giữ trẻ bên cạnh nhà máy, chính sách dành cho các gia đình công nhân có con nhỏ, môi trường thân thiện với nữ nhân viên sinh con hay có con nhỏ… Nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ đem lại những kết quả nhất định, hơn là đơn thuần các biện pháp thưởng tiền hay hiện vật.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dung-xem-nhe-chuyen-dan-so/