'Dưới tán hoa siren' – Bức tranh sinh động về người Việt ở Nga

Cuốn sách 'Dưới tán hoa siren' của TS.Nhà văn Nguyễn Đình Lâm gồm 16 truyện ngắn kể cuộc sống sinh động, đa sắc màu của những người Việt ở Nga.

Chiều 20/5, TS.Nhà văn Nguyễn Đình Lâm đã ra mắt tập truyện ngắn "Dưới tán hoa siren" tại Thư viện Hà Nội.

Sự kiện có sự xuất hiện của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương); Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam); ông Phạm Xuân Sơn (nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga); Nhà báo Trần Tuấn Linh (TBT Báo Sức khỏe & Đời sống); Nhà báo Lê Xuân Sơn (nguyên TBT báo Tiền phong). Chương trình còn có sự tham gia biểu diễn của Tre Lắc - nhóm nhạc dân tộc thuộc đoàn nghệ thuật UNESCO Sen Việt.

Buổi ra mắt sách có sự tham gia biểu diễn của nhóm Tre Lắc - nhóm nhạc dân tộc thuộc đoàn nghệ thuật UNESCO Sen Việt.

Buổi ra mắt sách có sự tham gia biểu diễn của nhóm Tre Lắc - nhóm nhạc dân tộc thuộc đoàn nghệ thuật UNESCO Sen Việt.

Tại buổi ra mắt tập truyện ngắn “Dưới tán hoa siren", tác giả Nguyễn Đình Lâm cho biết, trước đó ông đã xuất bản một số tác phẩm như: Con kiến tật nguyền, Tình yêu hàng chợ, Mong manh xứ Bạch Dương... nhưng đây là lần đầu tiên ông tổ chức ra mắt cuốn sách.

TS.Nhà văn Nguyễn Đình Lâm

TS.Nhà văn Nguyễn Đình Lâm

Nhà văn Nguyễn Đình Lâm chia sẻ: “Trong cuốn sách này, nội dung mỗi câu chuyện đều gắn với những kỷ niệm của tôi và bạn bè tôi.

Thí dụ, trong truyện "Dưới tán hoa siren" nhân vật Lê Xuân San nổi tiếng nấu ăn chính là nhà báo Lê Xuân Sơn - nguyên TBT báo Tiền phong, học cùng trường tôi; Trong “Chuyến buôn cuối cùng”, nhân vật Lê Khắc Hưng - người thích nghe nhạc cổ điển là anh Lê Khắc Hùng học cùng chúng tôi; Nhân vật Hoàn - Trưởng phòng trong truyện "Chiếc xe đạp cũ" là anh Trần Viết Hoàn, nguyên Trưởng phòng Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hay trong “Chuyến bay nhớ đời", nhân vật Huy học giỏi chính là luật sư Trần Hữu Huỳnh bạn học của tôi và là người viết lời tựa cho cuốn sách này. Rồi nhân vật Tổng thư ký Trần Tuấn Vinh trong “Mẹ ơi con xin lỗi" chính là nhà báo Trần Tuấn Linh hiện là TBT báo "Sức khỏe và Đời sống".

Trong truyện ngắn “Cò đất đời đầu” có nhân vật Khôi nhanh nhẹn, tháo vát, chính là Nguyễn Xuân Hồi em trai tôi. Còn nhân vật Quyên chủ hàng xinh đẹp, giỏi giang trong “Kẻ phản bội" là Nguyễn Bích Liên em họ tôi. Còn nhân vật Chi Mai trong truyện " Ký ức tuổi thơ" chính là Mai Chi - con gái tôi.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các sự kiện trong tập sách này đều gắn với những kỷ niệm của bản thân tôi và bạn bè tôi. Chính vì vậy, cuốn sách này có ý nghĩa rất lớn, và là một dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời tôi".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam)

Có mặt trong buổi ra mắt sách, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Nghe lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Đình Lâm và đọc tập truyện ngắn “Dưới bóng cây siren" tôi thấy rằng tất cả đều có thể trở thành nhân vật của văn chương.

Trong lời tâm sự của anh Lâm đã kể ra những nhân vật trong đời thật và biến nó thành văn. Tôi biết nhà báo Lê Xuân Sơn từ lâu nhưng không nghĩ rằng có một Lê Xuân Sơn bước đi trong thế giới “Dưới tán hoa siren", với phiền muộn, đau khổ, ánh sáng khác,...

Tôi đã đọc và thấy rằng nếu mình bỏ lỡ tập truyện này thì sẽ không được “gặp” những nhân vật trên thế gian này. Hay những nỗi đau khổ, tuyệt vọng, niềm hạnh phúc, giấc mơ lớn lao của con người… mình không bao giờ được biết tới. Có những số phận mà trước khi đọc cuốn sách này chúng ta chưa từng được biết đến.

Anh Nguyễn Đình Lâm viết về những năm tháng xa xôi ở Liên Xô, với những lưu học sinh, người xuất khẩu lao động... Tôi chưa đến nước Nga những năm tháng đó nhưng gia đình tôi có 3 người gồm em trai, em dâu, cháu ruột đã lao động ở Nga hơn 10 năm. Tôi sẽ tặng họ cuốn sách này, để họ tìm thấy mình trong những trang sách”.

Cũng có mặt trong buổi ra mắt sách, nhà nghiên cứu văn học Bùi Việt Thắng chia sẻ bài viết “Một thực thể Việt và những mảnh vỡ của số phận…” - là cảm nhận, ấn tượng sau khi đọc “Dưới tán hoa siren”.

Theo ông Bùi Việt Thắng, “Dưới tán hoa siren” không thuộc kiểu sách best-seller, nhưng đáng đọc, nhất là với lớp độc giả có tuổi, kinh lịch và thích suy nghiệm đời sống.

“Tôi cũng đã có gần 1.000 ngày sống trên đất Nga, thời những năm 1987- 1990 nên thấm thía từng câu chữ khi đọc truyện Nguyễn Đình Lâm. Nhưng dẫu sao những bể dâu cuộc đời và thăng trầm kiếp người, như cách viết của nhà văn vẫn còn xa sự thật lắm lắm. Những bể dâu kiếp người viết mãi không cùng, nên mới còn chỗ cho các thế hệ cầm viết tiếp bút theo tinh thần “xuyên văn hóa”, nhà nghiên cứu văn học Bùi Việt Thắng đánh giá.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - là một nhân vật được tác giả Nguyễn Đình Lâm “gọi tên” trong truyện ngắn mở đầu “Dưới tán hoa siren”, đồng thời được tác giả lựa chọn làm tiêu đề tập truyện ngắn - chia sẻ trong buổi ra mắt

Nhà báo Lê Xuân Sơn - là một nhân vật được tác giả Nguyễn Đình Lâm “gọi tên” trong truyện ngắn mở đầu “Dưới tán hoa siren”, đồng thời được tác giả lựa chọn làm tiêu đề tập truyện ngắn - chia sẻ trong buổi ra mắt

Là một nhân vật được tác giả Nguyễn Đình Lâm “gọi tên” trong truyện ngắn mở đầu “Dưới tán hoa siren” (cũng đồng thời được tác giả lựa chọn làm tiêu đề tập truyện ngắn), nhà báo Lê Xuân Sơn bày tỏ: “Chúng tôi quen biết và là anh em hơn 40 năm. Trong 16 truyện anh Lâm chia sẻ, có nhiều truyện tôi là người chứng kiến, một số truyện can dự ở mức độ nhất định. Chi tiết trong truyện “Dưới tán hoa siren" nói rằng tôi rán món trứng khiến anh Lâm ám ảnh. Ngày đó, ở nước mình làm gì có trứng với thịt mà rán. Anh Lâm thích ăn món trứng thịt rán lắm nên khi sang Nga, mấy tuần đầu có thịt xay nên có 5 quả trứng mà tôi trộn với 3 lạng thịt xay. Làm nhiều quen tay, tôi còn lật trứng bằng cách hất lên cao như làm xiếc. Vì thế, cứ khi nào tôi rán trứng là các cô gái ở gần đó lại chạy ra xem…

Rồi rất nhiều chuyện mà khi nhìn vào người ta có thể thấy là cay đắng, là bi kịch,... nhưng tôi nghĩ như anh Nguyễn Thế Kỷ hay anh Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ, những cảnh huống bi kịch, dở khóc dở cười hay tan nát đến tận cùng thì vẫn đọng lại là tình người. Anh Lâm là người hóm hỉnh, lạc quan nên trong tập truyện này, anh sử dụng giấc mơ rất nhiều. Có giấc mơ ám ảnh kinh hoàng, cũng có giấc mơ là tương lai tươi sáng. Chắc chắn rằng giấc mơ kinh hoàng đã là quá khứ, còn sự tươi sáng đã thành sự thật”.

Bạn bè đồng nghiệp cũng đem hoa chúc mừng nhà văn Nguyễn Đình Lâm

Bạn bè đồng nghiệp cũng đem hoa chúc mừng nhà văn Nguyễn Đình Lâm

TS.Nhà văn Nguyễn Đình Lâm quê Nam Đàn, Nghệ An. Ông đã 20 năm có lẻ sống, học tập và sinh kế trên đất Nga. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga.

Các tác phẩm từng xuất bản: Con kiến tật nguyền (tập truyện ngắn đầu tay, 2004), Tình yêu hàng chợ (tập truyện ngắn, 2005), Mong manh xứ bạch dương (tiểu thuyết, 2009), đến Truyện ngắn chọn lọc (2011), mới nhất "Dưới tán hoa siren".

Thanh Hà - Ngọc Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/duoi-tan-hoa-siren-buc-tranh-sinh-dong-ve-nguoi-viet-o-nga-172240520221659332.htm