Đường sắt cải tổ từ bên trong để tìm cơ hội 'lấy lại' khách hàng

Các đây 2-3 năm ngành đường sắt rơi vào khó khăn khi bị các hãng hàng không giá rẻ 'lấy' mất khách hàng – do giá vé đi tàu hỏa các chặng dài như Hà Nội – Sài Gòn có khi bằng giá vé máy bay. Ngành đường sắt buộc phải nâng cấp chất lượng dịch vụ trong thời gian gần đây. Song các chuyên gia cho rằng ngành này vẫn còn nhiều việc phải làm để 'kéo' khách hàng quay trở lại.

Một cung đường đẹp của đường sắt giúp khách đi tàu được ngắm cảnh đẹp. Ảnh: VNR

Dấu hiệu tích cực từ dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Gần cuối tháng ba vừa qua, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đã mở bán vé tàu dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Mới đến ngày 11-4, trên trang bán vé của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi các tỉnh phía Nam ngày 26 và 27-4 như SE1, SE5, SE11, SE19, QB1 đều hết chỗ. Chiều về ngày 30-4 và 1-5, các tàu SE20, SE2, SE6, SE12, QB2 hầu như hết vé. Trên trang web bán vé, các tàu nhanh như SE3, SE4 số lượng vé sau khi mở bán cũng chỉ còn rất ít.

Theo tính toán của một chuyên gia du lịch, nếu một gia đình gồm 6 người đi bằng đường hàng không, tiền vé của một hãng bay giá rẻ đi 2 chiều sẽ tiêu tốn gần 24 triệu đồng. Trong khi đó, nếu lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa, theo quy định, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí. Người trên 60 tuổi được giảm thêm 15%. Một gia đình đặt vé khứ hồi sẽ được giảm thêm 10% nữa. Như vậy, sẽ tiêu tốn gần 8 triệu đồng tiền vé khứ hồi loại giường nằm mềm điều hòa khoang 4 người, tiết kiệm được 2/3 chi phí đi lại.

Nói về việc bán vé tàu hỏa dịp lễ 30-4, cung cấp thông tin cho báo chí, bà Phạm Thị Anh Đào, trạm trưởng trạm vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết chặng đường dài như Hà Nội – Đà Nẵng hay Hà Nội – TPHCM ngay sau khi mở bán đã rất nhanh hết vé khoang giường mềm điều hòa, còn rất ít vé ghế ngồi.

Thông tin từ ngành đường sắt cho hay, tàu Thống Nhất Bắc Nam từ sau Tết nguyên đán đến cuối tháng 3-2024 gần như kín chỗ. Bởi vậy, dịp cao điểm 30-4 và 1-5, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã chạy thêm hàng chục chuyến tàu trên các tuyến phía Bắc để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao.

Trong khi đó, tàu chất lượng cao SE19 và SE20 vẫn hoạt động hằng ngày và cũng luôn ở tình trạng hết chỗ. Bà Đào cho hay, khoảng 70-80% khách nước ngoài lựa chọn loại tàu này vì sạch sẽ, đa dạng dịch vụ và ngồi tàu hỏa để du lịch khắp Việt Nam cũng là điều mà nhiều khách nước ngoài muốn trải nghiệm.

Thực tế, du lịch tàu hỏa đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách và được chọn không chỉ vì giá rẻ hơn máy bay, mà tàu hỏa chạy theo hành trình có sẵn, đi đến đúng giờ mà hiện việc đặt vé tàu khá dễ dàng. Di chuyển bằng tàu hỏa tuy mất nhiều thời gian hơn nhưng cũng là dịp để hành khách chậm rãi ngắm cảnh – chặng đi qua nhiều tỉnh thành miền Trung cũng đi qua những cung đường biển rất đẹp.

Ngành đường sắt còn nhiều việc phải làm

2023 là một năm thành công của ngành đường sắt. Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong năm 2023 doanh thu toàn tổng công ty đạt gần 8.504 tỉ đồng, bằng 135% so với năm 2022.

Tại hội nghị tổng kết năm 2023, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR cho biết, năm 2023, thị phần vận tải hành khách bằng đường sắt đã có sự tăng trưởng cao nhờ nhu cầu đi lại của người dân hậu Covid-19 cũng như các hoạt động du lịch trong nước đã phục hồi. Đặc biệt, ngành đường sắt đã được đầu tư gói 7.000 tỉ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, mở mới các ga nên năng lực chạy tàu của tuyến đường sắt Bắc – Nam đã được nâng lên đáng kể. Khi thị trường phục hồi cũng là lúc hạ tầng mới đầu tư, nâng cấp có thể đưa vào khai thác nên đã giúp VNR tận dụng được “thời điểm vàng” để phát triển.

Bên cạnh đó ngành này cũng đưa ra những chính sách giảm giá mùa thấp điểm. Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội áp dụng sách giảm giá từ tháng 3 đến ngày 24-4 và từ ngày 2-5 đến 16-5. Theo đó, hành khách mua vé cá nhân các đoàn tàu Thống Nhất SE1/SE2, SE5/SE6 giữa Hà Nội – TPHCM và ngược lại trước ngày đi tàu từ 5 – 9 ngày được giảm 5% giá vé, trước từ 10 – 19 ngày giảm 10%, trước từ 20 – 39 ngày giảm 20%, trước từ 40 ngày trở lên giảm 40%…

Trong khi đó, Công ty cổ phần vận tài đường sắt Sài Gòn đã khuyến mãi, giảm giá vé sau Tết như từ ngày 27-2, khách đi tàu khách Thống Nhất mua vé trước ngày đi tàu từ 5 ngày trở lên được giảm từ 5% đến 30% giá vé; mua vé tập thể có số lượng khách từ 5 người trở lên được giảm giá từ 2 – 14%; mua vé khứ hồi được giảm 10% giá vé lượt về…

Ngoài các chương trình khuyến mại nêu trên, những năm vừa qua, đường sắt Việt Nam đã thực hiện một loạt các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể như áp dụng công nghệ vào công tác bán vé – bán vé điện tử và thanh toán trực tuyến. Cuối năm 2023, đưa vào ứng dụng cây bán vé tự động giúp khách hàng tiện mua vé tại các điểm công cộng, khu dân cư, những nơi tập trung đông người.

Ngành đường sắt đang nỗ lực hơn trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ từ bên trong. Ảnh minh họa: TTXVN

Đối với công tác phục vụ khách đi tàu, đường sắt đã tập trung vào xử lý các vấn đề lâu nay còn bị khách hàng phàn nàn như vệ sinh trên tàu, nâng cao ý thức và chất lượng phục vụ của nhân viên, cải tạo và nâng cấp chỉnh trang các phòng đợi tàu tại các nhà ga… đầu tư các phòng đợi VIP tại các nhà ga để phục vụ khách hàng có nhu cầu không gian đợi tàu riêng tư, cao cấp. Trong tháng 10-2023, đường sắt đưa vào vận hành đoàn tàu chất lượng cao SE19-20 tuyến Hà Nội – Đà Nẵng với nhiều dịch vụ vượt trội…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, ngành đường sắt cần cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ hơn nữa để thu hút du khách…

Chi sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel cho rằng bên cạnh việc đầu tư đóng mới, cải tạo các toa xe thì các sản phẩm du lịch gắn với đường sắt phải trọn gói từ vận chuyển, nghỉ dưỡng, ăn uống được kết nối linh hoạt mới làm hài lòng du khách. Bằng cách phát triển lựa chọn đầu tư vào những tuyến đường sắt phù hợp du lịch, có những khoang nhà hàng như food tour thì du lịch đường sắt sẽ có được những đánh giá tốt. Khi dịch vụ đủ hấp dẫn thì tự khắc sẽ có được những lượt khách mới.

Còn ông Nguyễn Hồng Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng, những gì đã làm được hiện nay vẫn là quá khiêm tốn so với tài nguyên mà ngành đường sắt sở hữu. Để tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn cho du lịch bằng đường sắt thì còn rất nhiều việc phải làm như phải đầu tư về phương tiện, đặc biệt là các toa tàu và chất lượng dịch vụ trên toa.

Bên cạnh đầu tư, cần quảng bá về các thông tin thu hút du lịch đường sắt. Khi hành khách tham gia vào hành trình du lịch đường sắt có thể được nghỉ ngơi, làm việc, được thưởng thức đặc sản vùng miền, được tham quan không gian. Đây là lợi thế mà chỉ ngành đường sắt mới có…

Cần phát huy lợi thế chỉ đường sắt mới có

Tuyến đường sắt Bắc Nam dài hơn 1.700 km chạy qua hơn 20 tỉnh, thành phố cùng nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam từng lọt top những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Đây là nguồn tài nguyên khổng lồ có thể khai thác cho du lịch… Thế nhưng phần lớn, các công ty du lịch mới chỉ dừng ở việc thuê nguyên toa, chưa có đoàn tàu du lịch như các hãng hàng không đã làm. Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm tốt để đường sắt đánh thức tiềm năng này.

Được biết, tháng 3 vừa qua 2 địa phương là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mở dịch vụ tàu lửa du lịch theo hướng trải nghiệm cung đường và dịch vụ du lịch trên cung đường giữa hai điểm đến Huế, Đà Nẵng và điểm đến du lịch Lăng Cô. Chuyến tàu du lịch kết nối di sản Huế – Đà Nẵng, đưa du khách ngắm nhìn nhiều cảnh đẹp từ trên tàu trong hành trình ba giờ. Thời gian đầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ khai thác đoàn tàu gồm 5 toa ghế mềm điều hòa và một toa sinh hoạt cộng đồng.

Nói tại sự kiện khai trương chuyến tàu trên, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho rằng đây là dịch vụ rất phù hợp cho đối tượng du khách trải nghiệm cùng gia đình, giúp khách du lịch ngắm phong cảnh núi non, bờ biển…

Du lịch đường sắt có nhiều điểm lợi thế về chủ động lịch trình và chiêm ngưỡng được cảnh quan ấn tượng. Ảnh minh họa: Trevellive

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vào cuối năm 2023, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, cho biết một số hãng thời trang, hàng hiệu nổi tiếng, trong đó có Louis Vuitton quan tâm, mong muốn tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội – TPHCM phục vụ khách du lịch. Đây là mô hình thuê nguyên chuyến và đoàn tàu được thiết kế như một khách sạn di động, trên hành trình Hà Nội – TPHCM có thể dừng nghỉ tại các điểm tham quan đã lên kế hoạch.

Cũng cuối năm 2023, Công ty Belmond có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem xét hỗ trợ đơn vị này được tổ chức khai thác, vận hành đoàn tàu đường sắt du lịch hạng sang Eastern & Oriental Express trên một số tuyến đường sắt tại Việt Nam.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng nếu thương vụ trên được triển khai thành công, sẽ là một cú hích lớn không chỉ đối với lĩnh vực vận tải hành khách bằng đường sắt, mà cả ngành du lịch cũng như các địa phương có tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua.

Được biết, Tập đoàn Vietravel và Đường sắt Việt Nam cũng đang xúc tiến hợp tác triển khai dự án tàu hỏa 5 sao xuyên Việt. Tàu được trang bị phòng gym và dụng cụ thể dục hiện đại, cho phép du khách duy trì thói quen rèn luyện ngay cả khi đang di chuyển. Tàu có các toa thư giãn 5 sao được thiết kế thêm dịch vụ giải trí để mang đến sự thoải mái và thư giãn tối đa cho du khách…

Hiện Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu thành lập tổ công tác triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.

Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ phải rà soát hoàn thiện thể chế, hệ thống định mức, tiêu chuẩn… để kịp thời sửa đổi, bổ sung tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình phát triển đường sắt nói chung và đường sắt tốc độ cao nói riêng.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/duong-sat-cai-to-tu-ben-trong-de-tim-co-hoi-lay-lai-khach-hang/