EU đưa 4 cơ quan truyền thông Nga vào danh sách trừng phạt

Liên minh châu Âu (EU) có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn hoạt động trong phạm vi khối này đối với các cơ quan truyền thông Nga bị trừng phạt.

Về mặt nguyên tắc, EU đã nhất trí bổ sung 4 cơ quan truyền thông Nga vào danh sách các thực thể bị trừng phạt.

Theo Russia Today, quyết định này sẽ ảnh hưởng đến hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, các tờ báo Rossiyskaya Gazeta và Izvestia, cùng Đài Tiếng nói châu Âu (Voice of Europe), một trang tin tức của Séc bị EU cáo buộc thân Nga.

EU không nêu rõ ngay những biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng đối với các cơ quan truyền thông kể trên. Tuy nhiên, khối này đã cấm phát sóng và chặn trang web của Russia Today và Sputnik, hai cơ quan truyền thông khác của Nga thuộc danh sách trừng phạt trước đây, trên phạm vi toàn liên minh.

Liên minh châu Âu liệt kê thêm một số cơ quan truyền thông Nga vào danh sách trừng phạt. Ảnh: Getty Images

Liên minh châu Âu liệt kê thêm một số cơ quan truyền thông Nga vào danh sách trừng phạt. Ảnh: Getty Images

Các biện pháp trừng phạt được đánh giá là một phần trong gói trừng phạt kinh tế thứ 14 của EU nhằm vào Nga. Các quan chức EU kỳ vọng sẽ đạt thỏa thuận về gói này, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng Nga và hạn chế xuất khẩu đối với hàng hóa được quân đội Nga sử dụng, tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 6 năm nay.

Trước đó, Nga đã cảnh báo EU về động thái này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Điện Kremlin sẽ trả đũa các phóng viên phương Tây ở Moscow.

“Nếu những biện pháp này được thực hiện để chống lại giới truyền thông và nhà báo Nga, phóng viên phương Tây cũng sẽ phải cảm nhận các biện pháp trả đũa của chúng tôi”, Reuters dẫn tuyên bố của bà Maria Zakharova, ngày 16-5.

Liên quan xung đột Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson tuyên bố, Stockholm không có kế hoạch triển khai quân tới Ukraine nhưng có thể xem xét lại quan điểm nếu các quốc gia đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra đề xuất.

Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập 200 năm hồi năm 2022, viện dẫn xung đột Ukraine là lý do nộp đơn gia nhập NATO. Tháng 3-2024, quốc gia này đã chính thức trở thành thành viên của tổ chức quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Đầu tháng 5, Bộ Quốc phòng Thụy Điển tuyên bố sẽ phân bổ 28 triệu euro (tương đương 30 triệu USD) cho một số quỹ nhằm mục đích hỗ trợ Ukraine tăng cường năng lực phòng thủ máy bay không người lái, rà phá bom mìn và hải quân.

Hồi tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đề cập đến ý tưởng điều động lực lượng NATO đến Ukraine. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên tổ chức này đã phản đối tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp và khẳng định không có kế hoạch triển khai quân đội. Thay vào đó, các thành viên đồng ý tăng cường nỗ lực cung cấp thêm đạn dược cho Kiev.

Về kịch bản NATO điều lực lượng đến Ukraine, Nga cảnh báo động thái này sẽ được xem là sự leo thang lớn và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa quốc gia này và tổ chức quân sự do Mỹ đứng đầu.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/eu-dua-4-co-quan-truyen-thong-nga-vao-danh-sach-trung-phat-666459.html