EU-Trung Quốc hay Moscow-Bắc Kinh: Mối quan tâm chính của họ đều không phải Ukraine

Hai chuyến công du được kỳ vọng cho thấy rõ lập trường của các nước, đặc biệt là Trung Quốc - sẽ ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình hòa đàm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Nhưng dường như thay vì mục tiêu nói trên, lợi ích kinh tế mới là mối quan tâm chính của các bên và kết quả nổi bật của các chuyến công cán.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 7/4. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 7/4. (Nguồn: AFP)

Thậm chí, ngay trước chuyến công du Trung Quốc cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (5-8/4), bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã nêu rõ quan điểm rằng, cách Bắc Kinh tiếp tục phản ứng với cuộc xung đột Nga-Ukraine là yếu tố quyết định tương lai của quan hệ EU-Trung Quốc.

Tuy nhiên, thay vì mục tiêu nổi bật nói trên, mối quan tâm lớn không kém của Tổng thống Pháp còn là tăng cường hợp tác kinh tế với nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trước đó, hồi tháng Ba, bình luận về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung Quốc (20-22/3), nhật báo Les Echos của Pháp cũng cho rằng, không phải vấn đề Ukraine mà chính lợi ích kinh tế mới là mối quan tâm của nhà lãnh đạo hai nước.

“Hâm nóng” quan hệ kinh tế quan trọng hơn?

Khác với bà Ursula von der Leyen, với Tổng thống Macron, việc Trung Quốc mới mở cửa trở lại sau 3,5 năm tự cô lập vì đại dịch Covid-19, là cơ hội để hai bên không chỉ nói chuyện về lập trường của Trung Quốc đối với chiến dịch quân sự của Nga. Đây cũng là cơ hội quá tốt và nhà lãnh đạo Pháp đã phải chờ đợi quá lâu để cùng với Bắc Kinh đánh giá quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Đúng như vậy, điểm gây ấn tượng trong đoàn công tác của Tổng thống Macron vừa qua, là khoảng 60 lãnh đạo các từ các tập đoàn lớn nhất cho đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp, bao gồm cả những tên tuổi nổi bật như Airbus, EDF, Alstom hay Veolia… đều có mặt trong đoàn. Nhiều hợp đồng được dự kiến là đang chờ đợi các doanh nghiệp Pháp.

Tổng thống Pháp đã tận dụng chuyến đi để bàn về "công việc kinh doanh" với nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó ông dự kiến sẽ nhấn mạnh vào quá trình chuyển đổi năng lượng, một trong những thách thức toàn cầu mà Paris coi là cần thiết để tiến tới với Bắc Kinh. Mục tiêu mà Điện Elyseé vạch ra là "để đảm bảo rằng mối quan hệ kinh tế cân bằng với Trung Quốc mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Pháp".

Tổng thống Pháp muốn tiếp tục thúc đẩy một sự "tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc" và "các điều kiện cạnh tranh công bằng", như ông đã từng đề cập trong các chuyến công du tới Bắc Kinh vào các năm 2018 và 2019.

Thông thường, các chuyến đi chính thức đều phát đi một thông điệp mang tính biểu tượng mạnh mẽ. Mary-Françoise Renard, chuyên gia kinh tế kiêm Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (IDREC) có trụ sở tại Paris, giải thích, chuyến thăm của Tổng thống Macron nhằm tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, điều này rất quan trọng đối với các công ty Pháp vì Trung Quốc là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Công xưởng sản xuất của thế giới này hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Pháp đang làm ăn.

Và mặc dù Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, với mức tăng trưởng chỉ đạt 3% trong năm 2022, Pháp vẫn rất phụ thuộc vào thị trường này và là quốc gia tiêu dùng rất nhiều sản phẩm Trung Quốc.

Theo số liệu từ hải quan Pháp, năm 2022, nhập khẩu các sản phẩm của Trung Quốc đạt 77,7 tỷ Euro (hay 85,2 tỷ USD) trong tổng kim ngạch nhập khẩu 758,1 tỷ Euro. Do đó, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ hai sang Pháp, sau Đức. Về cấu trúc, Trung Quốc có lợi thế so sánh về máy tính, điện tử và hàng tiêu dùng.

Một nền sản xuất chi phí thấp cung cấp hàng hóa tràn ngập thị trường châu Âu trong suốt 20 năm, kéo giá xuống vì lợi ích của người tiêu dùng, nhưng lại gây bất lợi cho khả năng độc lập của Pháp. Trong trường hợp thương mại bị gián đoạn, Pháp sẽ lập tức bị ảnh hưởng ở các chuỗi công nghiệp (ví dụ như ô tô, điện tử) và thiếu hụt trong các lĩnh vực nhập khẩu nhiều (dệt may, tin học).

Nhưng đất nước 1,4 tỷ dân này cũng có vai trò then chốt đối với hàng xuất khẩu của Pháp. Trên thực tế, Pháp đã cung cấp rất nhiều hàng xa xỉ cho thị trường này và cũng phụ thuộc nhiều vào người Trung Quốc trong lĩnh vực du lịch.

Theo chuyên gia Mary-Françoise Renard, Pháp có thâm hụt thương mại đáng kể nhưng cũng có được thặng dư về dịch vụ và chính phủ của Tổng thống Macron muốn tận dụng điểm mạnh này vì Trung Quốc có thị trường nội địa rất lớn. Năm 2021, Pháp xuất khẩu 24,1 tỷ Euro sang Trung Quốc và khoản thu này có thể tiếp tục tăng nếu quan hệ giữa hai nước được duy trì tốt đẹp.

Bruno Vanier, Chủ tịch của Gemway Assets, một công ty chuyên đầu tư ở các nước mới nổi, nhận xét rằng Chính phủ Trung Quốc đã chủ trương thúc đẩy tăng trưởng theo hướng tập trung vào thị trường nội địa do người dân có mức sống khá cao. Nếu mô hình tăng trưởng của Trung Quốc là tiêu dùng, các công ty nước ngoài sẽ gặp thuận lợi khi thâm nhập thị trường này. Chúng ta đang ở thời điểm mà xuất khẩu của Pháp có thể tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, vấn đề là trong vài năm gần đây, quan hệ chính trị và kinh tế giữa Pháp và Trung Quốc không được tốt đẹp như mong đợi. Theo đánh giá của chuyên gia Mary-Françoise Renard, kể từ khi thực hiện chính sách Zero Covid-19 năm 2019, chính quyền đã thường xuyên cho đóng cửa các nhà máy, kể cả các doanh nghiệp của Pháp, hoặc cách ly công nhân ngay tại nơi làm việc, gây rối loạn cho nhiều công ty trong thời gian 2019-2022.

Tiếp đến, lập trường của Trung Quốc đối với cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến mối quan hệ của nước này với các chính phủ phương Tây trở nên lạnh nhạt.

Do vậy, chủ yếu còn các công ty lớn của Pháp đầu tư vào Trung Quốc và sự hiện diện của Pháp ở nước này có xu hướng bị xói mòn. Tổng thống Emmanuel Macron rất muốn đảo ngược điều này để tận dụng sự khả năng tiêu dùng của người Trung Quốc trong thời gian tới.

Cuối cùng, theo giới quan sát, chuyến công du của “cặp đôi” từ châu Âu lần này dường như còn nằm trong một "chiến dịch lôi kéo" và cả răn đe trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, theo đánh giá của người đứng đầu Công ty Gemway Assets, nếu EU có “động thái” với Trung Quốc thì nền kinh tế Pháp và châu Âu cũng tổn hại nghiêm trọng. Trong khi, Bắc Kinh không có lợi ích gì trong việc tuyên bố ủng hộ hoặc chống lại Nga.

Bắc Kinh có chính sách không can thiệp và hiện tại, họ rất hài lòng khi được giảm giá dầu mà không phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nga-Trung Quốc là đối tác, trước khi là đồng minh

Đúng như giới truyền thông dự đoán, cuộc gặp của Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không dẫn đến tiến bộ đáng kể nào trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng hai bên đã đạt được thỏa thuận ký kết cho một đường ống dẫn khí đốt mới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP)

Một sự đồng thuận quá mức về các quan điểm, các thỏa thuận kinh tế được mong đợi, nhưng lại rất ít mối quan tâm về cuộc xung đột ở Ukraine. Ngày thứ hai của chuyến thăm, sau cuộc hội đàm kéo dài ba giờ, hai nước chắc chắn đã thể hiện "mối quan hệ đặc biệt", như cách diễn đạt của Tổng thống Putin với người đồng cấp Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã ký tuyên bố về việc "làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược đang bước vào một kỷ nguyên mới". Tuy nhiên, điều thấy rõ là không có tiến bộ đáng kể nào về vấn đề quan trọng nhất hiện nay - cuộc xung đột của Nga ở Ukraine.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Trung Quốc trong năm nay. Người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc cũng đảm bảo với người đồng cấp Nga về sự hỗ trợ không ngừng trong khuôn khổ "tình hữu nghị vô hạn" được tuyên bố giữa hai nước. Tuy nhiên, vấn đề gây dựng một liên minh thực sự dường như không nằm trong chương trình nghị sự và có vẻ như rất ít khả năng Bắc Kinh sẽ cung cấp vũ khí cho Moscow, như lo ngại của Washington.

Theo chuyên gia về Trung Quốc Antoine Bondaz, tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS), lý do đơn giản là nó sẽ không có lợi cho Trung Quốc. Điều đó sẽ phá hỏng tất cả các diễn ngôn của Trung Quốc rằng nước này đại diện cho một "cường quốc có trách nhiệm và là một nhân tố ổn định". Một lý do khác nữa là Bắc Kinh không muốn là mất lòng các đối tác phương Tây.

Hiện cán cân trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và tất cả các nước phương Tây đang tham gia hỗ trợ Ukraine lớn hơn 13 lần so với khối lượng trao đổi thương mại với Nga. Do đó, nhà nghiên cứu thuộc FRS nhấn mạnh, nếu Bắc Kinh ủng hộ Nga ở cuộc xung đột Ukraine, thì "sẽ làm đảo lộn mối quan hệ với các quốc gia châu Âu".

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, nước này có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc về hydrocarbon. Theo ông, mục tiêu sẽ là cung cấp cho Trung Quốc ít nhất 98 tỷ m3 khí đốt và 100 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm 2030.

Một thỏa thuận đã được ký kết về dự án đường ống dẫn khí Force de Siberia 2, sẽ vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm đến Tây Bắc Trung Quốc. Hiện toàn bộ lượng khí đốt nhập khẩu vào Trung Quốc đều đến từ các tàu vận chuyển LNG hoặc từ đường ống dẫn khí đốt Force 1 ở Siberia, với công suất 38 tỷ m3.

(theo La Tribune, TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-trung-quoc-hay-moscow-bac-kinh-moi-quan-tam-chinh-cua-ho-deu-khong-phai-ukraine-223218.html